1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

“Tai nạn đường thủy nếu xảy ra thường rất tang thương”

(Dân trí) - “Tai nạn giao thông đường thủy có thể nói xảy ra ít hơn nhiều so với giao thông đường bộ nhưng nếu xảy ra thì tai tiếng, tang thương, hậu quả thiệt hại là rất lớn”, Phó Cục trưởng Cục CSGT đường thủy Nguyễn Anh Thắng nhấn mạnh.

Đại tá Nguyễn Anh Thắng - Phó Cục trưởng Cục CSGT đường thủy (Bộ Công an) nhấn mạnh nhận định trên tại hội nghị “Bảo hiểm tàu thủy nội địa khu vực phía Nam” do Cục CSGT đường thủy, UBND TP Cần Thơ phối hợp tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 10/6.

Tai nạn đường thủy: xảy ra ít, hậu quả lớn

Tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Anh Thắng cho biết: Hiện nay công tác quản lý nhà nước về số phương tiện và người điều khiển phương tiện có tỷ lệ rất thấp. Trong đó, các phương tiện bắt buộc phải đăng ký mới gần 30%, phương tiện bắt buộc đăng kiểm trên 40%, còn người bắt buộc có chứng chỉ chuyên môn mới trên dưới 30%.

Theo Đại tá Thắng, qua thống kê của ngành thì một năm có khoảng 150- 200 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm chết khoảng trên dưới 300 người. Với con số này thì số người chết do tai nạn đường thủy chỉ bằng 10 ngày so giao thông đường bộ (trung bình mỗi ngày có khoảng 30 người chết).

“Tuy nhiên, nếu đường thủy xảy ra tai nạn thì tai tiếng, tiếng tăm, tang thương là rất lớn. Có những vụ xảy ra cả thế giới biết như vụ đắm tàu ở Quảng Ninh bởi có nhiều khách quốc tế, hay vụ chìm tàu Dìn Ký có rất nhiều người tử vong…”- Đại tá Nguyễn Anh Thắng đánh giá.

“Tai nạn đường thủy nếu xảy ra thường rất tang thương”
Phó Cục trưởng Cục CSGT đường thủy Nguyễn Anh Thắng: "Hậu quả tai nạn đường thủy nếu xảy ra thường rất tang thương".

Tại Kiên Giang, Thượng tá Võ Việt Hùng- Phó Phòng CSGT đường thủy Công an tỉnh Kiên Giang - cho hay: Năm 2011, toàn địa bàn tỉnh trên đường thủy xảy ra 9 vụ tai nạn làm chết 9 người; riêng 6 tháng năm 2012 đã xảy ra 5 vụ làm chết 7 người.

Theo Thượng tá Hùng, nguyên nhân chủ yếu xảy ra tai nạn giao thông đường thủy do các phương tiện hành trình vào ban đêm không có đèn báo hiệu; khi hành trình lại chạy sai luồng tuyến quy định. Thống kê của ngành CSGT đường thủy tỉnh cho biết, các vụ tai nạn vừa qua chủ yếu tập trung vào ban đêm, chiếm đến 90%.

Trong khi đó, về vấn đề bảo hiểm tàu thủy nội địa trong thời gian qua, theo đại diện Công ty CP Bảo hiểm PJICO, khi xảy ra tai nạn, hầu như các chủ tàu là người chịu thiệt hại nặng nề nhất khi phải bỏ tiền túi ra để xử lý.

Điển hình như vụ va chạm giữa tàu Long Phú 8 và sà lan chở gạo DT12556 vào tháng 8/2011, tàu Long Phú 08 phải bồi thường cho sà lan DT 12556 số tiền trên 9,4 tỷ đồng, phần còn lại khoảng 3,4 tỷ đồng thì sà lan DT12556 tự chịu; hay vụ va chạm giữa tàu EasternSun và sà lan HP2868 vào tháng 3/2012, tàu EasternSun phải bồi thường cho sà lan HP2868 trên 1,1 tỷ đồng, phần còn lại hơn 8,1 tỷ đồng HP2868 tự chịu. Số tiền các tàu hoặc sà lan tự chịu vì không mua bảo hiểm tai nạn dân sự hoặc có mua nhưng với mức phí thấp.

