(Dân trí) - Dù đối mặt nhiều thách thức trong điều hành, Chính phủ vẫn kiên định giữ mục tiêu tăng trưởng và đưa ra hàng loạt giải pháp, tranh thủ mọi cơ hội nhằm thúc đẩy các động lực kinh tế.
Trong những tháng đầu năm 2023, với hàng loạt thách thức "chưa từng có tiền lệ" từ cả bên trong và bên ngoài, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không đạt như kỳ vọng. Kiên định mục tiêu tăng trưởng 6,5%, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt giải pháp ứng phó với tình hình đầy biến động, nỗ lực giữ những cân đối lớn của nền kinh tế và tạo động lực đột phá để tăng trưởng.
"Nhiều địa phương thuộc các vùng động lực quan trọng đã có mức tăng trưởng GRDP quý II cao hơn quý I, cũng như cao hơn mức bình quân chung cả nước" là tin vui được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông báo trong Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, sau khi cả nước đã đi qua nửa năm 2023 và nhiệm kỳ mới cũng trôi qua nửa chặng đường.
Cụ thể, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, GRPD quý II của TPHCM tăng 5,9% (quý I chỉ tăng 1,1%); Bình Dương tăng 5,7% (quý I tăng 1,7%); Đồng Nai tăng 4,8% (quý I tăng 3,1%); Bắc Giang tăng 13,8% (quý I tăng 8,1%)…
Chỉ 3 tháng trước đó, nhiều lo ngại xuất hiện khi tăng trưởng GRDP của đầu tàu kinh tế TPHCM chỉ đạt mức 0,7% - thấp nhất trong số 5 thành phố trực thuộc Trung ương và thấp hơn mức trung bình chung của cả nước, xếp hạng 56/63 địa phương.
Báo cáo với Chính phủ về tình hình quý II và 6 tháng đầu năm, Chủ tịch TPHCM Phan Văn Mãi cho biết địa phương này đã có những chuyển biến tích cực.
Ông Mãi ghi nhận Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành đã rất quyết liệt trong việc hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy các động lực, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công.
Về phía TPHCM, ông Mãi cho biết chính quyền rất quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đến nay, TPHCM đã giải quyết được trên 50% kiến nghị của doanh nghiệp Nhà nước; 169/189 kiến nghị của 148 dự án bất động sản đã được tiếp nhận, có hướng giải quyết và sẽ tập trung giải quyết trong thời gian sắp tới…
Thời gian qua, TPHCM cũng tập trung cao để thúc đẩy các dự án đầu tư công. Về giải ngân đầu tư công, tính đến 30/6, Thành phố đã giải ngân được gần 15.500 tỷ đồng, đạt 23%. Mức này tuy không đạt mục tiêu 35% đến cuối quý II, nhưng cao gấp 9 lần so với quý I và 24 lần so cùng kỳ năm 2022.
Đặc biệt trong quý II, TPHCM đã khởi công xây dựng được dự án đường vành đai 3 đảm bảo tiến độ. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng, ghi nhận sự chuyển động của cả hệ thống.
Với vị thế Thủ đô của cả nước, Hà Nội cũng ghi nhận nhiều "điểm sáng" trong phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết kinh tế - xã hội của Thành phố đã phục hồi rõ rệt, các cân đối lớn cũng được đảm bảo. Trong đó, GRDP 6 tháng đầu năm tăng 5,97% - cao hơn mức tăng của cả nước (3,72%). Lượng khách du lịch đến Hà Nội cũng tăng 2,5 lần (trong đó khách quốc tế tăng gần 7 lần) so với cùng kỳ.
Theo ông Thanh, Hà Nội đã đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, 6 tháng đầu năm đạt tỉ lệ 33,9% (cùng kỳ năm 2022 là 23,7 %). Đặc biệt, Thành phố nỗ lực chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng để triển khai Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Là một trong những địa phương có tăng trưởng cao trong quý II, Bắc Giang cũng đồng thời là nơi thu hút đầu tư tăng vượt trội. Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh này thu hút 1,48 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi, tăng 47% so với cùng kỳ, riêng thu hút đầu tư vốn FDI đạt 1,16 tỷ USD, gấp 4,5 lần cùng kỳ (đứng thứ 3 cả nước sau Hà Nội và TPHCM).
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng đã điều hành chủ động, linh hoạt, thích ứng với tình hình mới của thế giới và trong nước; tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản.
Dù vậy, ông Dũng nhận định khó khăn, thách thức đặt ra còn rất lớn, tạo rủi ro, sức ép lên công tác điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, trong những tháng cuối năm cần giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, tranh thủ mọi cơ hội, tận dụng thời gian để phục hồi tăng trưởng, thực hiện các giải pháp trong trung và dài hạn như tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…
"Trong bối cảnh cầu của thế giới suy giảm mạnh, hầu hết quốc gia lạm phát, nợ công đều ở mức kỷ lục, kết quả tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của Việt Nam đạt mức cao hơn trung bình của thế giới, lạm phát được kiềm chế, nợ công ở mức thấp, giá trị đồng tiền ổn định, nhiều dự án hạ tầng quan trọng được tháo gỡ, hoàn thành và đưa vào sử dụng", theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (Ủy viên Ủy ban Kinh tế), đây là kết quả tích cực và rất đáng khích lệ.
