"Sốt ruột" đường Hồ Chí Minh qua 5 khóa Quốc hội vẫn chưa thông tuyến

Quang Phong Như Quỳnh

(Dân trí) - "Tuyến đường Hồ Chí Minh qua 5 khóa Quốc hội chưa được thông tuyến và chưa rõ đến thời gian nào, Quốc hội khóa nào mới hoàn thành…" - đại biểu Trần Văn Tiến nói.

Chiều 6/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai Dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo. 

"Bà con chờ mãi, chờ mãi vẫn chưa có đường"

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) đề cập tới một số tồn tại của Dự án đường Hồ Chí Minh, trong đó nhấn mạnh một số dự án thành phần giải phóng mặt bằng rất chậm, việc cắm mốc lộ giới chậm 2 năm so với nghị quyết của Quốc hội, tiến độ hoàn thành dự án không đạt yêu cầu.

Cụ thể, đến năm 2020, tuyến đường Hồ Chí Minh chưa thông tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) tới Cà Mau với quy mô 2 làn xe, 279km chưa được đầu tư để thông tuyến; bố trí vốn chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư, một số dự án chưa xác định được nguồn vốn, một số dự án thành phần đã hoàn thành nhưng chưa được quyết toán… 

Sốt ruột đường Hồ Chí Minh qua 5 khóa Quốc hội vẫn chưa thông tuyến - 1

Đại biểu Trần Văn Tiến (Ảnh: Quochoi.vn).

Về nguyên nhân, ông Tiến cho rằng ý thức của người dân trong việc chấp hành chính sách giải phóng mặt bằng chưa nghiêm; cấp ủy chính quyền các cấp chưa quyết liệt; Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành có liên quan chưa lường hết được khó khăn, vướng mắc khi thực hiện dự án.

Vị đại biểu đồng tình với kế hoạch triển khai Dự án đường Hồ Chí Minh trong giai đoạn tiếp theo, nhưng bày tỏ sự băn khoăn: "Tuyến đường qua 5 khóa Quốc hội chưa được thông tuyến và chưa rõ đến thời gian nào, Quốc hội khóa nào mới hoàn thành để thông tuyến từ Pác Bó - Cao Bằng đến Đất Mũi Cà Mau". 

Ông Tiến đề nghị Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn để đầu tư, hoàn thành tuyến đường và thông tuyến trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. 

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) nêu ý kiến con đường mang tên Bác đã trải qua mấy nhiệm kỳ Chính phủ triển khai chủ trương đầu tư, đến nay đã hoàn thành được hơn 86%. Nghị quyết 66 của Quốc hội khóa XIII đã quyết định lộ trình thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh vào năm 2020, nhưng đến nay vẫn còn 171km chưa đầu tư.

Bà Bé cho rằng, sự chủ quan là lý do ảnh hưởng lớn tới việc chưa thể hoàn thành đoạn đường này trong suốt thời gian qua. Đây là con đường lịch sử, có ý nghĩa giáo dục truyền thống dân tộc đối với thế hệ trẻ. Tuy nhiên, dự án như bị "quên" một thời gian về việc bố trí vốn. 

"171km còn lại của Dự án đường Hồ Chí Minh có những đoạn đi qua vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc. Bà con nơi đây chờ mãi, chờ mãi mà vẫn chưa có đường mới" - bà Bé nhấn mạnh và nói thêm "bà con nơi đây khi biết có đoàn khảo sát của Ủy ban Khoa học - Công nghệ về làm việc đã gửi gắm đại biểu chúng tôi những tâm tư rằng "Quốc hội ơi, hãy cho chúng tôi con đường!". 

Sốt ruột đường Hồ Chí Minh qua 5 khóa Quốc hội vẫn chưa thông tuyến - 2

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Ảnh: Quochoi.vn).

Đại biểu đoàn Kiên Giang đề nghị trong kỳ Quốc hội này Quốc hội đồng thuận cao với nội dung Chính phủ trình xin chủ trương đầu tư để thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh và đưa nội dung này vào nghị quyết kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV để làm cơ sở giúp Chính phủ chỉ đạo triển khai, hoàn thiện đường Hồ Chí Minh. 

Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, bà Bé cũng đề nghị Chính phủ giải trình rõ nguồn lực đầu tư, thời hạn bố trí vốn để dự án này không lỡ nhịp một lần nữa, thực hiện nhiệm vụ mở đường cho kinh tế - xã hội phát triển. 

Bộ trưởng GTVT nói gì?

