1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tám đời chủ lụi tàn tại ngôi nhà Bá Kiến

Ngôi nhà gỗ có niên đại hơn 100 năm của Bá Kiến, nhân vật có thật được cố nhà văn Nam Cao miêu tả trong tác phẩm “Chí Phèo” có số phận cũng bạc bẽo như cuộc đời Bá Kiến. Ngôi nhà qua tay những người có máu mặt bậc nhất ở làng Đại Hoàng, nhưng cuộc sống ai cũng tàn lụi và cuối đời chết tức tưởi.

Người thì đồn ngôi nhà bị “yểm bùa”, kẻ thì bảo ngôi nhà xây vào mảnh đất “dữ”.
Nhà Bá Bính “hoành tráng” năm nào nay tiêu điều u ám
Nhà Bá Bính “hoành tráng” năm nào nay tiêu điều u ám

Ngôi nhà “sát chủ”

Ngôi nhà vốn thuộc sở hữu của ngụy viên Bắc kỳ Bá Bính. Bá Bính tên thật là Trần Duy Bính (không rõ năm sinh, mất năm 1946) được cố nhà văn Nam Cao cho biết chính là nguyên mẫu nhân vật Bá Kiến trong tác phẩm Chí Phèo. Ngôi nhà tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng 800m2 tại làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam).

Ngôi nhà này có số phận đặc biệt. Chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà là cụ Cựu Hanh, một lái buôn giàu có. Vào khoảng những năm 1910, cụ thuê hơn 20 thợ tài hoa làm nghề mộc ở Cao Đà, phủ Lý Nhân về làm mấy tháng ròng rã mới xong. Đây cũng chính là ngôi nhà gỗ đặc biệt công phu mà khắp cả phủ Lý Nhân và các tỉnh lân cận thời này đều chưa có.

Ngôi nhà có kiến trúc 3 gian theo truyền thống Việt Nam, 4 hàng cột với tổng cộng 16 cây cột lim, chân cột được kê đá tảng (một loại đá xanh được đẽo gọt công phu giống nhau như tạc). Tất cả gỗ của ngôi nhà này đều bằng lim. Trên các văng, kèo, li tô chạm khắc nhiều chữ nho, hình rồng.
Chất hoang tàn thể hiện ngay từ lối vào vũng nước tù túng
Chất hoang tàn thể hiện ngay từ lối vào vũng nước tù túng

Ở vào cái thời mà lá dâu, củ chuối, cám lợn nuôi sống con người, một ngôi nhà “bức bàn” 3 gian rộng rãi, được làm bằng toàn gỗ lim, tường xây mật mía, gạch thất lát nền, lợp ngói vẩy cá như thế chẳng khác nào một giấc mơ mà muôn đời dân lành làng Đại Hoàng không bao giờ với tới.

Lẽ đó, ngôi nhà gỗ này nổi tiếng khắp vùng. Ngôi nhà không chỉ đẹp, sang trọng, đắt tiền, mà còn là nỗi ám ảnh đối với hầu hết những người dân lành làng quê thời đó.

Cụ Hanh mất đã để lại ngôi nhà cho người con trai là Trần Duy Xầm. Cụ Xầm mất đi để lại cho con cả là cụ Cựu Cát. Cụ Cựu Cát là người chơi bời nghiện ngập, sau đó gạt nợ ngôi nhà về tay Bá Bính. Từ khi ngôi nhà vào tay Bá Bính thì câu chuyện về ngôi nhà mới trở nên đặc biệt.

Ngày đó, trong nhà, Bá Bính chia 4 gian cho các bà vợ ở, riêng gian chính dùng để thờ cúng và mở sới bạc phục vụ những kẻ có chức sắc trong vùng. Cờ bạc đã cuốn gia sản kếch xù của Bá Bính đi. Có lẽ, do quá buồn chán, Bá Đính đã treo cổ tự tử. Cái chết của cụ xôn xao dân làng. Gia đình muốn quên chuyện đau lòng ấy, làm đám ma một cách lặng lẽ, không kèn trống.

Bá Bính mất đi để lại gia sản cho con là Trần Duy Tảo hay còn gọi là Binh Tảo, vốn là con trai của bà cả. Đáng buồn thay, Binh Tảo nghiện rượu, những đồ đạc trong nhà ông đều mang đi cầm cố và bán sạch. Căn nhà là tài sản quý giá nhất cũng bị ông đem ra rao bán. Một người bấy giờ đã có ý định mua ngôi nhà về xẻ làm gỗ, nhưng chưa mua được thì ngôi nhà được cụ Cai Hậu, tên thật là Trần Hữu Hậu (một Việt kiều Thái Lan) mua lại. Lúc đó, cụ Hậu mua với giá hàng chục cây vàng.

Đến cuối đời, cụ Hậu không có con trai nối dõi. Ngôi nhà từ đó chuyển sang cho người cháu là ông Trần Hữu Hòa, chủ nhân thứ 8 của ngôi nhà. Ông Hòa dù bỗng dưng được thừa kế ngôi nhà nhưng cũng có số phận vô cùng bi thảm. Vào một ngày cuối năm 2007, người ta phát hiện ra ông Hòa chết trong tư thế treo cổ tại gian nhà dưới. Dân gian được dịp đồn đoán chính “vía” ngôi nhà đã vật chết chủ nhân.