"Đúng hướng, quyết liệt, hiệu quả" là 6 từ mà Thạc sĩ Kinh tế Phạm Văn Thịnh dùng để đánh giá về điều hành của Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ thời gian qua.
Ông phân tích Chính phủ đã rất đúng hướng khi tập trung nguồn lực đầu tư công vào các công trình hạ tầng quan trọng, thiết yếu như hệ thống đường cao tốc, đường, cầu kết nối liên vùng, hạ tầng cho lĩnh vực y tế, giáo dục, chuyển đổi số - để tạo ra tác động lan tỏa thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững.
Trong quý II, Bộ GTVT đã đưa vào khai thác 4 dự án thành phần đoạn Mai Sơn - QL45, Phan Thiết - Dầu Giây, Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết với chiều dài 312 km. Những dự án này tạo điều kiện tăng cường kết nối liên vùng, thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển du lịch; giúp nhân dân và doanh nghiệp thuận lợi, an toàn hơn trong tham gia giao thông và vận tải hàng hóa.
Bên cạnh đó, hàng loạt tuyến cao tốc quan trọng cũng lần lượt được khởi công, như Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Vành đai 3 TPHCM, Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội, Cao Lãnh - An Hữu, Tuyên Quang - Hà Giang…
Sự điều hành đúng hướng của Chính phủ, theo đại biểu Thịnh, còn thể hiện qua việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn thuế để thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng.
Còn minh chứng cho sự điều hành quyết liệt và hiệu quả, đó là việc Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, cho ý kiến tháo gỡ kịp thời các vướng mắc của doanh nghiệp, các địa phương trong đầu tư công, trong triển khai những dự án trọng điểm.
Gần 500km đường cao tốc trục Bắc - Nam hoàn thành, đi vào khai thác; chuyển triệt để sang thu phí không dừng; khởi công đường vành đai 4 thủ đô Hà Nội và đường vành đai 3 TPHCM; tháo gỡ và đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng trọng điểm quốc gia như Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình, Cụm điện khí Cần Thơ… là kết quả rõ nét của việc này, theo đại biểu Phạm Văn Thịnh.
"Việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm cá nhân đã tạo ra hiệu quả rõ rệt, minh chứng là tiến độ các công việc được phân cấp đều nhanh hơn, tích cực hơn rất nhiều", vị đại biểu nhìn nhận.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách) cũng ghi nhận sự điều hành năng động và quyết liệt của Chính phủ trong 6 tháng đầu năm, khi nền kinh tế đứng trước nhiều biến động, thách thức khó lường.
Minh chứng cho đánh giá này, theo ông Cường, Chính phủ đã đưa ra nhiều quyết định kịp thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho những thị trường quan trọng như trái phiếu, bất động sản. Hàng loạt chính sách giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn như giãn, hoãn, giảm, miễn thuế cũng được Chính phủ ban hành kịp thời. Bên cạnh đó, điều hành hoạt động của ngân hàng cũng rất quyết liệt với 4 lần giảm lãi suất, trong khi nhiều ngân hàng lớn của thế giới còn đang do dự.
Đặc biệt, ông Cường đánh giá cao việc các lãnh đạo Chính phủ thường xuyên đi thị sát, đốc thúc việc triển khai các công trình, dự án trọng điểm trên cả nước.
Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh, phức tạp và khó lường, Chính phủ đã điều hành quyết liệt, toàn diện, linh hoạt, hiệu quả, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn dân và doanh nghiệp. Đó cũng là nhận định của đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy (Tuyên Quang).
Nữ đại biểu cũng đánh giá cao việc Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ thường xuyên họp giao ban, thành lập các đoàn kiểm tra việc tổ chức thực hiện các chương trình, dự án quan trọng của quốc gia, ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, huy động và tập trung triển khai nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, hoàn thành và đưa vào sử dụng 310km đường cao tốc.
Ghi nhận quyết tâm của Chính phủ trong việc không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng 6,5% của năm 2023, nữ đại biểu cho rằng cần tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, duy trì động lực tăng trưởng trong dài hạn và khai thác các động lực tăng trưởng mới.
Bà Thúy đề nghị Chính phủ sớm rà soát toàn diện các chính sách hỗ trợ ưu đãi đang được triển khai. Theo bà, biện pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất và doanh nghiệp dễ hấp thụ nhất trong lúc này chính là dùng công cụ tài khóa để hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp, như giảm lãi suất ngân hàng; giảm tiền thuê đất; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm, giãn, miễn lãi suất, miễn lãi chậm nộp bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, bà đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần cơ chế, chính sách riêng, cụ thể về đầu tư công, quyết tâm sát sao hơn nữa để gỡ vướng mắc cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế.
