Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV
  1. Dòng sự kiện:
  2. Đại hội Đảng bộ các cấp
  3. Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV

Đề xuất mới về yêu cầu không thi hành phạt tử hình để tương trợ tư pháp

Hoa Lê

(Dân trí) - Điểm mới của dự thảo Luật Tương trợ tư pháp về hình sự là quy định việc thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam với các nước và việc xem xét, yêu cầu liên quan đến hình phạt tử hình.

Đây là nội dung mới được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Huy Tiến nêu tại Tờ trình dự án Luật Tương trợ tư pháp về hình sự được trình Quốc hội sáng 26/5.

Những điểm mới trong dự thảo luật

Theo ông Tiến, dự án luật này nhằm điều chỉnh các nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam với nước ngoài.

Bên cạnh đó, dự thảo luật còn quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình yêu cầu và thực hiện yêu cầu tương trợ, đồng thời luật cũng bao quát các đối tượng là tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan.

Đề xuất mới về yêu cầu không thi hành phạt tử hình để tương trợ tư pháp - 1

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Huy Tiến (Ảnh: QH).

Dự thảo luật gồm 4 chương, 39 điều, trên cơ sở kế thừa những quy định phù hợp của Luật tương trợ tư pháp năm 2007.

Liên quan đến những quy định những vấn đề chung, dự thảo luật có nhiều điểm mới.

Thứ nhất về phạm vi tương trợ tư pháp về hình sự, theo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, dự thảo luật bổ sung quy định là lấy lời khai trực tiếp hoặc trực tuyến.

Cùng với đó, dự luật cũng nêu cho phép người tiến hành tố tụng của nước yêu cầu có mặt trong quá trình thực hiện tương trợ tư pháp tại nước được yêu cầu; tổ chức cho người tại nước được yêu cầu đến nước yêu cầu để hỗ trợ điều tra hoặc cung cấp chứng cứ.

Áp dụng các biện pháp tố tụng nhằm bảo đảm tịch thu, trao trả, xử lý vật chứng, tài sản liên quan đến hành vi phạm tội cũng là đề xuất trong dự thảo luật.

Một nội dung mới nữa được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao nhắc đến là cơ quan này với tư cách là cơ quan Trung ương - chịu trách nhiệm chủ trì đánh giá, quyết định tiếp nhận hay từ chối yêu cầu tương trợ của nước ngoài trên nguyên tắc "có đi có lại".

Trong trường hợp cần thiết, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao và các cơ quan có liên quan để thống nhất trước khi ra quyết định cuối cùng.

Bên cạnh đó, dự thảo luật nêu việc thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới và việc xem xét, yêu cầu liên quan đến hình phạt tử hình.

Ngoài ra, còn quy định việc không phải hợp pháp hóa lãnh sự đối với giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ tương trợ tư pháp về hình sự.

Tán thành bổ sung cơ chế xem xét yêu cầu liên quan đến tử hình

Thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo luật bổ sung quy định về việc xem xét yêu cầu liên quan đến hình phạt tử hình so với quy định của Luật Tương trợ tư pháp hiện hành.

Ủy ban cơ bản tán thành việc bổ sung cơ chế này nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thời gian qua. Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản nhất trí việc quy định nội dung này trong dự thảo Luật.

Đề xuất mới về yêu cầu không thi hành phạt tử hình để tương trợ tư pháp - 2

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng (Ảnh: QH).

Tuy nhiên, theo ông Tùng, có ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ nội dung này vì có thể ảnh hưởng đến nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án đã được quy định trong Hiến pháp.

Bên cạnh đó, dự thảo luật quy định trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài đã có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp hình sự thì chi phí trong tương trợ tư pháp được thực hiện theo điều ước quốc tế.

Trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa ký kết điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp hình sự thì chi phí trong tương trợ tư pháp do nước được yêu cầu chi trả.

Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhận thấy, mặc dù thông lệ của nhiều nước cũng xử lý vấn đề trách nhiệm chịu chi phí trong tương trợ tư pháp về hình sự như quy định của dự thảo Luật.

Tuy nhiên, trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa ký kết điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp về hình sự thì cũng không có cơ sở để khẳng định chắc chắn nước ngoài sẽ chi trả chi phí trong trường hợp Việt Nam là nước yêu cầu.

Do đó, để bảo đảm chặt chẽ, ủy ban đề nghị cân nhắc bổ sung theo hướng "trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa ký kết điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp về hình sự thì chi phí trong tương trợ tư pháp do nước được yêu cầu chi trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác".

Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết điều này để bảo đảm cụ thể, thuận lợi trong thực tiễn triển khai.

Dự án Luật Tương trợ tư pháp về hình sự đã quy định cụ thể về việc xem xét yêu cầu liên quan đến hình phạt tử hình.

Theo đó, trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam không áp dụng hình phạt tử hình hoặc không thi hành hình phạt tử hình để thực hiện yêu cầu tương trợ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan đưa ra một trong các thông báo.

Gồm thông báo không áp dụng hình phạt tử hình đối với người có liên quan đến yêu cầu tương trợ nếu người đó thuộc trường hợp không bị kết án tử hình theo quy định tại Bộ luật hình sự.

Thông báo không thi hành hình phạt tử hình đối với người có liên quan đến yêu cầu tương trợ không thuộc trường hợp trên sau khi có ý kiến của Chủ tịch nước trong trường hợp cần thiết.

Trường hợp Việt Nam yêu cầu nước ngoài không thi hành hình phạt tử hình để thực hiện yêu cầu tương trợ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị nước ngoài đưa ra cam kết bằng văn bản về nội dung này.