1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thanh Hóa:

Tàu vỏ thép tiền tỷ hư hỏng: Ngư dân thiệt đơn thiệt kép!

(Dân trí) - Câu chuyện những con tàu vỏ thép liên tục gặp sự cố đang khiến không ít ngư dân lo lắng khi đã đầu tư hàng chục tỷ đồng mà chủ yếu là tiền đi vay ngân hàng. Nhiều con tàu cứ ra khơi là hỏng khiến ngư dân thiệt đơn thiệt kép...

>> Tàu vỏ thép liên tục gặp sự cố, ngư dân lao đao

Tai nạn chết người

Đến nay, tại Thanh Hóa đã đóng mới được 47 tàu theo Nghị định 67, trong đó có 23 tàu vỏ thép. Tuy nhiên, trong số đó có hơn chục con tàu mới đưa vào hoạt động thì thường xuyên xảy ra trục trặc, hư hỏng.

Tàu vỏ thép đang khiến nhiều ngư dân tại Thanh Hóa lo lắng vì những trục trặc sau khi đưa vào khai thác
Tàu vỏ thép đang khiến nhiều ngư dân tại Thanh Hóa lo lắng vì những trục trặc sau khi đưa vào khai thác

Xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc được xem là một trong những địa phương có nhiều tàu đóng theo Nghị định 67 nhất với 6 phương tiện, trong đó 4 tàu vỏ gỗ, 2 tàu vỏ thép. Tuy nhiên, cả 2 tàu vỏ thép của ngư dân trong xã thường xuyên gặp trục trặc sau mỗi chuyến khai thác, thậm chí gây chết người.

Cụ thể, tàu vỏ sắt số hiệu TH 92668 TS của anh Nguyễn Văn Quang, thôn Hòa Ngư được đưa vào sử dụng từ tháng 3/2017, ngay chuyến đầu tiên đã bị đứt dây tời khiến một ngư dân đi trên tàu tử vong.

Những chuyến tiếp theo, tàu của anh Quang đều bị trục trặc nên phải về sớm dẫn tới lỗ vốn hàng trăm triệu đồng tiền dầu và chi phí nhân công cho 10 thuyền viên. Chuyến đi biển gần đây nhất, tàu mới bắt đầu khai thác nhưng chỉ hòa vốn.

Còn tàu vỏ thép TH 93869 TS, công suất hơn 800 CV của ông Nguyễn Văn Dự cũng bị hư hỏng phải sửa chữa thường xuyên. Có những chuyến đi biển đều phải sửa chữa tốn hàng chục triệu đồng. Một số lần thả lưới xuống biển nhưng hỏng tời nên không kéo lên được, vừa không khai thác được, vừa lo mất lưới.

Thậm chí, trong chuyến đi biển gần đây nhất, lưới trôi tự do vướng vào đá ngầm nên bị rách dẫn đến hư hỏng phải vứt bỏ một vàng lưới trị giá hơn 400 triệu đồng.

Những con tàu vỏ thép của phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn liên tục gặp trục trặc
Những con tàu vỏ thép của phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn liên tục gặp trục trặc

Không những thế, hầm đá của tàu không làm lạnh theo tiêu chuẩn được nên hải sản bảo quản về bị ươn, chỉ bán được cho các cơ sở làm mắm với giá rẻ mạt.

Việc khai thác thua lỗ đã đẩy gia đình ông Dự vào thế khốn đốn, không đủ tiền trả lãi ngân hàng theo định kỳ…

Trục trặc từ những chuyến đi biển đầu tiên

Huyện Tĩnh Gia có 2 tàu vỏ thép, trong đó, tàu của gia đình anh Trần Văn Thượng, ở xã Nghi Sơn được đưa vào sử dụng từ tháng 2/2016, nhưng trục trặc tời ngay từ chuyến đi biển đầu tiên, sau đó liên tục hỏng hóc nhiều bộ phận.

Năm 2016, hoạt động vươn khơi của gia đình anh đã lỗ vốn gần 500 triệu đồng.

“Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, gia đình sẽ vỡ nợ. Mấy tháng trước còn vay lãi ngoài để sửa chữa và trả tiền nhân công hàng tháng, nhưng nay chẳng còn ai muốn cho vay nữa…”, chị Nguyễn Thị Lan (vợ anh Thượng) cho biết.

