1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh Hóa:

Tàu vỏ thép liên tục gặp sự cố, ngư dân lao đao

(Dân trí) - Mới chỉ đưa vào sử dụng được một thời gian ngắn, những chiếc tàu vỏ thép tiền tỷ đã hư hỏng, trục trặc khiến ngư dân rơi vào cảnh lao đao, nợ nần chồng chất...

Liên tục những sự cố về tàu vỏ thép khiến ngư dân lao đao

Thời gian qua, những chủ tàu vỏ thép trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa rơi vào cảnh lao đao vì những chiếc tàu vỏ thép đang có dấu hiệu hư hỏng.

Từ một chủ nghề cá làm ăn có tiếng ở vùng biển Sầm Sơn, giờ đây ông Nguyễn Duy Muộn, ở khu phố Vạn Lợi, phường Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn đang rơi vào cảnh dở khóc, dở cười vì những khoản nợ ngân hàng đầu tư vào tàu vỏ thép.

Ông Nguyễn Duy Muộn chủ tàu vỏ thép Muộn Cương 01 buồn rầu khi tàu liên tục gặp sự cố
Ông Nguyễn Duy Muộn chủ tàu vỏ thép Muộn Cương 01 buồn rầu khi tàu liên tục gặp sự cố

Theo nghị định 67/CP của Chính phủ, tháng 8/2015, gia đình ông may mắn nằm trong danh sách được hỗ trợ đóng tàu vỏ thép với tổng số vốn đầu tư hơn 17,7 tỷ đồng (trong đó vốn vay ngân hàng gần 17 tỷ đồng), do công ty cổ phần Đại Dương, ở xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, Thái Bình thực hiện.

Một năm sau, tháng 8/2016, chiếc tàu vỏ thép của gia đình ông Muộn mang số hiệu TH 93968 chính thức được bàn giao hạ thủy.

Theo ông Muộn, đường dây điện không đủ quy chuẩn đã dẫn tới tình trạng chập cháy liên tục khi chạy máy
Theo ông Muộn, đường dây điện không đủ quy chuẩn đã dẫn tới tình trạng chập cháy liên tục khi chạy máy

Niềm vui sau bao ngày chờ đợi cũng đến, nhận bàn giao tàu về quê, ông Muộn cùng các thuyền viên chuẩn bị hành trang để vươn khơi bám biển. Tháng 10/2016, ông Muộn cùng 9 thuyền viên bắt đầu ra khơi chuyến đầu tiên.

Thế nhưng, vừa ra khơi được một ngày thì chiếc tàu vỏ thép có dấu hiệu trục trặc. “Hôm đó, vừa đi được một ngày thì chiếc tời thủy lực bị vỡ, đúng vụ trúng mẻ cá lớn mà máy móc hư nên tôi cùng anh em phải đánh tàu về xưởng của công ty tại Thái Bình để sửa chữa”, ông Muộn cho biết.

Sau một tuần sửa chữa, chiếc tàu ra khơi chuyến thứ hai. Nhưng khi chạy được 2 ngày, chiếc tàu lại gặp sự cố, máy phát điện bị hỏng. Ông cùng anh em lại đánh tàu về cảng Hới, thành phố Sầm Sơn để bảo dưỡng.

Những vết hoen rỉ xuất hiện ở nhiều vị trí trên tàu
Những vết hoen rỉ xuất hiện ở nhiều vị trí trên tàu

Theo ông Muộn, kể từ khi hạ thủy đến nay, con tàu đã có 9 chuyến ra khơi. Thế nhưng, cả 9 lần ra khơi tàu đều gặp sự cố, khiến ông bị lỗ nặng. Hiện nay, chiếc tàu vỏ thép của gia đình ông vẫn chưa thể ra khơi vì đang phải cập bến sửa chữa.

“Tàu cá ra khơi 9 chuyến mà chưa thu về được đồng lãi nào cả, gia đình tôi phải cắm sổ đất, thế chấp nhà để trả lãi ngân hàng, sửa chữa máy móc. Cứ tưởng tàu vỏ thép sẽ giúp gia đình làm ăn khấm khá hơn, ai ngờ ra sự thể này khiến cả nhà tôi như sụp đổ. Bây giờ mỗi quý phải trả lãi ngân hàng hàng trăm triệu đồng”, ông Muộn buồn rầu.

Tại Sầm Sơn có tổng cộng 7 chiếc tàu vỏ thép hoạt động. Tuy nhiên, có 4 tàu bị hư hỏng phải thường xuyên cập bến sửa chữa. Trong đó, tàu của ông Muộn gặp một số sự cố như: Vỏ tàu bị hoen rỉ, đường dây tải điện không đảm bảo quy chuẩn dẫn đến hiện tượng chập cháy trên láp, các lốc máy bị lỗi kỹ thuật nên thường xuyên hư hỏng…

Một ống sắt bị gãy sập trên tàu
Một ống sắt bị gãy sập trên tàu

Ông Muộn đã có kiến nghị đến chính quyền địa phương cũng như đại diện phía công ty. Thế nhưng, từ ngày bàn giao tàu đến nay phía công ty mới chỉ một lần vào để phối hợp sửa chữa, đến nay nhiều lần gọi điện thì công ty chỉ hứa hẹn sẽ vào nhưng vẫn “bặt vô âm tín”.

Tương tự như trường hợp ông Muộn, ông Lê Văn Lực, ở xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, là chủ của tàu số hiệu TH-91709-TS, do Công ty TNHH đóng tàu Đại Nguyên Dương, ở tỉnh Nam Định thực hiện cũng đang gặp sự cố. Sau 4 tháng, tàu bị hư hỏng nhiều bộ phận...

Một trong những thiết bị trên tàu bị cháy nổ
Một trong những thiết bị trên tàu bị cháy nổ

Ông Nguyễn Đức Cường, Chi cục Phó Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, tại Thanh Hóa có tổng cộng 23 chiếc tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67. Qua khảo sát, nắm bắt tình hình có trên 10 phương tiện gặp sự cố.

Cũng theo ông Cường, Sở NN&PTNT đã thành lập đoàn kiểm tra thực tế, tiến hành làm việc với các địa phương và chủ tàu để nắm rõ tình hình hoạt động của các tàu vỏ thép. Sau đó gửi công văn cho các đơn vị đóng tàu, đề nghị phối hợp với chủ tàu để khắc phục sự cố.

Tùng Anh - Duy Tuyên