1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tạm từ chối giải quyết yêu cầu thay đổi hộ tịch cho người chuyển đổi giới tính

(Dân trí) - “Đề nghị Bộ Tư pháp bổ sung quy định và hướng dẫn việc thực hiện thay đổi hộ tịch cho cá nhân đã chuyển đổi giới tính theo Điều 37 Bộ luật Dân sự 2015”- UBND tỉnh Phú Yên kiến nghị.

Trả lời UBND tỉnh Phú Yên, Bộ Tư pháp cho biết, Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch”.

“Tuy nhiên hiện nay, luật về chuyển đổi giới tính chưa được ban hành nên chưa có cơ sở pháp lý để công nhận việc chuyển đổi giới tính và đăng ký thay đổi hộ tịch. Do đó, hiện tại, đối với các yêu cầu thay đổi hộ tịch do chuyển đổi giới tính thì cơ quan đăng ký hộ tịch tạm thời từ chối giải quyết”- Bộ Tư pháp cho hay.

Tạm từ chối giải quyết yêu cầu thay đổi hộ tịch cho người chuyển đổi giới tính - 1

Cộng đồng người chuyển giới từng bày tỏ niềm vui khi pháp luật Việt Nam cho phép chuyển đổi giới tính, quy định tại Điều 37 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên đến nay Luật Chuyển đổi giới tính chưa được ban hành (Ảnh minh hoạ: PLVN).

Trong khi đó, UBND tỉnh Quảng Trị phản ánh, người Lào kết hôn vùng biên giới đang gặp phải vấn đề hết sức khó khăn là giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Để có được giấy tờ này, họ phải đến Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao Lào nhưng khoảng cách tới các cơ quan này rất xa nên phần lớn họ không thể cung cấp được giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có xác nhận của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao theo pháp luật nước Lào. Vì vậy không thể tiến hành làm thủ tục đăng ký kết hôn cho họ.

Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị đã đề nghị Bộ Tư pháp 2 nước xem xét, hướng dẫn giải quyết, tháo gỡ vướng mắc này để tạo thuận lợi cho đăng ký kết hôn vùng biên giới.

Theo Bộ Tư pháp, pháp luật hộ tịch hiện hành có nhiều quy định tạo điều kiện thuận lợi đối với thủ tục đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam và công dân Lào ở vùng biên giới.

Cụ thể: việc đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã; giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước láng giềng cấp sử dụng để đăng ký kết hôn được miễn hợp pháp hóa lãnh sự, chỉ phải dịch ra tiếng Việt và có cam kết của người dịch về việc dịch đúng nội dung.

Trình tự giải quyết đơn giản hơn thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài thông thường (ví dụ: thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài thông thường trong thời hạn 10 ngày làm việc; thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn ở khu vực biên giới là 3 ngày làm việc, trừ trường hợp phải xác minh).

Việc cấp giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của công dân Lào để đăng ký kết hôn với công dân Việt Nam tại Việt Nam do pháp luật Lào quy định, thông tin về giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của công dân Lào sử dụng để đăng ký kết hôn tại Việt Nam do Đại sứ quán Lào tại Hà Nội cung cấp.

“Tuy nhiên, để bảo đảm quyền kết hôn của công dân hai nước, trong thời gian tới Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục trao đổi với phía bạn đề xuất giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho các bên khi thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn”- cơ quan này cho hay.

Giải quyết 6.891 hồ sơ xin thôi, xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam

Bộ Tư pháp cho biết, năm 2019 đã tham mưu, trình Chủ tịch nước giải quyết 6.891 hồ sơ xin thôi, xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam; trả lời tra cứu quốc tịch Việt Nam của 1.093 trường hợp theo đề nghị của các cơ quan.

Đồng thời đẩy mạnh triển khai Đề án thực hiện “Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước”,

Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các địa phương liên quan hướng dẫn việc lập hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam, hồ sơ đăng ký khai sinh, kết hôn cho người Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú trong danh sách đã được phê duyệt hiện cư trú tại các tỉnh biên giới với Lào (Chủ tịch nước đã ký Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với 1.262 trường hợp).

Đối với Tiểu Đề án “Giải quyết các vấn đề về quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân khác cho người di cư tự do từ Campuchia về nước”, đã có 2.678 trẻ là con của người di cư tự do từ Campuchia về được đăng ký khai sinh và xác định quốc tịch Việt Nam; 1.487 người di cư trở về có đủ điều kiện đã được cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam; 702 trường hợp được cấp Thẻ thường trú.

Thế Kha