1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Taxi ngựa kéo” giữa lòng Hà Nội

Đến làng Ngọc Trục (Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội), chỉ cần hỏi thăm dịch vụ xe ngựa kéo thì từ trẻ con đến người già ai ai cũng có thể cho bạn vài chục địa chỉ. Không ít người đã gọi đùa Ngọc Trục là làng “taxi ngựa”.

Nếu như nhiều năm về trước làng Ngọc Trục được nhiều người biết đến bởi nghề làm bồ, nghề trồng hoa đào thì nay, ở cái thời nhà nhà sắm ôtô, xe máy, nhiều người lại ngỡ ngàng khi thấy nhiều hộ dân ở làng Ngọc Trục đua nhau đi sắm ngựa, đua nhau đi dóng thùng xe.

 

Điều tưởng chừng như “điên rồ” ấy lại đang được người dân nơi này đón nhận như một sự tất yếu khi xung quanh khu vực xã Đại Mỗ, các dự án bắt đầu mọc lên như nấm, nhu cầu vận chuyển vật liệu xây dựng (VLXD) ngày một nhiều. Để tiết kiệm chi phí vận chuyển, thay vì thuê xe tải nhỏ hay xe công nông, dịch vụ xe ngựa kéo của người dân làng Ngọc Trục rất được ưa chuộng.

 

Nhà nhà đi sắm ngựa

 

Từ khi Hà Nội có chủ trương mở rộng về phía Tây với các dự án lớn, nhỏ mọc lên, thì nhiều hộ dân quanh xã Đại Mỗ (huyện Từ Liêm) cũng chuyển sang kinh doanh vật liệu xây dựng. Để phục vụ cho việc mua bán vật liệu xây dựng, năm 2003 TP Hà Nội cũng đã cho xây dựng hẳn một chợ VLXD tại xã Đại Mỗ.

 

Có cung ắt có cầu, thời gian đầu các chủ cửa hàng thường phải thuê xe tải, xe công nông để vận chuyển những mặt hàng cồng kềnh như cốt pha, sắt thép...

 

Cho đến ngày giá xăng dầu tăng, ngay trong thời điểm này, một vài hộ dân trong xã Ngọc Trục đã mạnh bạo đưa loại hình xe ngựa kéo ra làm dịch vụ vận chuyển hàng. Mới đầu, không ít người cũng ái ngại vì xe ngựa đúng là chở hàng rất tiện nhưng tốc độ thì không thể bằng xe tải hay công nông.

 

Nhưng với giá cả phải chăng, chỉ bằng một nửa giá thuê ôtô tải nhỏ, mà mỗi chuyến hàng cũng trở được kha khá, ngõ ngách nào cũng vào được nên nhiều chủ cửa hàng bắt đầu tính toán, lưu ý đến loại hình dịch vụ này. Thấy một vài hộ làm được, lại có thu nhập khá nên nhiều hộ khác trong làng cũng học tập làm theo.

 

Chị Thu Nga, một trong những gia đình phát triển dịch vụ xe ngựa kéo đầu tiên ở làng Ngọc Trục cho biết: Gia đình có 5 người, 3 đứa con thì đang tuổi đi học, mà chỉ trông chờ vào mỗi quán bán nước trước cửa trường học thì không ổn. Để có thêm thu nhập cách đây từ chục năm, hai vợ chồng đã mua thêm cả ngựa về chăn nuôi rồi bán cho lái buôn mổ thịt.

 

Một năm trở lại đây, thấy nhu cầu chở hàng tăng, hai anh chị đã bàn nhau mua ngựa kéo hàng về thử. Lúc đầu chỉ là một vài người trong làng thuê chở hàng, sau thấy tiền công rẻ, nên người nọ mách người kia, số người có nhu cầu thuê xe ngựa kéo tìm đến vợ chồng nhà chị ngày một đông.

 

Việc nhiều anh bàn với vợ chồng cậu em ruột bỏ vốn chừng 20 triệu mua ngựa, dóng xe để chở hàng. Trừ tiền thức ăn và công chăm sóc ngựa, giờ mỗi ngày thu nhập từ xe ngựa kéo của vợ chồng chị Nga cũng tới 200.000-300.000 đồng, ngày nhiều việc có khi cũng lên tới 400.000đ. Trước đây cả làng có chừng 5-6 xe, chỉ sau vài tháng số xe ngựa trong làng giờ đã lên tới con số 30-40 xe.

