1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

50 năm Hải quân Việt Nam đánh thắng trận đầu:

“Tàu khu trục Maddox Mỹ bị trúng quả ngư lôi của chúng tôi”

(Dân trí) - Phân đội 3 được lệnh xuất kích, quyết đánh trận mở màn. Chúng tôi nín thở đếm từng phút đợi tin. Rồi mọi người ôm nhau khóc khi những chiếc tàu anh dũng rẽ sóng trở về. Những quả ngư lôi tự tay tôi lắp đặt đã lao thẳng vào tàu địch.


Tàu khu trục Maddox Mỹ bốc cháy vì quả ngư lôi của tôi

 Ông Lê Huy Đinh nguyên là chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 135 Phóng lôi. Người đã trực tiếp lắp từng quả ngư lôi vào 3 chiếc tàu mang số hiệu 333, 336, 339 tham gia trận đánh đầu tiên của Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam.

Duyên trời định làm người lính biển

Chúng tôi tìm về thôn Hòa Lạc, xã Diễn Cát (huyện Diễn Châu, Nghệ An) tìm gặp cụ Lê Huy Định (SN 1936), một trong những người lính anh hùng của Tiểu đoàn Hải quân 135 tiền thân của Lữ đoàn Hải quân 172 anh hùng.

Ông là người đã trực tiếp gắn 6 quả ngư lôi vào 3 tàu cảm tử quân mang số hiệu 333, 336, 339 thuộc phân đội số 3 Tiểu đoàn Hải quân 135 - những chiếc tàu anh dũng đã tham gia đánh thắng trận đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam khi đuổi tàu khu trục Maddox Mỹ ra khỏi vùng lãnh hải miền Bắc nước ta.

Đã gần 80 tuổi, nhưng phong thái cụ Lê Duy Định vẫn còn đó những nét không thể lẫn vào đâu của một người lính biển. Giọng nói ồm ồm một thời như đã quen gọi tên đồng đội mình trước biển. “Tôi thì ăn to nói lớn, ngày ấy đóng quân trên đảo tiếng sóng ồn ào nên anh em muốn nói chuyện, gọi tên nhau thì cũng phải gọi thật lớn. Mấy chục năm gắn bó với biển quen rồi khó sửa lắm các chú à”, cụ cười khoan thai rót ly nước trà mời chúng tôi.

Ông Định chỉ cho chúng tôi xem bức hình những người đồng đội cũ mà ông xem như một bảo vật.
Ông Định chỉ cho chúng tôi xem bức hình những người đồng đội cũ mà ông xem như một bảo vật.

Hồi ức của người lính già trôi dần về những ngày đầu được tiếp cận với tàu chiến, vũ khí hải quân tại trường huấn luyện ở nước bạn Trung Quốc. Mở đầu câu chuyện cụ kể cho chúng tôi những ngày tháng tham gia học tập huấn luyện tại Trung Quốc: “Năm đó là lúc chiến dịch Điện Biên Phủ đang vào những ngày tháng chuẩn bị cuối cùng. Ta sẵn sàng khai hỏa mở màn trận quyết chiến với địch tại lòng chảo Điện Biên. Tôi lúc đó vừa tròn 18 tuổi, Tổ quốc gọi tên tôi, cũng như tất cả người dân Việt Nam lên đường nhập ngũ”.

“Những tưởng mình sẽ được cùng quân và dân cả nước tham gia chiến đấu tại lòng chảo Điện Biên. Tuy nhiên sau khi huấn luyện tôi lại được đưa sang nước bạn Trung Quốc để học về kỹ chiến thuật, vũ khí chiến đấu của Hải quân”, ông Lê Văn Định nhớ lại.

Chàng trai trẻ cùng với nhiều chiến sĩ xuất sắc khác sau khóa đào tạo về văn hóa được Bộ tư lệnh QĐND Việt Nam chọn sang nước bạn Trung Quốc tiếp tục học tập. Năm 1957, ông Lê Huy Định cùng những đồng chí của mình đặt chân lên nước bạn. Sau đó ông cùng đồng đội được đào tạo tại Trường hải quân số 3 đóng ở cảng Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc).

Tại đây lần đầu tiên người lính trẻ được tiếp cận với kiến thức, kỹ thuật, vũ khí, phương án tác chiến của Binh chủng Hải quân và nghiệp vụ hàng hải. Sớm ý thức được tầm quan trọng của mặt trận trên biển, ông cùng đồng đội ra sức học tập cố gắng tiếp thu một cách tối đa nhất những kiến thức được truyền đạt về vũ khí, đặc biệt là phương án tác chiến khi gặp kẻ địch mạnh, trang bị vũ khí tối tân. Mỗi “miếng đánh” đều được ông mày mò tìm hiểu chi li cẩn thận để hạn chế được điểm mạnh của kẻ địch phát huy tối đa thế mạnh của ta.

Ông Định chỉ cho chúng tôi xem bức hình những người đồng đội cũ mà ông xem như một bảo vật.

Bức ảnh chụp lại cảnh tàu Maddox xâm phạm lãnh hải của nước ta và chiến công oai hùng của Tiểu đoàn 135 Phóng lôi. Ông Lê Huy Định quý như một bảo vật của gia đình.