Tiếp thu, giải trình tại Quốc hội, ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - cho biết, đường Hồ Chí Minh là con đường huyền thoại nên được quan tâm đầu tư xây dựng, thể hiện bằng hai Nghị quyết của Quốc hội. Chính phủ cũng đã tập trung bố trí vốn triển khai thực hiện; các Bộ, ngành, trong đó có Bộ GTVT quyết liệt triển khai.

Giai đoạn 2000-2010 tiến độ dự án triển khai rất tốt. Giai đoạn 2011 - 2015 dự án cũng được bố trí nguồn lực rất lớn, trong đó có đoạn Chơn Thành - Đức Hòa đang triển khai nhưng đã xảy ra khủng hoảng kinh tế ở giai đoạn 2008-2010. Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11 dừng giãn tiến độ rất nhiều dự án nhằm kiểm soát lạm phát, trong đó có Dự án đường Hồ Chí Minh.

Giai đoạn 2016-2020 khởi động lại các dự án dừng giãn tiến độ, trong đó tập trung dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 và nhiều dự án khác. Chính vì vậy, nguồn lực dành cho dự án đường Hồ Chí Minh và các dự án dang dở không được nhiều. Vì vậy không có đủ nguồn lực để triển khai dự án, một số đoạn tuyến triển khai chậm.

Sốt ruột đường Hồ Chí Minh qua 5 khóa Quốc hội vẫn chưa thông tuyến - 3

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể tiếp thu, giải trình tại Quốc hội chiều 6/6 (Ảnh: Quốc Chính).

"Dự án đường Hồ Chí Minh có địa hình, địa chất phức tạp nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, một số địa phương chậm giải phóng mặt bằng dẫn đến chậm tiến độ dự án. Trách nhiệm chính vẫn là Bộ GTVT và một số Bộ, ngành trong tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội rà soát bố trí vốn. Một phần cũng có trách nhiệm của địa phương khi dự án không có mặt bằng thi công. Thời gian tới các địa phương có dự án đi qua cần quyết liệt hơn trong công tác này" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ.

Về nguồn vốn triển khai trong thời gian tới, Bộ trưởng GTVT cho hay, các tuyến cao tốc hiện nay được thực hiện theo Luật Đầu tư công, đã bố trí đủ nguồn vốn, sẽ không lặp lại như tình trạng thiếu vốn trước đây. Với sự quyết liệt của Chính phủ, Bộ GTVT và địa phương, thời gian tới, Dự án đường Hồ Chí Minh nói riêng và các dự án sẽ có tiến độ tốt. 

"Hiện đã bố trí vốn cho các đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn, Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Ninh Thuận với nguồn vốn hơn 4.400 tỷ đồng. Bộ GTVT mong muốn các địa phương đồng hành, xong trước giải phóng mặt bằng, đảm bảo hoàn thành dự án trước năm 2025.

Chúng ta đang tập trung cho các dự án trọng điểm, để có số vốn này các Ủy ban của Quốc hội cũng đã rà soát rất kỹ. Đây là nguồn vốn dự phòng khối lượng nên không lo không có vốn. Bên cạnh đó, Bộ GTVT vẫn giữ lại nguồn dự phòng trượt giá nên không lo thiếu tiền" - ông Thể thông tin.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, đã đến lúc cần nghiên cứu đầu tư đường Hồ Chí Minh theo đúng quy hoạch. Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ xây dựng kế hoạch để trong giai đoạn 2026-2030 tập trung nguồn lực nâng cấp, mở rộng tuyến đường này và đầu tư các tuyến đường kết nối với đường Hồ Chí Minh.

Theo Nghị quyết số 66/2013 của Quốc hội, đến năm 2020 hoàn thành nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) quy mô tối thiểu 2 làn xe với chiều dài khoảng 2.744km. 

Đến nay, dự án đã hoàn thành 2.362km đạt hơn 86% và khoảng 258km tuyến nhánh; đang triển khai 211km, còn lại khoảng 171km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện.

Tổng mức đầu tư các dự án thành phần để nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 2 làn xe) là hơn 99.000 tỷ đồng. Các dự án thành phần đã và đang đầu tư có tổng mức đầu tư 88.400 tỷ đồng. Căn cứ vào nhu cầu, nguồn vốn đã bố trí để đầu tư các dự án thành phần là hơn 79.000 tỷ đồng. Giai đoạn đến năm 2020 đã bố trí hơn 62.300 tỷ đồng; giai đoạn 2021-2025 đã cân đối bố trí hơn 16.700 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước phân bổ cho Bộ GTVT và 1.600 tỷ đồng ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương thực hiện đoạn Đoan Hùng - Phú Thọ.