 

Còn theo anh Thắng, người xà ích khác ở Ngọc Trục cho hay, chỉ trong thời gian ngắn khi xăng lên giá, khi dịch vụ cung cấp VLXD phát triển cũng là lúc ở làng Ngọc Trục bắt đầu xuất hiện thêm nhiều xe ngựa.

 

Giờ đến làng Ngọc Trục chỉ cần hỏi thăm dịch vụ xe ngựa kéo thì từ trẻ con đến người già ai ai cũng có thể chỉ cho bạn vài chục địa chỉ. Để tiện liên lạc, hầu hết các ông chủ xe ngựa kéo đều sắm điện thoại di động giắt túi. Nhiều người còn quảng bá dịch vụ của mình bằng cách viết tên tuổi, số điện thoại lên dọc thùng xe. Do đó, không ít người đã gọi đùa Ngọc Trục là làng “taxi ngựa”.

 

“Taxi ngựa” chẳng nề hà hàng gì, từ những thứ hàng cồng kềnh như tre, nứa đến VLXD. Đặc biệt “Taxi ngựa” ưu điểm hơn ôtô ở chỗ có thể đưa hàng vào tận sâu trong ngõ ngách theo đúng yêu cầu của chủ hàng giá lại rẻ hơn nhiều

 

An toàn giao thông cũng cần được chú trọng

 

Giờ xe ngựa không chỉ chạy quanh làng Ngọc Trục mà còn lưu hành trên cả QL70, nhất là vào buổi sáng sớm, hay giữa trưa. Thế nhưng, khi được hỏi về vấn đề an toàn giao thông (ATGT), nhiều chủ xe thường cười trừ.

 

Anh Sơn, một xà ích từng bị Công an bắt vì tội vượt đèn đỏ, tâm sự: “Nhiều hôm đưa xe ngựa ra đường chở hàng vào giờ cao điểm cũng lo ngay ngáy. Có lần Công an bắt gặp họ cũng tha, nhưng có lần mình liều vượt đèn đỏ nên bị giữ xe lại và nộp phạt hành chính. Ngày hôm đó coi như chở hàng không công”.

 

Ông Nguyễn Văn Quyến, Trưởng thôn Ngọc Trục, thì cho biết: “Thôn Ngọc Trục có gần 1.000 hộ dân, trước đây có hơn chục hộ sử dụng xe ngựa vào dịch vụ kinh doanh chở hàng hóa, nguyên VLXD. Tuy nhiên, đây phần lớn là các lao động phổ thông, tự mua sắm trang thiết bị như xe bốn bánh, ngựa về làm thành xe kéo từ những năm 90.

 

Sau đó, vài năm đã có thời điểm nhiều hộ bán ngựa để chuyển đổi nghề, nhưng nay lại thấy họ đua nhau đi mua ngựa để kinh doanh. Nhiều chủ kinh doanh chọn mua những con ngựa tốt tận những nơi chuyên cung cấp giống ngựa như khu vực Chèm, huyện Từ Liêm, hoặc từ các tỉnh Hòa Bình, Sơn La…

 

Nhìn chung, khi mà giá cả tăng lên, thuê ôtô thì đắt, xe công nông bị cấm, xe ngựa kéo đang dần lên ngôi. Xã Đại Mỗ không có chủ trương quản lý loại hình dịch vụ này nên các hình thức này vẫn phát triển theo kiểu tự phát. Do đó, vấn đề về ATGT đối với loại hình dịch vụ này cũng chưa được bàn tới”.

 

Nhìn những chiếc xe ngựa chở hàng chạy trên đường, thiết nghĩ, loại hình dịch vụ này tiện thì thật là tiện nhưng việc ảnh hưởng đến ATGT cùng những nguy cơ gây tai nạn tiềm ẩn vẫn là câu hỏi đặt ra đối với các cơ quan chức năng

 

Theo T. Huyền - N. Hương

Công an Nhân dân