1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Tăng lương được đồng nào hay đồng đó”

(Dân trí) - “Đối với người lao động, lương tăng được đồng nào hay đồng đó. Với nhiều người, vài ba trăm nghìn đồng không nhiều nhưng với những người sống hoàn toàn bằng lương, tăng lương, dù thấp rất quan trọng” - Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng trao đổi.

Đến thời điểm này, Chính phủ vẫn giữ quan điểm không tăng lương theo kế hoạch trong năm tới. Bộ trưởng Tài chính khẳng định “Không thể tăng lương, trừ phi… in thêm tiền”. Bộ trưởng KH-ĐT cũng “mặc cả” “tăng lương thì phải cắt giảm đầu tư cho phát triển”. Từ góc độ cơ quan bảo vệ quyền lợi người lao động, ông đánh giá việc này sẽ tác động thế nào tới cuộc sống của 22 triệu người thời gian tới?

Đó là đề nghị của Chính phủ, còn ý kiến của người dân, của đại biểu Quốc hội rất khác. Dù rất chia sẻ với khó khăn của Chính phủ trong việc điều hành kinh tế thời gian tới nhưng tôi cho rằng, một nhà điều hành kinh tế giỏi phải tính toán nghiên cứu. Phải tính như thế nào để giảm các khoản chi không cần thiết, không hiệu quả và đặc biệt phải tiết kiệm mọi cách để có tiền tăng lương.

Đặc biệt, Chính phủ cần tiết kiệm trong việc tổ chức các lễ hội, không cần thiết làm thêm các cuộc hội họp, các hoạt động lễ nghi long trọng. Cần tiết giảm đến mức tối đa để làm sao tăng lương, đảm bảo cuộc sống cho người lao động.

Mặt khác, đảm bảo được mức sống, đời sống sung túc hơn của người lao động cũng là động lực kích thích sức mua của toàn xã hội, giúp cho các doanh nghiệp ít tồn kho hơn, thúc đẩy nền kinh tế sôi động trở lại.
 
“Tăng lương được đồng nào hay đồng đó”
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng trao đổi bên hành lang Quốc hội (ảnh: Việt Hưng).

Trong khi “kiên quyết” hoãn tăng lương, Chính phủ lại nỗ lực vận động cho việc nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, người thu nhập đến 12,6 triệu đồng/tháng (nuôi 2 con) mới chỉ phải nộp thuế ở bậc 1, mức thuế rất thấp. Có ý kiến cho rằng, đây là việc làm ngược, lấy của người nghèo hỗ trợ cho người khá hơn. Quan điểm của ông về việc này?

Theo tôi hiểu, đối với người lao động sống hoàn toàn vào lương, người ta đều mong thu nhập đủ đảm bảo cuộc sống. Nhất là trong tình trạng vật giá gia tăng như hiện nay, có thu nhập ngoài mới đủ sống chứ đâu thể chỉ trông chờ đồng lương. Rồi còn phải tính đến chuyện nhà cửa, nuôi con, cấp dưỡng bố mẹ già.

Ủy ban Tài chính ngân sách (cơ quan thẩm tra) đã chỉ ra, việc điều chỉnh mức thu nhập tính thuế như này có thể dẫn tới hụt thu ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng trong thời gian tới trong khi lý do không tăng lương theo lộ trình cũng vì không có nguồn. Việc này cũng được cảnh báo sẽ làm mất ý nghĩa của thuế thu nhập cá nhân?

Ở đây mình phải tính, trong cuộc sống của người Việt Nam, bản thân mỗi người luôn luôn gắn liền trách nhiệm với gia đình, con cái, cha mẹ. Với nếp sống như vậy, có lo toan, trách nhiệm mới đúng với chất con người việt Nam, với hoàn cảnh xã hội, thực tế của Việt Nam.

Như vậy thì luật xây dựng mới gần với cuộc sống. Còn nếu nói tính thuế như vậy sẽ làm mất ý nghĩa của thuế thu nhập cá nhân mà chuyển sang thành thuế thu nhập cao thì cũng đúng thôi vì trước đây thuế này là để đánh vào khu vực người dân có thu nhập cao, giờ mới bỏ vế này đi, chuyển thuế thu nhập cao thành thuế thu nhập cá nhân.

Trở lại với chuyện tăng lương, nếu thực hiện như dự kiến ban đầu là tăng lên mức 150.000 đồng thì thực tế, mức tăng ấy cũng mới chỉ rất hình thức, thu nhập của mỗi người lao động hưởng lương cũng chỉ tăng thêm được mấy trăm nghìn đồng mỗi tháng trong khi lạm phát năm tới vẫn dự kiến ở mức 8%. Không có khoản này, đời sống người lao động càng khó?

Đúng là đối với người lao động thì lương tăng được đồng nào hay đồng đó. Nó giúp cho việc giảm bớt nỗi lo lắng, ưu tư của người lao động, đáp ứng được yêu cầu trước mắt chứ bây giờ ước mơ một mức thu nhập cao thì ai cũng muốn nhưng rất khó. Với nhiều người, vài ba trăm nghìn đồng không cao nhưng với những người sống hoàn toàn bằng lương, tăng lương đối với họ là vấn đề rất quan trọng.

Nhưng cũng có quan điểm cho rằng, nếu cố tạo áp lực để tăng được chút ít tiền lương (có thể giảm mức tăng từ 150.000 đồng xuống 100.000 đồng như phân tích của UB Tài chính Ngân sách) thì cũng sẽ kéo theo hệ quả nhãn tiền là việc tăng giá, đẩy giá tiêu dùng lên, có thể thành lợi bất cập hại?

Bản chất của tăng lương không phải là sẽ kéo theo tăng giá mà vấn đề nằm ở điều hành của Chính phủ. Nhưng đó là sự thật. Mỗi lần nghe thông tin chuẩn bị tăng lương, người lao động chưa kịp nhận đồng lương nào thì giá cả đã tự nhảy lên một mặt bằng mới mà thường thì mức tăng giá này còn cao hơn nhiều lần mức tăng lương.

Đó là điểm rất dở của chúng ta. Đáng ra chúng ta không nên nói mức lương định ra hiện nay là lương tối thiểu. Cái đó phải nói là hệ số K để tính tiền lương cho cán bộ công chức. Mà hệ số K này hàng năm phải được điều chỉnh theo giá cả thị trường tại thời điểm đó. Hệ số K này tăng lên thì lương tăng lên, giảm thì lương giảm.

Vì quản lý không ổn nên cuối cùng lương chưa tăng mà vật giá đã tăng, khổ trước hết những người đi chợ hàng ngày - những người lao động đơn thuần.

Về phía Tổng liên đoàn, ông và tập thể lãnh đạo có ý kiến gì đối với Chính phủ, Quốc hội về việc hoãn tăng lương này?

Qua diễn đàn Quốc hội, tôi cũng bày tỏ quan điểm, phản ánh nguyện vọng của người lao động. Còn quyết định sau cùng vẫn là của Chính phủ. Tôi chỉ chuyển tải tình cảm, tâm tư, nguyện vọng của người lao động đến các cấp có thẩm quyền giải quyết. Trên cơ sở xem xét thực tế, cân đối thu chi để tính toán là nhiệm vụ của cơ quan chức năng.

Còn riêng khối doanh nghiệp thì kiên quyết là từ khi Bộ luật Lao động có hiệu lực (từ 1/7 vừa qua) thì phải nghiêm túc thực hiện đúng luật, tiến hành tăng lương theo đúng lộ trình.

Xin cảm ơn ông!

P.Thảo (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm