Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV

"Tại sao chúng ta giảm án tử hình?"

Bạch Huy Thanh

(Dân trí) - Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn với đề xuất bỏ tử hình với một số tội danh trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

Sáng 27/5, phát biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến đề xuất bỏ tử hình với một số hành vi như tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội Vận chuyển trái phép chất ma túy; tội Tham ô tài sản; tội Nhận hối lộ.

Ngoài 4 tội danh trên, dự thảo luật còn đề xuất bỏ tử hình với 4 tội danh khác gồm tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của Nhà nước; tội Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; tội Gián điệp.

"Xây dựng luật để tạo một môi trường an toàn cho người dân"

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) băn khoăn với việc không áp dụng hình phạt tử hình đối với 4 tội danh gồm Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Vận chuyển ma túy trái phép và Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.

Tại sao chúng ta giảm án tử hình? - 1

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan phát biểu (Ảnh: Media Quốc hội).

Nhấn mạnh những tội ác này gây hậu quả hết sức nghiêm trọng, đại biểu cũng chia sẻ khi lực lượng chấp pháp, cơ quan hành pháp phải hết sức vất vả đối với loại tội phạm này. "Thế thì tại sao chúng ta lại giảm án?", bà đặt câu hỏi.

"Chúng ta nêu ra nguyên nhân là phải nhân văn, phải hòa nhập với thế giới. Tôi băn khoăn nếu chúng ta nhân văn với tội phạm thì thân nhân của những nạn nhân rồi những người đã chết vì những tội lỗi này sẽ cảm thấy như thế nào?", vị đại biểu trăn trở.

Đồng tình khi trong dự thảo luật đã có những gia tăng về các khung hình phạt, song bà Lan cho rằng vẫn cần giữ "chốt chặn cuối cùng" cao nhất đối với những trường hợp vi phạm cực kỳ nghiêm trọng là tử hình.

Theo bà, đó cũng là chứng minh để cho nhân dân thấy Quốc hội xây dựng luật là vì nhân dân, vì xã hội, vì chúng ta phải có một môi trường an toàn cho người dân.

Ngoài 4 tội danh trên, bà Lan cũng đề nghị phải đưa thêm khung hình phạt cao nhất là tử hình chứ không chỉ là chung thân đối với những trường hợp sản xuất và kinh doanh thực phẩm giả, đặc biệt là sữa và thực phẩm chức năng.

Đại biểu cho rằng hành vi này ảnh hưởng đến những người yếu thế trong xã hội và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cũng như niềm tin của người dân.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) không đồng ý bỏ án tử hình với tội Vận chuyển trái phép chất ma túy và tội Tham ô tài sản.

Theo ông Hòa, từ trước đến nay chưa tử hình ai phạm tội Tham ô tài sản, tuy nhiên vừa rồi vụ án liên quan đến Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), khi Viện kiểm sát nhân dân đề nghị tử hình với bà Trương Mỹ Lan thì vài hôm sau gia đình đã nộp tiền khắc phục, "chuộc tội" tử hình.

Tại sao chúng ta giảm án tử hình? - 2

Đại biểu Phạm Văn Hòa không đồng ý bỏ án tử hình với tội Vận chuyển trái phép chất ma túy và tội Tham ô tài sản (Ảnh: Media Quốc hội).

Nhấn mạnh hình phạt tử hình nhằm mục đích phòng ngừa, răn đe, cảnh tỉnh là hết sức cần thiết, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu giữ tử hình với tội Tham ô tài sản.

Theo đại biểu, mặc dù giữ án tử hình nhưng nếu sau đó bị can khắc phục hậu quả tốt thì cơ quan chức năng sẽ xem xét giảm án cho bị can.

Lấy ví dụ vụ án liên quan đến bà Trương Mỹ Lan làm thất thoát ngân sách cả triệu tỷ đồng, ông Hòa cho rằng con số này là rất lớn, "không hình dung được". "Nếu khắc phục được nửa số tiền này là chúng ta đã xây dựng được 50% tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam rồi", đại biểu so sánh.

Nói thêm về vụ bà Trương Mỹ Lan, đại biểu Nguyễn Thanh Sang (TPHCM) cho rằng bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, bị cáo này đã chi phối, lũng đoạn ngân hàng và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, "không có gì cân đong đo đếm được".

Theo đại biểu, đến nay vẫn chưa khắc phục xong mặc dù cơ quan chức năng đã cố gắng thu hồi. 

"Bỏ tử hình không có nghĩa là khoan dung với tội phạm"

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng việc bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh trong dự thảo luật được người dân và đại biểu Quốc hội quan tâm sâu sắc, bởi hình phạt tử hình không chỉ là mức chế tài cao nhất trong hệ thống hình phạt của nước ta mà còn là biểu tượng của công lý, của sự phẫn nộ xã hội trước những hành vi đặc biệt nghiêm trọng.

Tại sao chúng ta giảm án tử hình? - 3

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu (Ảnh: Media Quốc hội).

Theo đại biểu, việc giảm hoặc loại bỏ hình phạt này luôn gợi ra những băn khoăn về tính răn đe, khả năng phòng ngừa tội phạm cũng như tác động tâm lý xã hội.

Theo tiến trình phát triển của xã hội, từ năm 1999 đến nay, qua các lần sửa đổi, số lượng tội danh có mức hình phạt cao nhất là tử hình đã giảm từ 29 tội xuống còn 18 tội và dần thu hẹp việc áp dụng hình phạt tử hình với một số đối tượng như người chưa thành niên, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ, người cao tuổi...

Đại biểu cho rằng quy định như vậy rất phù hợp với xu hướng hệ thống pháp luật quốc tế, đó là nhiều quốc gia trên thế giới đã xóa hình phạt tử hình hoặc hạn chế áp dụng ở mức tối đa. Điều này khẳng định chính sách hình sự tiến bộ và nhân đạo của Việt Nam, đặc biệt việc áp dụng hình phạt tử hình với một số tội danh không thật sự cần thiết và hiệu quả, trên thực tế hầu như không áp dụng.

Tuy nhiên, theo đại biểu, cũng cần nhìn nhận một cách công bằng rằng việc bỏ hình phạt tử hình trong một số tội danh không có nghĩa là khoan dung với tội phạm mà là sự điều chỉnh phù hợp với bối cảnh pháp lý, nhận thức nhân quyền và thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay.

Bên cạnh đó, bà Nga cho rằng việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội danh nào cần có sự xem xét kỹ lưỡng, dựa trên các đánh giá khoa học, toàn diện về tính chất, mức độ, nguy hiểm, tình hình tội phạm và thực tiễn áp dụng khi xét xử để không làm giảm tính răn đe của pháp luật.