Thủ tướng Phạm Minh Chính: "6 cơn gió ngược cản trở tăng trưởng kinh tế"
(Dân trí) - Suy giảm kinh tế, lạm phát gia tăng, hậu quả của đại dịch Covid-19, cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia… là những "cơn gió ngược" đang cản trở sự tăng trưởng, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Nội dung này được Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ khi phát biểu tại phiên thảo luận đầu tiên của Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới các nhà tiên phong tại Thiên Tân (Trung Quốc), sáng 27/6.
6 "cơn gió ngược"
Phiên thảo luận với chủ đề "Đương đầu với các cơn gió ngược: Khởi động lại tăng trưởng trong bối cảnh mong manh" có sự tham gia của hơn 300 đại biểu là lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế và đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới.
Với việc WEF lựa chọn thành phố Thiên Tân, Trung Quốc là địa điểm tổ chức Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò quan trọng của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam chia sẻ 6 "cơn gió ngược" đang cản trở sự tăng trưởng của kinh tế thế giới và Việt Nam.
Một là suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Hai là hậu quả của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế thế giới và các nước còn kéo dài. Ba là cạnh tranh địa chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, sự phân tách, phân mảnh, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các quốc gia.
Bốn là các cuộc xung đột, trong đó có cuộc xung đột ở Ukraine đe dọa an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu. Năm là các nước đang phát triển chịu tác động nặng nề nhất, có khả năng hạn chế trong thích ứng và sức chống chịu trước những cú sốc từ bên ngoài. Sáu là biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.
Để đương đầu với các "cơn gió ngược", Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra cách tiếp cận và sáu định hướng quan trọng.
"Đây là những vấn đề mang tính toàn cầu, ảnh hưởng đến người dân nên cần có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân", Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi mở 6 định hướng quan trọng để đối mặt với 6 "cơn gió ngược".
Việt Nam không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng
Thứ nhất, cần tăng cường đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương; đặt người dân vừa là chủ thể, vừa là trung tâm, là nguồn lực vừa động lực cho phát triển.
Thứ hai, cần tập trung phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy thương mại, đầu tư, tạo ra dòng vốn, thị trường, sản phẩm. Theo đó, các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính quốc tế, các nước lớn cần có chính sách khơi thông nguồn lực, kích hoạt các động lực tăng trưởng mới về chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.
Thứ ba, cần giải pháp phù hợp thúc đẩy tổng cung và tổng cầu thông qua các chính sách tiền tệ, tài khóa, thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, giảm giá năng lượng, lương thực.
Thứ tư, không chính trị hóa các quan hệ kinh tế, giảm thiểu các yếu tố cản trở sự phát triển của toàn cầu. Thứ năm, sớm tìm giải pháp giải quyết các cuộc xung đột. Thứ sáu, tăng cường hợp tác công - tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chia sẻ bài học kinh nghiệm của Việt Nam trong chống dịch và phục hồi, tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng cho biết Việt Nam đang tập trung triển khai ba đột phá chiến lược về hạ tầng - thể chế - nhân lực.
"Quan điểm xuyên suốt của Việt Nam là không hy sinh công bằng, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần", Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông đồng thời cam kết Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp quốc tế, trong nước, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Thủ tướng đề nghị các nước, các tổ chức quốc tế, trong đó có WEF và các thành viên của WEF tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam về công nghệ, tài chính, đào tạo nguồn nhân lực và kinh nghiệm quản trị hiện đại, giúp Việt Nam tiếp tục thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Chia sẻ với các nhận định và định hướng mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra, Chủ tịch WEF Borge Brende cho hay cộng đồng quốc tế biết đến Việt Nam là một trong những quốc gia có tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực, đang phát triển hết sức năng động và hội tụ nhiều tiềm năng để đóng góp ngày càng tốt cho tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu.
Tại phiên thảo luận, lãnh đạo Chính phủ các nước, tổ chức quốc tế và đại diện tập đoàn, doanh nghiệp trên thế giới đã đánh giá về tình hình kinh tế thế giới và giải pháp tận dụng hiệu quả các cơ hội để khởi động lại tăng trưởng.
Các diễn giả nhấn mạnh tăng cường liên kết, tránh phân mảnh, phân tách, phân rã giữa các nước, hạn chế bảo hộ, hướng nội. Các ý kiến nhất trí cần tăng cường huy động nguồn vốn đa dạng cho phát triển xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hội nghị WEF Thiên Tân khai mạc sáng nay (27/6) theo giờ địa phương. Tại đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cam kết tiếp tục mở rộng thị trường, tăng cường hợp tác và tạo cơ hội cho sự phục hồi của nền kinh tế thế giới cũng như cơ hội cho các nhà đầu tư.
Hội nghị này là sự kiện quan trọng, có quy mô lớn thứ hai của WEF sau Hội nghị thường niên tại Davos. Hội nghị năm nay thu hút sự tham dự đông đảo của hơn 1.400 đại biểu là lãnh đạo cấp Thủ tướng/Bộ trưởng 21 quốc gia, lãnh đạo đến từ 850 tập đoàn, cơ quan, tổ chức toàn cầu.
Việt Nam là một trong 5 nước được lựa chọn mời tham dự ở cấp Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh Thủ tướng Trung Quốc, New Zealand, Mông Cổ và Barbados.
Hoài Thu (Từ Trung Quốc)