“Khi đó tôi cũng không ngờ mình được Đảng nhà nước, Bộ tư lệnh chọn sang Trung Quốc để tiếp tục học tập. Xác định cuộc trường kỳ kháng chiến sẽ còn kéo dài và rất gian nan, mặt trận trên biển cũng chiếm một vị thế đặc biệt vì vậy Bộ tư lệnh cử chúng tôi là đơn vị đầu tiên được nước bạn giúp đỡ đào tạo về trang bị, kỹ, chiến thuật trong tác chiến trên biển. Tổ quốc đã gọi tên, Đảng nhân dân đã giao phó trọng trách, chúng tôi chỉ biết nhìn nhau mà cố gắng, cố gắng trong từng bài học nhỏ nhất”, ông Lê Huy Định hồi tưởng.

“Nếu ngư lôi không phóng được, thì tôi đã tự tay giết đồng đội mình”

Năm 1960, kết thúc khóa huấn luyện ông Định cùng các đồng đội về nước. Chính ông lại dùng tất cả những kiến thức mình học được truyền đạt lại cho tân binh mới. Một năm sau, Tiểu đoàn 135 phóng lôi được thành lập, đóng quân tại đảo Vạn Hoa (Quảng Ninh). Ông Định được biên chế vào Tiểu đoàn với nhiệm vụ chính là kiểm tra thông số kỹ thuật của các con tàu, vũ khí, lắp đặt ngư lôi vào các ống phóng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Hồi ức của người chiến sĩ hải quân ào ạt trôi về những thời khắc cùng đồng đội chuẩn bị cho trận chiến đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam. “Lúc đó là những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm 1964. Toàn đơn vị nhận được lệnh sẵn sàng cơ động tác chiến. Vì chúng ta đã xác định được vị trí tàu khu trục Maddox của hải quân Mỹ đã vượt qua vĩ tuyến 17, xâm phạm chủ quyền lãnh hải của miền Bắc nước ta. Có những thời điểm tàu khu trục của Mỹ vào đến đảo Mắt (Nghệ An), Lạch Trường (Thanh Hóa) chúng ngông nghênh như để thăm dò và khiêu khích ý chí chúng ta”, gương mặt hừng hực khí thế như một người lính chuẩn bị xung trận ông Định kể.

 Những người đồng đội cùng ông tham gia học tập tại Thanh Đảo, Trung Quốc.
 Những người đồng đội cùng ông tham gia học tập tại Thanh Đảo, Trung Quốc.

Hồi ức của người lính già cứ như những cơn sóng triền miên gối đầu lên nhau vỗ ầm ầm, cuộn chảy trong suy nghĩ: “Đêm đó phân đội 3 gồm 3 tàu mang số hiệu 333, 336, 339 được lệnh xuất kích đánh đuổi kẻ thù ra khỏi vùng lãnh hải của nước ta. Tôi cùng các đồng đội lắp từng quả ngư lôi một vào các con tàu. Mỗi chi tiết dù là nhỏ nhất cũng được chúng tôi cẩn trọng đảm bảo chính xác nhất, bởi đồng đội trên tàu nếu có thể tiếp cận được tàu địch cũng đã vô cùng nguy hiểm, nếu lúc đó ngư lôi mà không khai hỏa thì chính chúng tôi đã tự tay giết đồng đội mình”.

Hai ngày chờ đợi dài đằng đẵng như một năm trôi qua, những con tàu ra đi vẫn bặt vô âm tín. Toàn đơn vị nín thở từng giây, đếm từng phút để đợi chờ tin tức. Cuối cùng thông tin 3 chiếc tàu thuộc phân đội 3 đang trên đường trở về căn cứ tại đảo Vạn Hoa mọi người ôm nhau vui mừng vỡ òa trong hạnh phúc.

Trận đánh không thể nào quên

Theo đó sau khi rời căn cứ tại đảo Vạn Hoa, phân đội 3 do đồng chí Lê Duy Khoái (Tiểu đoàn trưởng) trực tiếp chỉ huy cùng đồng chí Nguyễn Xuân Bột (Phân đội trưởng) . Cả 3 chiếc tàu mang theo 6 quả ngư lôi được kéo vào khu vực Hòn Nẹ (thuộc địa bàn tỉnh Thanh Hóa) để phục kích địch.

Sau đó toàn phân đội nhận được thông tin tàu khu trục Maddox đang ở cách đảo Hòn Mê khoảng gần 10 hải lý. Toàn phân đội được lệnh tiếp tục hành quân áp sát và tấn công bất ngờ địch. Tới điểm tập kết, toàn phân đội dàn đội hình sẵn sàng chiến đấu. Tất cả các tàu đều được lệnh mở hết tốc lực lao thẳng về phía tàu địch.

Người lính già hạnh phúc bên vợ.

Người lính già hạnh phúc bên vợ.