Năm 2007, ngành văn hóa tỉnh Hà Nam quyết định lưu giữ ngôi nhà Bá Kiến để góp phần cho việc nghiên cứu sự nghiệp của nhà văn Nam Cao. UBND tỉnh Hà Nam đã thương thảo với bà Trần Thị Sâm (vợ ông Hòa) mua lại ngôi nhà với giá 700 triệu đồng.
Biển chỉ dẫn ngả nghiêng trên lối vào
Biển chỉ dẫn ngả nghiêng trên lối vào

Trước đó, từ sau cái chết của vị chủ nhà cuối cùng, bà vợ ông này đã phá bỏ 5 gian nhà dưới. Ngôi nhà gỗ đặc biệt từng qua tay những người có máu mặt bậc nhất ở làng Đại Hoàng nhưng cuối đời đều tàn lụi, chết tức tưởi, nên chẳng ai còn dám ở nữa. Người thì đồn ngôi nhà bị “yểm bùa”, kẻ thì bảo ngôi nhà xây vào mảnh đất “dữ”.

Người trông nhà bất đắc dĩ

Gần một thế kỷ đã trôi qua, chứng tích năm xưa vẫn còn, nhưng hoang phế tàn tạ. Ngay lối vào nhà Bá Kiến, chiếc biển chỉ dẫn ngả nghiêng, chữ nghĩa cái còn, cái mất. Cánh cổng gỗ ngày nào bị thay thế bằng chiếc cổng sắt hoen rỉ chẳng mấy ăn nhập với kiến trúc ngôi nhà. Ngay sát cổng, một vũng nước chảy lênh láng. Ngoài vườn, những cây ổi quả đã ủng nằm hiu hắt trên cành. Đôi chum dựng trước sân hứng nước mưa đùng đục.

Bước vào trong, ngôi nhà khá hoang tàn. Cửa bức bàn, bức tường cũ sờn, lên màu rêu phong. Trong ngôi nhà ấy, không còn vật dụng gì của Bá Bính còn sót lại. Một bộ bàn ghế gỗ của một nguời dân tặng đặt làm chỗ nghỉ chân cho khách. Kế bên là một bát hương do người chủ thứ 8 để lại.
Người trông coi nhà Bá Bình: “Bảy năm nay tôi đâu biết đồng tròn, đồng méo tiền trợ cấp nào”
Người trông coi nhà Bá Bình: “Bảy năm nay tôi đâu biết đồng tròn, đồng méo tiền trợ cấp nào”

Bà Trần Thị Mai (SN 1962) là người trông coi bất đắc dĩ ngôi nhà này tâm sự, ngôi nhà thực chất chỉ là gian thờ của gia đình Bá Bính. Còn nhà ở của ông ta và các bà vợ được xây sát 2 bên tạo thành hình chữ U, nhưng hiện nay 2 khu nhà đó đã hoàn toàn mất dấu. Trải qua hơn 100 năm đầy biến cố, ngôi nhà đang dần xuống cấp. Chỉ tay vào những cột gỗ lim, bà Mai nói: “Nhìn hoành tráng thế thôi chứ bên trong rỗng ruột hết rồi. Cứ một hai tháng, tôi lại mua các loại chống mối mọt bơm vào cột. Đỡ mối mọt tí nào hay tí đấy”.

Sở dĩ bà là người trông coi bất đắc dĩ cũng bởi “dư âm” của ngôi nhà. Lịch sử của ngôi nhà “sát chủ” này khiến ai nghe cũng hãi. Theo bà Mai, khi chính quyền mua lại ngôi nhà, tìm người trông coi, chẳng ai dám đứng ra nhận. Bà Mai vốn là hàng xóm, từ bé hay sang chơi với người con của người chủ thứ 7 nên có tình cảm đặc biệt với ngôi nhà. Thấy không có ai trông coi, bà nhận trách nhiệm.

Khi được hỏi tiền trợ cấp hàng tháng cho việc trông coi quét dọn, bà Mai lắc đầu: “Bảy năm nay tôi đâu biết đồng tròn, đồng méo tiền trợ cấp nào. Tôi trồng ít ổi, chuối ngự ở ngoài vườn, tăng gia sản xuất. Cây ra trái, khách thăm quan tới đều vặt, xơi hết. Nói thật, 7 năm nay, tổng số tiền bán ổi, chuối của tôi chưa nổi 1 triệu đồng. Tiền mua các loại chống mối mọt cho gỗ, tôi cũng đều tự bỏ tiền ra. Từ khi chính quyền mua lại, ngôi nhà này vẫn chưa một lần tu sửa. Tôi sợ rằng nếu để quá lâu không chăm sóc bảo quản chu đáo, ngôi nhà này sẽ bị tàn tạ, sớm sập”.

Nhìn những viên ngói ở mép vườn, bà chép miệng: “Rõ khổ, những viên ngói này là của ngôi nhà dọc, vợ người chủ thứ 8 phá đi”. Rồi bà kể, có người thấy gạch tốt đã xin, lấy về lợp lại mái nhà mình. Không hiểu thế nào mà mỗi đêm, người đó hay nằm mơ thấy người chủ ngôi nhà treo cổ chết cứ hiện lên lủng lẳng đầu màn đòi gạch. Hãi quá, người này đành mang gạch đến trả lại. Từ bấy tới giờ, những viên gạch vẫn nằm đấy, dân làng có cho tiền cũng chẳng ai dám lấy, nói gì tới chuyện dám xin về lợp mái nhà.

Theo Thùy Dương

Pháp luật Việt Nam