Tại phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn có 2 tàu thép 67. Trong đó, tàu mang số hiệu TH-92568-TS của Công ty Nam Thanh hoạt động bình thường, còn tàu công suất 829 CV của gia đình ông Nguyễn Hữu Oanh, ở phố Trung Thịnh lại thường xuyên hỏng hóc.

Tàu vỏ thép tiền tỷ hư hỏng: Ngư dân thiệt đơn thiệt kép! - 3
Bản cam kết giữa Công ty CP Đại Dương và ông Nguyễn Duy Muộn
Bản cam kết giữa Công ty CP Đại Dương và ông Nguyễn Duy Muộn

Gia đình ông Oanh đầu tư gần 18 tỷ đồng, trong đó tiền vay mượn ngân hàng là 15 tỷ đồng, do công ty CP đóng tàu Hoàng Phong (Nam Định) thực hiện. Nhưng từ đầu năm 2017, từ khi nhận bàn giao và đưa tàu vào hoạt động đến nay cứ đi chuyến nào là lỗ chuyến đó.

Cũng chung tình trạng trên, tàu của ông Nguyễn Văn Nhung, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa được đầu tư 17,5 tỷ đồng và tháng 3/2017 chính thức xuất xưởng. Tàu ra khơi 3 chuyến nhưng chỉ thu về được trên dưới 100 triệu đồng, trong khi tính sơ bộ gia đình ông lỗ khoảng 850 triệu đồng kể từ khi đưa tàu vào khai thác.

Trở lại câu chuyện con tàu của ông Nguyễn Duy Muộn, ở phường Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn, trong danh mục phần máy có ghi rõ, hệ thống tổ máy phát điện chính có xuất xứ từ Nhật Bản, trị giá 1,6 tỷ đồng, bao gồm 2 máy.

Thế nhưng quá trình khởi động ở xưởng lại không thể tải điện xuống trực tiếp, ông Muộn yêu cầu phải thay hệ thống máy mới. Sau khi bàn bạc, Công ty cổ phần Đại Dương đồng ý với điều kiện chủ tàu phải thanh toán thêm 350 triệu đồng.

Ông Muộn cho rằng, đây là điều hết sức vô lý, bởi chính Công ty Đại Dương là đơn vị đứng ra lập kế hoạch cung ứng toàn bộ vật tư, thiết bị. Trong trường hợp này, sai sót thuộc về công ty, sao ông phải gánh tránh nhiệm?

Sau khi thay máy mới, công ty CP Đại Dương yêu cầu ông Muộn phải thanh toán thêm 350 triệu đồng
Sau khi thay máy mới, công ty CP Đại Dương yêu cầu ông Muộn phải thanh toán thêm 350 triệu đồng

Hơn nữa, trong biên bản thỏa thuận giữa hai bên, thiết bị ngư lưới cụ sẽ do chủ tàu tự trang bị nhưng dưới sự giám sát của bên B (đơn vị đóng tàu).

Sau khi được chấp thuận, ông Muộn đã mua sắm ngư lưới cụ với mức giá gần 2,6 tỷ đồng. Thế nhưng, trong hợp đồng lại có điều khoản “lạ” là ông Nguyễn Duy Muộn phải thanh toán cho công ty 15% tổng giá trị của ngư lưới cụ, tương ứng với số tiền gần 386 triệu đồng.

Ông Nguyễn Đức Cường, Chi cục Phó Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, Sở đã gửi công văn cho các xưởng đóng tàu vỏ thép cho các địa phương Thanh Hóa, đề nghị phối hợp cùng các chủ tàu để khắc phục một số sự cố xảy ra, đảm bảo tàu đi khai thác trong thời gian sớm nhất.

Sở cũng đã phối hợp với các địa phương để rà soát lại tất cả các chủ tàu tham gia khai thác. Khi có các trục trặc thì chủ tàu phải báo về xưởng đóng tàu để khắc phục. Nếu chủ tàu nào mua bảo hiểm thì cũng phối hợp với công ty bảo điểm để khắc phục.

Duy Tuyên - Hoằng Yến

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm