1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Quảng Nam:

Tàu cá bị hải cảnh Trung Quốc cướp phá được bảo hiểm bồi thường thế nào?

(Dân trí) - Theo chủ tàu cá, tổng thiệt hại ngư lưới cụ và hải sản trên tàu lên đến trên 400 triệu đồng. Tuy nhiên bảo hiểm không bồi thường toàn bộ mà chỉ chi trả một phần thiệt hại.

Xung quanh việc tàu cá mang số hiệu QNa 91939 TS của ngư dân Võ Quang Thái (xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam) vừa bị lực lượng hải cảnh Trung Quốc cướp, phá ngư lưới cụ, ông Thái đang tính toán lại thiệt hại và làm hồ sơ để yêu cầu được bảo hiểm vì trước đó ông cũng đã mua bảo hiểm cho tàu cá này.

Tàu cá bị hải cảnh Trung Quốc cướp phá được bảo hiểm bồi thường thế nào? - 1

Sau khi sự việc xảy ra, Hội nghề cá tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo nêu rất rõ nguyên nhân tàu cá QNa 91939 TS bị nạn trên biển và thiệt hại ngư lưới cụ là do bị tàu hải cảnh TQ tấn công, cướp phá.

Theo tìm hiểu của PV, thuyền trưởng Võ Quang Thái có mua bảo hiểm của đơn vị Bảo hiểm Bảo Việt Quảng Nam (BHBV) cho tàu QNa 91939TS. Hợp đồng bảo hiểm nêu rõ người được bảo hiểm là ông Võ Quang Thái và 14 thuyền viên trên tàu, tổng mức bảo hiểm là 41.450.000 đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 37.725.000 đồng, ông Thái nộp phí 3.725.000 đồng.

Bảo hiểm có hiệu lực từ ngày 14/10/2015 đến hết ngày 13/10/2016. Bảo hiểm nêu rõ nếu tàu gặp nạn như tai nạn cho thuyền viên là 980 triệu đồng/14 thuyền viên (mỗi thuyền viên 70 triệu đồng/người); giá trị thực tế thân tàu là 2 tỷ đồng, trong đó vỏ tàu 1,2 tỷ, máy móc 400 triệu đồng, trang thiết bị 400 triệu đồng; ngư cụ 500 triệu đồng và rủi ro đặc biệt 2 tỷ đồng…

Chiều ngày 15/3, trao đổi với PV Dân trí, ông Võ Quang Thái cho biết: Sau khi tàu bị sự cố trở về, phía BHBV có cho nhân viên xuống thăm hỏi và tàu xác minh những thiệt hại tàu cá của ông để làm hồ sơ bảo hiểm.

Ông Thái có hỏi nhân viên bảo hiểm về việc ngư lưới cụ bị phá hỏng có được bảo hiểm bồi thường không thì được trả lời rằng lưới bị hỏng không được bồi thường, những ngư cụ khác như máy dò cá, máy định vị, Icom... thì được bồi thường. “Họ nói đây là luật quy định, trong hợp đồng ghi rõ ràng”, ông Thái cho biết.

Bảo hiểm tàu do ông Võ Quang Thái mua
Bảo hiểm tàu do ông Võ Quang Thái mua

Cũng trong chiều 15/3, PV Dân trí đã trao đổi với lãnh đạo Bảo hiểm Bảo Việt Quảng Nam về vấn đề này. Ông Huỳnh Bá Thanh - Phó Giám đốc Bảo hiểm Bảo Việt Quảng Nam, người đứng ký hợp đồng bảo hiểm với ông Thái - giải thích: “Theo điều khoản 15731 của Bộ Tài chính nêu rõ, trường hợp được bảo hiểm chịu trách nhiệm bồi thường là khi tàu bị mất tích, tổn thất toàn bộ. Còn lưới của ông Thái chỉ bị rách một phần thì không được bồi thường. Nếu lưới bị tổn thất toàn bộ thì mới được bảo hiểm”.

Ông Thanh cũng cho biết, về các loại ngư cụ được bảo hiểm bồi thường theo quy định chỉ có máy Icom, máy dò cá, máy định vị, trang thiết bị hàng hải. Tuy nhiên, máy dò cá đã bị lực lượng hải cảnh Trung Quốc ném mất xuống biển không còn tang vật. Bộ Tài chính quy định rõ trang thiết bị hư hỏng phải còn tang vật, hiện trạng. Việc này, theo ông Thanh, đơn vị đang xin ý kiến của cấp trên để có hướng giải quyết cho ông Thái.

Ngoài ra, 2 thúng chai của ông Thái bị lực lượng trên tàu hải cảnh Trung Quốc vứt xuống biển cũng không được bồi thường vì hai thúng chai này không tham gia bảo hiểm. Lãnh đạo Bảo hiểm Bảo Việt Quảng Nam cũng cho biết, đã giám định con tàu và không phát hiện thiệt hại gì nên cũng không được bồi thường.

Ông Võ Quang Thái cho biết, ông đã có đơn gửi đến các ngành liên quan và UBND tỉnh Quảng Nam để hỗ trợ ông tiếp tục vươn khơi bám biển.

Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm