1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ quên gạc trong bụng bệnh nhân tại Bệnh viện Việt - Đức:

Sức khỏe bệnh nhân Sáu có chiều hướng xấu

12 ngày sau khi bệnh nhân Nguyễn Viết Sáu nhập viện mổ cấp cứu lấy ra miếng gạc từ ổ bụng. Tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân vẫn chưa có dấu hiệu khả quan. Các bác sỹ cũng không thể tiên lượng được diễn biến tiếp theo.

Anh Nguyễn Viết Tiến, con trai ông Nguyễn Viết Sáu, cho biết:

 

"Sức khoẻ của bố tôi hiện nay có chiều hướng rất xấu. Đến nay vẫn chưa tỉnh. Sau khi mổ lần thứ 3 (mổ cắt những đoạn ruột đã bị hoại tử), hôm vừa rồi bác sỹ phải tiếp tục thực hiện thêm phương pháp mở khí quản.

 

Bố tôi đã nằm trong viện Việt - Pháp từ ngày 1/6. Thực ra sau khi mổ giải quyết những chỗ hoại tử trong ruột (mổ cắt ruột), gia đình chúng tôi cũng đã xác định tinh thần trong trường hợp xấu nhất.

 

Đối với người già (bệnh nhân Nguyễn Viết Sáu năm nay đã 70 tuổi - NV) thường có những diễn biến bệnh bất thường, nên các bác sỹ  của bệnh viện Việt – Pháp không thể tiên lượng được bất cứ điều gì trong tình trạng của bố tôi hiện nay.".

 

Đề cập đến những dự định ứng xử tiếp theo của gia đình bệnh nhân đối với kíp mổ của bệnh viện Việt - Đức đã tiến hành ca mổ ngày 3/9/2004 cho ông Nguyễn Viết Sáu. Anh Tiến, tâm sự:

 

"Xét về luật, sai sót của kíp mổ bệnh viện Việt Đức có thể quy vào tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Nhưng xét về mặt tình cảm giữa con người với nhau thì rõ ràng có thể nhìn nhận mọi việc khác đi nhiều.

 

Nếu xét về tình thì có thể nhìn nhận đây là một tai nạn nghề nghiệp do sơ ý trong một khâu nào đó của ca phẫu thuật. Hoặc có thể hiểu sâu xa hơn nữa là sự làm việc quá tải của kíp bác sỹ.

 

Việc đã xảy ra rồi, dù có trách lỗi nhiều hay ít thì cũng không giải quyết sự việc tốt hơn. Chúng tôi chỉ mong các bác sỹ tập trung cứu bố tôi. Còn trong trường hợp xấu nhất có thể xảy ra thì chúng tôi cũng đối xử theo tình người.

 

Đến hôm nay chúng tôi cũng chịu rất nhiều áp lực từ phía họ hàng và bạn bè. Nhưng nếu trường hợp xấu nhất có xảy ra với bố tôi, thì khả năng kiện cáo cũng không nhiều.

 

Trên tình cảm cá nhân, tôi phải thừa nhận bác sỹ Tùng là một người thầy thuốc quân tử. Ngay lần gặp đầu tiên, ông đã dám nhận hết trách nhiệm về mình, vì ông là phẫu thuật viên chính trong ca mổ. Cá nhân tôi và gia đình phải thừa nhận trong xã hội hiện nay không có nhiều người làm được như thế.

 

Đến nay, cách bác sỹ Tùng tiếp cận với gia đình và làm hết mọi khả năng để cứu bệnh nhân khiến gia đình đã được an ủi rất lớn. Dù bố tôi có xấu số thiệt phận, thì gia đình chúng tôi cũng không mong muốn xã hội mất đi một bác sỹ giỏi, có tâm huyết với nghề như bác sỹ Tùng.

 

Bác sỹ Tùng đã thực hiện đúng lời hứa của ông về việc chi trả kinh phí điều trị cho bố tôi. Số tiền cho đến ngày 10/6, sau 10 ngày bố tôi nằm viện, là gần 10.000 USD.

 

Còn về phía bệnh viện Việt - Đức, từ hôm 3/6, chúng tôi đã gặp 1 đoàn đại diện xuống. Sau đó thì chúng tôi không gặp. Đến nay chúng tôi cũng chưa nghe ý kiến chính thức gì từ phía Việt - Đức.

 

Gia đình mong muốn có một cuộc đối thoại thẳng thắn với phía bệnh viện Việt -  Đức".

 

Theo Vietnamnet