"Tạo điều kiện để nhà báo phát huy tiềm năng, có sản phẩm báo chí tích cực"
(Dân trí) - "Đảng, Nhà nước tiếp tục ban hành chính sách để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho hoạt động báo chí, để nhà báo phát huy tiềm năng, có sản phẩm báo chí tích cực", ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói.
Ngày 18/3, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc năm 2024. Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và lãnh đạo các cơ quan báo đài trên cả nước.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, sau 2 ngày Hội báo toàn quốc diễn ra sôi động, hôm nay, những người công tác Hội Nhà báo cùng ngồi lại để đánh giá kết quả một năm công tác hội và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ năm 2024-2025.
Trong năm 2023, Hội Nhà báo Trung ương và địa phương đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, ấn tượng. Cụ thể, công tác giáo dục tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị cho người làm báo được tăng cường; việc củng cố, kiện toàn tổ chức Hội Nhà báo được quan tâm, qua đó tạo sự thống nhất, đoàn kết, phát huy mạnh mẽ vai trò của hội.
Đồng thời, các hoạt động giáo dục truyền thống của báo chí được quan tâm, tổ chức thường xuyên các hoạt động về nguồn; xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản của Hội Nhà báo tạo cơ sở quan trọng để triển khai kịp thời, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội 11 Hội Nhà báo.
Hội Nhà báo cần định hướng các cơ quan báo chí bám sát thực tiễn sự nghiệp mới, phát triển đất nước, các vấn đề thời sự, phản ánh sâu sắc của nhịp đập cuộc sống; cần chú trọng công tác kiểm tra, giám sát hội viên vì các cơ quan báo chí vẫn còn hiện tượng phóng viên vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp.
Ông Nghĩa nhấn mạnh phải xử lý kỷ luật, thu hồi thẻ nhà báo, thẻ hội viên và khai trừ khỏi Hội Nhà báo Việt Nam nếu có vi phạm. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Hội Nhà báo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc thực hiện 10 quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Theo ông Nghĩa, việc kỷ luật tăng lên do các cơ quan xử lý nghiêm. Chúng ta vỗ vai nhắc nhở, cùng nhau kiểm soát tốt nhất để không xảy ra vi phạm, nhưng nếu xảy ra rồi thì phải làm nghiêm minh.
Ông nhìn nhận doanh nghiệp nào làm sai pháp luật thì phải đấu tranh; doanh nghiệp nào làm đúng, có khát vọng vươn lên, làm giàu cho đất nước thì phải ủng hộ, không được nhầm lẫn.
Ông cho rằng có tình trạng không tốt về "nhóm đánh đấm" tiêu cực, chủ yếu ở đội ngũ cộng tác viên tại các địa bàn chưa có điều kiện quản lý chặt chẽ.
"Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục ban hành các chính sách để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chí… để các nhà báo phát huy tiềm năng, có những sản phẩm báo chí theo hướng tích cực; tạo đà cho phát triển ngành công nghiệp nội dung, công nghiệp số và các nhà báo là những chủ thể nòng cốt", ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết, trong năm qua, các cấp Hội Nhà báo đã tập trung đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc tuân theo Luật Báo chí, chấp hành Điều lệ Hội, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc sử dụng mạng xã hội.
Gần 300 Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam từ cấp Trung ương đến cấp hội trực thuộc đã tăng cường hoạt động, xử lý, quyết định khai trừ và thu hồi thẻ hội viên các trường hợp vi phạm.
Qua đó, đã xử lý và kiến nghị xử lý 14 vụ việc liên quan đến 10 trường hợp là phóng viên, hội viên vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc sử dụng mạng xã hội trong năm qua.
"Đa phần các phóng viên vi phạm đều đang ký hợp đồng thử việc, chưa là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam; tỷ lệ hội viên vi phạm chiếm 30% tập trung ở các tạp chí. Hội luôn xác định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, nhà báo là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tổ chức Hội", ông Lợi nói.