Trên cơ sở kết quả quý II và 6 tháng đầu năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng.
Kịch bản 1 là tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6%; tăng trưởng quý III đạt 6,8%, quý IV đạt 9%. Với kịch bản này, tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8%.
Kịch bản 2, tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,5%; tăng trưởng quý III đạt 7,4%, quý IV đạt 10,3%. Muốn vậy, 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,9%.
Nhận định nhiệm vụ 6 tháng cuối năm rất nặng nề, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Phạm Văn Thịnh cho rằng Chính phủ đã nhận diện đầy đủ khó khăn cũng như thuận lợi và đưa ra nhiều giải pháp lớn.
Đi vào cụ thể, ông đề xuất Chính phủ mạnh dạn đẩy nhanh lộ trình bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.
"Hiện nền kinh tế của chúng ta có gần 120 triệu tài khoản thanh toán cá nhân tại ngân hàng thương mại và có trên 100 triệu thuê bao có thể chuyển ngay sang được thanh toán qua mobile. Nếu chuyển sang nền kinh tế hạn chế việc thanh toán tiền mặt sẽ đóng góp cho tăng trưởng 0,5-0,7% GDP", ông Thịnh phân tích.
Theo ông, nền kinh tế nước ta hiện có vòng quay tiền chậm nên bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ góp phần tăng vòng quay tiền, dẫn đến thúc đẩy tăng trưởng.
Bên cạnh đó, vị đại biểu tỉnh Bắc Giang cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, nhất là vào các hạ tầng chiến lược như cao tốc, cảng biển, đường kết nối vùng, đầu tư mạnh cho chuyển đổi số nền kinh tế. "Lúc này, có thể xem xét tăng trần nợ công để đầu tư vào hạ tầng chiến lược", ông Thịnh nêu quan điểm.
Trong triển khai dự án đầu tư, ông Thịnh nhấn mạnh cần tiếp tục phân cấp, phân quyền một cách triệt để.
"Để tăng trưởng trong ngắn và dài hạn, phải có các dự án đầu tư mới hoặc mở rộng. Vì thế, cải cách thủ tục để dự án nhanh được triển khai chính là phương pháp hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm", theo lời đại biểu Thịnh.
Song song với đó, ông kiến nghị quyết liệt triển khai các biện pháp khuyến khích và tháo gỡ vướng mắc để doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện về sản xuất xanh hoặc giảm thiểu carbon. Theo đại biểu, đây sẽ tiêu chí quan trọng giúp hàng hóa sản xuất ra có lợi thế và cơ hội xuất khẩu vào các thị trường lớn như Mỹ, EU.
Dù kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm không đạt như kỳ vọng và thách thức đặt ra cho 6 tháng cuối năm là rất lớn, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh phải nỗ lực để đạt kết quả tốt nhất.
Theo ông, giai đoạn cuối năm còn rất nhiều cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng, song trước mắt, ông lưu ý cần đẩy mạnh đầu tư công để tạo ra mức tăng tổng cầu, thúc đẩy sự lan tỏa cho các lĩnh vực và giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực phát triển.
Bên cạnh đó, cần sớm tháo gỡ các rào cản về tâm lý để phá bỏ sự trì trệ trong hệ thống, thúc đẩy mọi công việc, thủ tục được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả hơn, bởi thực tế hiện nay nhiều hoạt động đang bị đình trệ do vướng mắc về pháp lý.
Về lâu dài, vị đại biểu Hà Nội cho rằng cần tích cực hướng đến và tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như năng lượng tái tạo, kinh tế xanh, kinh tế số…
Đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) cũng góp ý để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho cả năm 2023, cần có sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả hơn trong một số vấn đề.
Trước hết, cần giải pháp hữu hiệu tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, có giải pháp bảo đảm cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế.
"Đây là yêu cầu đặt ra rất khó khăn, trong khi chúng ta vừa phải kiểm soát lạm phát, vừa phải bảo đảm lãi suất phù hợp với nền kinh tế thị trường và diễn biến của thị trường", ông Trí nói.
Ngoài ra, theo ông, cần các giải pháp hữu hiệu, thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật để khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém của công tác đầu tư công vốn đã kéo dài nhiều năm.
"Đầu tư công được xem là công cụ dẫn dắt, vốn mồi kích thích tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", ông Trí nói và đề nghị cần làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm và các giải pháp xử lý, không để tình trạng này tiếp tục kéo dài, tạo hệ lụy xấu.
Cũng theo đại biểu Trí, Chính phủ cần có biện pháp chấn chỉnh ngay lề lối làm việc của bộ máy Nhà nước các cấp nếu có biểu hiện sợ trách nhiệm, đùn đẩy hoặc gây ách tắc kéo dài khi giải quyết các thủ tục hành chính của dân và doanh nghiệp.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe và kịp thời giải quyết kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh tin tưởng những kết quả 6 tháng đầu năm là cơ sở cho thấy nền kinh tế đang đi đúng hướng và mở ra triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững trong thời gian tới.