1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM:

Sự cố rớt "gối" dầm cầu ở tuyến Metro không lớn nhưng chưa từng gặp

Quốc Anh

(Dân trí) - Giám đốc dự án liên danh SCC đánh giá, sự cố rơi gối cao su dầm cầu cạn tuyến Metro số 1 của TPHCM là nhỏ nhưng chưa từng gặp. Dự kiến, nhà thầu mất 1 tháng để tìm ra nguyên nhân.

Giám đốc dự án liên danh SCC nói về sự cố rơi gối cao su dầm cầu tuyến Metro

Chiều 11/11, trên công trường tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TPHCM, ngay vị trí xảy ra sự cố rơi gối cao su dầm cầu, đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) và liên danh Sumitomo - Cienco6 (SCC) thông tin về sự cố trên và phương án xử lý.

Sự cố rớt gối dầm cầu ở tuyến Metro không lớn nhưng chưa từng gặp - 1

Đại diện MAUR và liên danh SCC tại hiện trường xảy ra sự cố 

Ông Hoàng Mai Tùng - kỹ sư điều phối dự án tuyến Metro số 1 cho biết, việc xem xét, xác định nguyên nhân sự việc diễn ra song song với việc thi công dự án ở các địa điểm khác. 

Hiện nay, phía nhà thầu xác định đây chỉ là sự cố riêng lẻ. MAUR vẫn tiếp tục thắt chặt kiểm soát chất lượng, an toàn dự án.

Sự cố rớt gối dầm cầu ở tuyến Metro không lớn nhưng chưa từng gặp - 2

Vị trí dầm cầu cạn bị rơi gối cao su 

"Ban cũng yêu cầu tổng thầu, tư vấn giám sát, thầu chính, thầu phụ thắt chặt hơn nữa việc giám sát và liên tục kiểm tra công trình, độ an toàn toàn tuyến để đảm bảo cao nhất chất lượng dự án trong thi công và vận hành khai thác", ông Tùng nói.

Trong khi đó, ông Shigeki Ihara - Giám đốc dự án liên danh SCC cho biết, đơn vị đang kiểm tra làm rõ nguyên nhân sự việc. Dự kiến, thời gian để tìm nguyên nhân khoảng 1 tháng. Quá trình kiểm tra tại các vị trí khác thì không có vấn đề gì. 

Sự cố rớt gối dầm cầu ở tuyến Metro không lớn nhưng chưa từng gặp - 3

Hiện trạng bề mặt đường ray ở vị trí xảy ra sự cố rơi gối cao su dầm cầu

"Nhà thầu đã kiểm tra tất cả vị trí còn lại, không có vấn đề gì nhưng để đảm bảo, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra lần nữa", ông Ihara nói.

Với kinh nghiệm trong lĩnh vực thi công các dự án Metro, ông Ihara nhìn nhận, việc rơi gối cao su ở dầm cầu là vấn đề không lớn, không khó khắc phục, tuy nhiên đây là lần đầu tiên ông thấy sự cố như này.

"Trước tiên nhà thầu phải kiểm tra tất cả để tìm ra nguyên nhân chính xác xảy ra sự việc này, sau đó đề xuất những biện pháp để ngăn ngừa xảy ra", đại diện liên danh SCC cho biết.

Sự cố rớt gối dầm cầu ở tuyến Metro không lớn nhưng chưa từng gặp - 4

ông Shigeki Ihara - Giám đốc dự án liên danh SCC - cho biết sự cố rơi gối cao su là nhỏ nhưng ông chưa từng thấy

Theo Giám đốc dự án, sau khi tìm ra nguyên nhân đích thực sẽ tìm biện pháp khắc phục, sửa chữa. 

"Dĩ nhiên, biện pháp khắc phục sẽ được kiểm tra và thông qua bởi những bên có thẩm quyền như chủ đầu tư, tư vấn giám sát... Sau đó nhà thầu sửa chữa và không ảnh hưởng tiến độ tổng thể dự án", ông giám đốc dự án liên danh SCC nói.

Như Dân trí thông tin, qua kiểm tra hiện trường ngày 30/10 (gồm MAUR, NJPT và SCC), phát hiện gối cao su (gối trái theo hướng tuyến từ Bến Thành đi Suối Tiên) sử dụng cho dầm cầu cạn tại vị trí trụ P14-10 thuộc phân đoạn cầu cạn VD14 bị mất ổn định rơi khỏi đá kê gối không rõ nguyên nhân (đã lắp dầm vào năm 2016).

Sự cố rớt gối dầm cầu ở tuyến Metro không lớn nhưng chưa từng gặp - 5

Tổng thầu EPC liên danh SCC đã xử lý xong việc đặt gối thay thế, đảm bảo ổn định cho dầm trong thời gian xem xét, đánh giá nguyên nhân của sự việc

Sự cố này đã làm hư hỏng thanh ray đã lắp đặt bên trên, đồng thời, các thanh ray bị nhổ khỏi các bu lông liên kết với hệ đỡ bên dưới và gây hư hỏng, nứt vỡ bê tông đệm ray tại vị trí này.

Theo MAUR, sự cố nhiều khả năng sẽ làm suy giảm chất lượng công trình, có thể gây nứt vỡ cục bộ tại vị trí gối dầm do ứng suất tập trung trong quá trình va đập giữa dầm và đá kê gối.

Ngoài ra, sự cố rơi gối cao su khả năng lớn sẽ làm bản đáy, thành dầm chữ U bị nứt, làm giảm khả năng chịu lực và ảnh hưởng đến tuổi thọ của công trình, nguy cơ mất an toàn chạy tàu khi tuyến Metro số 1 được đưa vào khai thác, sử dụng.