Phát hiện bị tấn công tàu khu trục Maddox lập tức dùng pháo cỡ lớn nã liên hồi vào đội hình của ta đồng thời chúng quay đầu bỏ chạy. Biển gầm thét từng cơn sóng dữ, tiếng pháo nổ rền vang, đồng chí Nguyễn Xuân Bột ra mệnh lệnh vang như sấm thay đổi chiến thuật quyết truy đuổi tiêu diệt địch đến cùng. Tàu 333 nhận lệnh lao lên phía trước chặn tàu địch lại. Còn hai tàu 336, 339 vòng sang chiếm những vị trí ở mạn phải để tiếp tục tấn công tiêu diệt địch.

Đúng lúc này một đội hình gồm 5 máy bay chiến đấu của địch lao vào phân đội của ta. Chúng bắn tới tấp vào 3 tàu của phân đội 3. “Chúng ta lúc đó mỗi tàu chỉ được gắn 2 quả ngư lôi và 1 pháo phòng không 12 li 7. Vì vậy nếu bị máy bay địch tấn công và phía tàu khu trục Maddox dùng pháo phản kích thì ta sẽ vô cùng nguy hiểm”, người lính già lo lắng trong từng lời phân tích rõ ràng rành mạch.

Tàu mang số hiệu 339 của ta bị trúng đạn bốc cháy ở khoang chính buộc phải dừng truy đuổi thả trôi để dập lửa. Tuy nhiên tàu 336 đã tiếp cận được mục tiêu, trong chớp mắt tàu 336 phóng ngư lôi thẳng về phía địch khiến chúng vô cùng hoang mang. Toàn đội hình chiến đấu của địch cả trên không lẫn pháo từ tàu khu trục tập trung hỏa lực dội pháo, đạn vào tàu 336. Thuyền trưởng tàu 336 Nguyễn Văn Tư trúng đạn hi sinh trong lúc chỉ huy.

Người lính già hạnh phúc bên vợ.
Nhìn vào tấm ảnh ông Định tường thuật lại trận hải chiến đầu tiền của Quân chủng Hải quân như câu chuyện mới vừa xảy ra hôm qua.

Lúc này tàu 333 vẫn cảm tử lao thẳng về phía tàu khu trục Maddox mặc cho mưa bom bão đạn mà địch đang trút xuống về phía ta. Mặt biển rung chuyển dưới làn đạn pháo của địch. Nhưng toàn phân đội vẫn lao về phía trước, từng chiến sĩ trên tàu đều “Quyết tử” chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Khoảng cách được xác định, tàu 333 phóng ngư lôi thẳng về phía địch. Hai quả ngư lôi phát nổ địch kinh hoàng hoảng loạn trước đòn tấn công sấm sét.

Trên không những chiếc máy bay địch cũng bị chúng ta chống trả quyết liệt bằng pháo 12 li 7. Không thể cầm cự tàu khu trục Maddox mở hết tốc lực chạy thẳng về phía bên kia vĩ tuyến 17 để bảo toàn tính mạng. Những chiếc máy bay địch cũng rút về căn cứ.

Sau đó những chiếc tàu thuộc phân đội 3 được lai dắt về cứ tại đảo Vạn Hoa, toàn Tiểu đoàn 135 hừng hực khí thế sau chiến thắng đầu tiên của quân chủng trong lần đầu xuất kích. Tuy nhiên từ đây đế quốc Mỹ lại đảo lộn toàn bộ sự thật diễn biến trên thực tế để dựng nên một “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, hòng đánh lừa dư luận quốc tế và hợp pháp hóa chiến dịch tấn công phá hoại miền Bắc bằng cả không quân và hải quân.

Người lính già hạnh phúc bên vợ.
Nhớ biển da diết người lính già lại tự làm cho mình những mô hình thuyền để đỡ nhớ sóng, nhớ đồng đội đã hi sinh.

Đơn vị của ông Lê Huy Định cùng toàn bộ Binh chủng Hải quân lại bước vào những trận chiến mới vô cùng căng go và ác liệt để bảo vệ miền Bắc xã hộ chủ nghĩa. Chi viện cho miền Nam trong cuộc khánh chiến trường kỳ giành toàn vẹn độc lập. Mỗi trận đánh đi qua chứng kiến sự trưởng thành không ngừng nghỉ của Hải quân nhân dân Việt Nam. Xương máu của hàng trăm hàng ngàn chiến sĩ Hải quân đã đổ xuống từng dòng hải lưu chảy qua lãnh hải của nước nhà. Mỗi cơn sóng vỗ, linh hồn các anh sẽ còn mãi trường tồn cùng dân tộc.

50 năm trôi qua mỗi lần đứng trước biển trong lòng người lính già lại dậy sóng. “Chúng tôi thế hệ đi trước đã đổ máu xương để giữ lấy bãi cát này, con sóng đó. Cha ông của các anh, những đồng đội của tôi đã mãi mãi ở lại với lòng biển. Tôi biết Hải quân nước nhà đã trưởng thành, lớn mạnh cả về trang bị, vũ khí, kỹ chiến thuật đó là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước ta. Nếu chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc bị xâm phạm. Tấm thân già này xin dâng cho đất nước đến hơi thở cuối cùng”, ông Lê Huy Định xúc động.

Lany Nguyễn - Nguyễn Tình