Tàu điện Nhổn - Cầu Giấy "tê liệt": Do công nghệ hay lỗi vận hành?
(Dân trí) - Lãnh đạo Hanoi Metro khẳng định sự cố mất điện trên tuyến tàu điện Nhổn - Cầu Giấy là trục trặc thiết bị, không phải do lỗi vận hành của nhân viên.
Sau 2 tháng rưỡi vận hành, tuyến tàu điện Nhổn - Cầu Giấy đã ghi nhận sự cố vận hành đầu tiên vào 17h25 ngày 24/10.
Các đoàn tàu phải dừng chạy trong 45 phút, khiến lộ trình về nhà vào giờ tan tầm của nhiều hành khách bị ảnh hưởng.
Sự cố đã lập tức dẫn đến cuộc bàn luận về "công nghệ Pháp", "công nghệ Hàn" trên mạng xã hội với ý chê bai, so sánh với tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông mang công nghệ Trung Quốc. Tuy nhiên, đây là các nhận định chủ quan khi chưa có đủ thông tin để đánh giá.
Trong vụ việc này, có 2 vấn đề cần làm rõ. Trách nhiệm để xảy ra sự cố thuộc về bên nào? Quy trình xử lý sự cố đã ổn hay chưa?
Về nguyên nhân sự cố, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Hanoi Metro (đơn vị quản lý vận hành), cho biết đây là sự cố mất điện ở ray thứ 3 từ ga Cầu Giấy tới ga Lê Đức Thọ, khiến các đoàn tàu phải dừng hoạt động để chờ khắc phục.
Ông Trường khẳng định sự cố này liên quan đến thiết bị của dự án, không phải do lỗi của nhân viên vận hành. Nhà thầu đang phối hợp với Hanoi Metro kiểm tra thiết bị, thực hiện trách nhiệm bảo hành theo hợp đồng.
Ngay khi sự việc xảy ra, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (chủ đầu tư) cũng phối hợp với Hanoi Metro để xử lý. Trong thời gian bảo hành dự án (2 năm), nhà thầu thiết bị của nước ngoài vẫn có chuyên gia trực tại Việt Nam để thực thi trách nhiệm bảo hành.
Bên cạnh câu hỏi về nguyên nhân, hành khách cũng muốn biết quy trình xử lý tình huống sau khi sự cố xảy ra đã ổn hay chưa.
Theo lãnh đạo Hanoi Metro, đây là tình huống nằm trong 57 kịch bản sự cố đã được tính trước. Đơn vị vận hành kích hoạt phương án xử lý sự cố đúng theo quy trình.
Nhà ga đã phát thông báo xin lỗi hành khách, hoàn tiền vé theo yêu cầu và hướng dẫn khách chuyển sang đi xe buýt. Đây là điểm cộng về văn hóa ứng xử của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian khắc phục sự cố dường như là một điểm trừ.
Trên thực tế, nhiều người đã tin rằng một sự cố kiểu này sẽ được khắc phục nhanh. Bằng chứng là khi nghe thông báo tàu chưa thể khởi hành, hàng trăm hành khách tại ga Cầu Giấy vẫn nán chờ bên trong đoàn tàu.
Sau 30 phút không thấy tàu chuyển bánh, nhiều người mới rời khỏi đoàn tàu và tìm tới trạm xe buýt bên dưới ga. Khoảng 15 phút tiếp theo, sự cố được khắc phục, hành khách đứng chờ xe buýt lại "quay xe" trở lại đi tàu.
Theo tìm hiểu, tại mỗi nhà ga không có cán bộ phụ trách điện (không bắt buộc phải có). Khi sự cố xảy ra, kỹ sư điện của Hanoi Metro đã phải chạy xe từ Depot đến nhà ga nơi xảy ra sự cố. Đúng lúc tắc đường, người này phải bỏ cả xe để chạy bộ.
Như vậy, sự cố này là dịp để đơn vị quản lý vận hành đánh giá chất lượng của trang thiết bị, đồng thời rút kinh nghiệm về quy trình xử lý tình huống để giảm tối đa thời gian gián đoạn giao thông, đặc biệt trong giờ tan tầm.
"Ray thứ 3", còn gọi là ray tiếp điện, là một mạch điện hở nằm dọc theo đường ray. Một cần tiếp điện nằm trên thân tàu sẽ tiếp xúc liên tục với ray thứ 3, nhờ đó mà đoàn tàu có điện để chạy.
Tàu điện hiện nay chỉ phổ biến 2 phương pháp tiếp điện là thông qua ray thứ 3 hoặc thông qua giá tiếp điện ở trên cao. Tại Việt Nam, tuyến Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội tiếp điện qua ray thứ 3, tuyến Bến Thành - Suối Tiên tiếp điện qua giá tiếp điện trên cao.