1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kon Tum:

Tết của làng chài miền Tây trên dòng Sê San

(Dân trí) - Sau hơn 10 năm lênh đênh trên dòng Sê San, bà con miền Tây vùng đất đỏ bazan đã được chính quyền lập làng, cấp đất, cấp nhà đón tết. Vui mừng hơn khi những đứa trẻ “tha hương” nay được đến trường học cái chữ, nuôi hy vọng thoát nghèo cho cả làng chài.

Không còn cảnh lênh đênh, trôi nổi

Trong tiết trời se lạnh của những ngày đầu xuân, chúng tôi xuôi thuyền theo dòng Sê San để về thăm làng chài của những người miền Tây di cư sinh sống trên vùng biên giới Kon Tum.

Nhìn từ xa, làng chài hiện lên giữa lòng hồ với những nhà căn nhà bè lênh đênh, chao đảo theo những gợn sóng của mặt hồ. Giữa lòng hồ, cảnh nhộn nhịp của những chiếc ghe máy đang hối hả chạy đua với bóng tối để gom nhặt những mẻ cá cuối cùng trong ngày.

Tết của làng chài miền Tây trên dòng Sê San - 1

Xóm làng chài miền Tây lênh đênh trên dòng Sê San mưu sinh kiếm sống

Chỉ tay về phía làng chài, anh Trần Trung Dũng – Phó Chủ tịch xã Ia Tơi (huyện Ia H’Drai, Kon Tum) cho biết, xưa nay dòng sông Sê San này đã nổi tiếng với nguồn lợi thủy sản với đủ các loại các “khủng” có giá trị cao. Chính vì vậy, người dân từ khắp nơi đã đổ về dòng Sê San này để làm nghề chài lưới, đánh bắt các loại thủy sản.

Từ hơn 10 năm trước, làng chài này đã được hình thành nhưng chưa ổn định. Vì người dân đa số di cư từ miền Tây lên đây sống tạm trên những ngôi nhà nổi thuộc xã Ia O (Gia Lai) và Ia Tơi (Kon Tum). Lúc đó, trên lòng hồ Sê San này chỉ có vài chục hộ dân chủ yếu là những người miền Tây như: Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang, Long An và một số hộ là người Thừa Thiên – Huế di cư lên cao nguyên này để đánh bắt và nuôi cá lồng bè.

Tết của làng chài miền Tây trên dòng Sê San - 2
Với sự phát triển nghề nuôi cá lồng bè đã giúp người dân miền Tây “thoát nghèo” trên vùng đất đỏ bazan

Vì cuộc sống di cư từ miền Tây lên không giấy tờ, bà con phải sống chui lủi trong những căn nhà bè để đánh bắt cá với nỗi lo sợ bị chính quyền đuổi. Cuộc sống của những người dân miền Tây đều chung cảnh tạm bợ, không nhà cửa, không “đất cắm dùi”, con cái không biết chữ…Cuộc sống tạm bợ “nay đây, mai đó” của bà con làng chài kéo dài đến đến năm 2015 khi chính quyền xã Ia Tơi đã tạo điều kiện quy tụ tất cả dân làng chài trên lòng hồ Sê San về một điểm để tiện quản lý và giúp đỡ bà con…

Là người đầu tiên đặt chân lên lòng hồ Sê San để mưu sinh, ông Nguyễn Văn Triều (trưởng thôn 7, xã Ia Tơi) lau giọt mồi hôi trên trán và nói: “Năm 2009, quê tôi (An Giang) bị mất mùa cả vùng sông nước miền Tây đói lắm. Lúc đó, có người mách nên tôi khăn gói lên vùng lòng hồ này để thử đánh bắt hải sản. Lúc đầu, tôi chỉ dựng tạm cái chòi bên mép sông để bắt con tôm, con cá làm kế sinh nhai rồi tính tiếp. Dọc lòng này hồ tôm cá rất trù phú, cứ thả lưới xuống là bắt được những loại cá khủng như cá lăng, cá sọc dưa, cá cơm… Sau đó, tôi đã đưa luôn cả gia đình từ miền Tây lên vùng lòng hồ này để mưu sinh. Tuy cuộc sống khó khăn nhưng vẫn có thu nhập cao đủ nuôi cái ăn cho cả gia đình…”.