Hiện nhiều chủ tàu chưa chú trọng mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Bên cạnh đó, khi vận chuyển hàng có giá trị, chủ phương tiện đôi khi cũng không kiểm tra hàng hóa đã được mua bảo hiểm chưa nên khi xảy ra tổn thất giá trị bồi thường cũng rất lớn.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Đại tá Nguyễn Anh Thắng cho biết, có thể nói hoạt động đường thủy ở ĐBSCL vừa dễ vừa khó. Dễ là gần như toàn dân đều tham gia hoạt động giao thông đường thủy. Bên cạnh đó, tỷ lệ vận chuyển hàng hóa, hành khách trên đường thủy chiếm tới 70% so với các loại đường vận tải khác. Song cái khó là do mọi người ai cũng tham gia giao thông thủy nên việc quản lý rất khó khăn.

Từ phân tích trên, Phó Cục trưởng Cục CSGT đường thủy Nguyễn Anh Thắng nhấn mạnh: “Nếu nơi nào chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở quyết liệt ra tay thì công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông thủy chắc chắn sẽ rất tốt. Còn nơi nào chính quyền cơ sở không ra tay, cấp trên không kiểm soát thì nơi đó thường xảy ra tai nạn giao thông, có nhiều vụ còn đặc biệt nghiêm trọng”.

Theo Đại tá Nguyễn Anh Thắng, thời gian qua công tác giám sát thực hiện pháp luật của các lực lượng chức năng (có thanh tra giao thông, các cấp công an xã, phường) có thể nói tương đối tốt nhưng điều kiện thực thi thì còn khó khăn. Như việc xử lý các phương tiện chở quá tải quy định về hàng hóa hoặc số người, khi dùng biện pháp cưỡng chế bắt buộc là rất khó thực hiện. Bởi chúng ta không thể bắt họ hạ tải giữa sông, không thể tạm giam, tạm giữ các phương tiện vì không có nơi, có chỗ.

Còn theo Thượng tá Võ Việt Hùng, khó khăn trong việc kiểm tra hoạt động giao thông đường thủy là do địa bàn quá rộng, trong khi lực lượng chức năng có hạn, do đó không kiểm soát được hết các tuyến địa bàn trọng điểm. Bên cạnh đó, đa số người dân nông thôn ở vùng sâu, vùng xa chưa cập nhật hết những quy định pháp luật nên sự hiểu biết về luật giao thông còn rất hạn chế, dẫn đến họ ít tham gia học tập các lớp về hoạt động phương tiện thủy.

Cần tuyên truyền sâu rộng về pháp luật hơn nữa cho người dân tham gia giao thông thủy.
Cần tuyên truyền sâu rộng về pháp luật hơn nữa cho người dân tham gia giao thông thủy.

Đại tá Nguyễn Anh Thắng cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật để người dân tự giác chấp hành. Phải làm sao cho người dân thấy đó là lợi ích quyền lợi của họ, thấy được tác hại khi tham gia giao thông mà không đăng ký đăng kiểm, không bằng lái phương tiện.

Phó Cục trưởng Cục CSGT đường thủy cũng đề nghị lực lượng CSGT các địa phương cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát hơn nữa ở các tuyến có nhiều phương tiện thủy hoạt động. Từ đó kịp thời phát hiện phương tiện và người điều khiển nào không đăng ký các giấy phép hoạt động thì phải cưỡng chế xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, ngành chức năng đường thủy cũng đề nghị các chủ tàu cần thiết nên tham gia bảo hiểm với những rủi ro có thể xảy ra khi hoạt động trên đường thủy nhằm bảo đảm quyền lợi cho mình, cho thuyền viên và tránh những thiệt hại không cần thiết cho phương tiện.

Huỳnh Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm