Tàu vỏ thép tiền tỷ hư hỏng: Cuộc đối thoại dang dở vì không có người chủ trì (!)
(Dân trí) - Chiều 5/7, tại UBND thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa), Công ty cổ phần Đại Dương đã có buổi đối thoại với chủ tàu vỏ thép bị hư hỏng để tìm hướng giải quyết. Tuy nhiên cuộc đối thoại kết thúc dang dở vì không có người chủ trì...
Công ty cổ phần Đại Dương (Cty Đại Dương), có trụ sở tại tỉnh Thái Bình là đơn vị đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ cho ông Nguyễn Duy Muộn, ở phường Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa.
Đặc biệt, nhiều phóng viên có mặt đã không được tham gia buổi đối thoại ngay từ đầu, phải đứng chờ ở hành lang. “Cuộc họp kín” diễn ra một lúc lâu sau, lãnh đạo Sầm Sơn mới mời báo chí quay trở lại phòng họp để dự buổi đối thoại.
Tại đây, ông Phạm Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Sầm Sơn, cho biết: “Sau khi có ý kiến của của ông Nguyễn Duy Muộn phản ánh chiếc tàu vỏ thép được đóng mới theo Nghị định 67, với tổng kinh phí gần 18 tỷ đồng, nhưng cứ ra khơi lần nào là hỏng hóc lần đó, UBND thành phố Sầm Sơn đã mời đại diện Công ty đóng tàu và chủ tàu phối hợp với các cơ quan chức năng để đối thoại, tìm biện pháp khắc phục, sửa chữa tàu”.
Ông Phạm Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Sầm Sơn bỏ buổi đối thoại giữa chừng.
Cũng theo ông Tuấn: Phía công ty cũng đã hứa sẽ hỗ trợ cho ông Muộn việc sửa chữa, khắc phục sự cố. Về phần điện và hệ thống chấn lưu điện tử trên tàu, hai bên chưa thống nhất được việc sửa chữa, khắc phục. Các bên liên quan đều thống nhất sẽ gửi hồ sơ về UBND thành phố Sầm Sơn sau ngày 10/7 để tìm hướng giải quyết.
Sau khi thông báo xong, ông Tuấn bỏ cuộc đối thoại, rời khỏi phòng họp.
Tại buổi đối thoại, ông Muộn, khẳng định: Những gì ông phản ánh về chiếc tàu của mình thường xuyên bị hỏng hóc là đúng sự thật. Chiếc tàu của ông do Cty Đại Dương đóng có nhiều chi tiết không đúng với thiết kế.
Ông Muộn dẫn chứng: Hệ thống điện trên tàu không đúng kỹ thuật, hệ thống sào tàu không đúng loại thép theo thiết kế, hệ thống tời của tàu cũng bị hỏng; tàu mới đưa vào sử dụng một năm, 9 lần ra khơi đều hỏng cả 9 lần. Cụ thể, hỏng máy phát điện, vỡ pít-tông tời, hỏng hệ thủy lực; cháy bóng đèn trên tàu, cháy chấn lưu điện tử, cọc sào bị gãy…
Còn ông Đỗ Quang Dương, Tổng giám đốc Cty Đại Dương thì cho rằng, công ty luôn có trách nhiệm với tàu của ông Muộn. Công ty cũng đã 6 lần cử cán bộ vào để hỗ trợ ông Muộn sửa chữa tàu. Công ty đã chi hết 366 triệu đồng để bảo hành chiếc tàu của ông Muộn.
Theo báo cáo của ông Dương, công ty vẫn có trách nhiệm với chiếc tàu của ông Muộn. Đồng thời, ông Dương cho rằng, nghề chính của ông Muộn trước đây là nghề thợ lặn, do bỡ ngỡ mới vào nghề chụp mực, chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, vận hành và khai thác tàu cá lưới chụp vỏ thép công suất trên 800 CV, có thể dẫn đến việc khai thác thiếu hiệu quả và có thể làm cho máy móc, thiết bị hỏng.
Đại diện Cty Đại Dương cho rằng, ông Muộn mới vào nghề chụp mực, chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, vận hành và khai thác tàu cá lưới chụp vỏ thép (!?)
Cũng tại buổi đối thoại, ông Lường Văn Hoàng - Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn - cho biết: Quảng Cư có 6 tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67. Tàu của gia đình ông Muộn hay bị hỏng hóc. Một chiếc tàu đóng mới với tổng kinh phí lên tới gần 18 tỷ đồng mà liên tục bị hỏng hóc, thì rõ ràng “có vấn đề” về chất lượng...
Đồng thời, ông Hoàng đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý và làm rõ ai là người phải chịu trách nhiệm.
Trước đề nghị của đại diện chính quyền phường Quảng Cư và các câu hỏi của phóng viên, ông Lê Văn Khoa - Chủ tịch HĐQT Cty Đại Dương đề nghị dừng cuộc đối thoại vì... không có ai chủ trì, do Phó Chủ tịch UBND thành phố Sầm Sơn đã rời phòng họp.
Duy Tuyên