Tết của làng chài miền Tây trên dòng Sê San - 3
Loại cá Lăng giá trị cao được người dân miền Tây nuôi trên lòng hồ

Anh Trần Tằm (quên Long An) tiếp lời: “Chạy trốn mãi qua lại cũng không ổn nên chúng tôi tập trung viết đơn tập thể, mong được đăng ký thường trú ở phía sông bên tỉnh Kon Tum. Đến nay, toàn bộ có 29 hộ dân của làng chài đã yên ổn, các cháu nhỏ đã được đến trường…”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Chế Hồng Quyền – Chủ tịch UBND xã Ia Tơi cho biết: “Hiện nay trên làng chài có tất cả 29 hộ với hơn 100 khẩu. Trước việc người dân sống lênh đênh trên những căn nhà bè tạm bợ với nhiều thiếu thốn nên lãnh đạo tỉnh, huyện đã chỉ đạo nhằm đưa người dân lên bờ để bà con miền Tây có cuộc sống ổn định. Chính vì vậy, đầu năm 2018 mỗi hộ dân làng chài sẽ được cấp 400m2 đất ở và 50 triệu đồng để có chi phí dựng nhà. Còn hộ nào có nhu cầu thì có thể khai khẩn gần đó để canh tác, làm ăn. Liên tục hàng quý, Sở Nông nghiệp-phát triển nông thôn đã hỗ trợ cấp giống cá, thức ăn cho bà con nuôi cá lồng bè trên lòng hồ Sê San…”.

Đón tết đầu tiên trên bờ

Sau nhiều năm lênh đênh, nay bà con làng chài đã được chính quyền hỗ trợ xây nên những căn nhà kiên cố ngay sát lòng hồ Sê San để thuận tiện cho việc nuôi hải sản, đánh bắt cá của bà con.

Ông Chế Hồng Quyền cho biết: “Hiện nay, tất cả 29 căn nhà của bà con làng chài đang dần hoàn thành để kịp đón tết. Để tạo điều kiện cho bà con có cuộc sống đầy đủ trên quê hương thứ hai, chính quyền đang kéo hệ thống điện, làm đường… Cùng với đó, nhằm giúp cho bà con ổn định cuộc sống chính quyền đã thành lập HTX nông nghiệp cá nhằm tìm đầu ra, hỗ trợ kĩ thuật, con giống cho hàng chục hộ nơi đây. Hứa hẹn với những nỗ lực sẽ là “đòn bẫy” cho sự phát triển kính tế của bà con làng chài trong năm mới này…”.

Tết của làng chài miền Tây trên dòng Sê San - 4
29 căn nhà của bà con miền Tây đang dần hoàn thiện để kịp đón tết trên bờ.

Đang gấp rút thu những mẽ cái cuối cùng để về sắm tết, anh Đặng Văn Biện (quê An Giang) cho biết: “Nhưng cái tết trước chúng tôi đều trôi nổi trên những chiếc bè tạm kia. Vì hoàn cảnh khó khăn nên ai cũng ở lại để chăm những lồng cá đang lớn, phần vì không có điều kiện về. Những người con xa xứ như chúng tôi đều coi lòng hồ Sê San này như quê hương thứ hai. Mấy nhà cũng sắm gạo nếp để đùm cái bánh chưng rồi bắt cá dưới sông lên làm mâm cơm cúng đêm giao thừa…”.

“Sau nhiều năm đón tết dưới sông nước, dân làng đã có nhà mới khang trang để vui xuân. Còn mấy ngày nữa là đến tết nên gia đình tôi cũng đã đi sắm thêm những vật dụng nấu ăn và trang trí nhà cửa để cùng hàng xóm đón cái tết đầu tiên trên bờ ở vùng biên giới Sê San này…”, anh Biện mong đợi.

Tết của làng chài miền Tây trên dòng Sê San - 5
Đặc sản bánh tráng cá cơm trên lòng hồ Sê San

Niềm vui trong dịp đầu xuân, anh Trần Tằm (Quê Long An) vui mừng hơn cả khi hai đứa con đều được chính quyền tạo điều kiện đến trường học cái chữ. Tuy năm nay giá cá lồng bấp bênh, nhưng với những thay đổi đã tạo cho anh Tằm một “đòn bẩy” để nhấc anh khỏi cái nghèo bám dai dẳng bao năm trời.

Anh Tằm phấn khởi nói: “Tôi mừng lắm, từ đây cảnh lênh đênh trên lòng hồ đã chấm dứt, các con đều được đến trường. Cảnh đêm thâu chung chăn khi rét giữa hồ lướt cũng không còn. Tết này, gia đình được sưởi ấm trong ngôi nhà mà tôi đã mơ ước bấy lâu…”.

Có những ngôi nhà khang trang để đón tết, cuộc sống “an cư, lạc nghiệp” cứ ngỡ như mơ của bà con làng chài này đã thành hiện thực. Những con người thuần nông, chân chất như ông Triều, anh Tằm cùng gia đình cũng chấm dứt những ngày lênh đênh để tập trung làm ăn, nuôi dạy con cháu. Với cái tết đầu tiên được đón trên bờ, bà con làng chài ai cũng phấn khởi, vui mừng trên vùng đất đỏ bazan.

Phạm Hoàng