1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Sông Hương - dòng sông cổ vật

(Dân trí) - Không chỉ thơ mộng và huyền mặc với hệ thống danh thắng, di tích cài dọc đôi bờ, sông Hương còn mang trong dòng nước mơn man những hình hài lịch sử. Đó là những cổ vật từ ghi dấu sự giao lưu của các nền văn hóa lớn trong lịch sử dân tộc.

Bắt nguồn từ tây Trường Sơn rồi xuôi về biển Đông, sông Hương đã ban tặng rất nhiều tặng vật cho Huế. Sông Hương làm nên hình hài xứ Huế từ cảnh quan, đền đài, lăng tẩm đến những món ăn dân dã, gần gũi.
 
Nhưng quan trọng hơn, trong dòng nước lạnh lùng đó đã mang bao nhiêu ẩn hình của lịch sử mà đến bây giờ trở thành những câu hỏi lớn trong giới nghiên cứu lịch sử.
 
Sông Hương - dòng sông cổ vật - 1

Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan đang sắp xếp cho cuộc trưng bày
những cổ vật từ đáy sông Hương.
 
Dậm chân thấy bình vôi, nồi gốm\
 
“Hồi mới giải phóng, khi nguời dân đi cào hến, hút cát sạn thì họ đã gặp phải những chiếc bình vôi còn nguyên hay bị sứt mẻ nhiều ít. Nhiều người đem về cho mẹ già ở nhà đựng vôi ăn trầu, nhưng cũng có rất nhiều người quẳng lại dòng sông, cũng có người đem vứt lăn vứt lóc ở vệ đường.
 
Sau này, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khi một hai nhà sưu tầm thích thú với những chiếc bình gốm sứ đó, người dân vạn đò mới bắt đầu đem về bán lại với giá rất rẻ - gọi là tăng thu nhập. Chỉ mới những năm 2000 trở lại đây, cổ vật dưới lòng sông bắt đầu cạn, thì những chiếc bình gốm, nồi đồng đó mới bị đẩy giá lên cao” - ông Nguyễn Văn Thương - một cư dân vạn đò có hơn 30 năm lặn tìm cổ vật dưới lòng sông Hương cho biết.
 
Nhà bác Thương có 5 người con cháu đều theo nghề lặn cổ vật. Qua đôi tay của những người thợ lặn như bác Thương, đã có hàng nghìn những chiếc bình gốm, nồi đồng, chum, vại, ông bình vôi, ông đầu rau... được trục vớt lên từ dòng sông.
 
Sông Hương - dòng sông cổ vật - 2

Những cổ vật tưởng vô tri trở nên rất có giá trị
khi đặt trong không gian trầm lắng xứ Huế.
 
Không chỉ dành bán cho giới nghiên cứu, cổ vật dưới dòng sông nhiều đến nỗi người ta hình thành một phố bán cổ vật vỉa hè. Trên đoạn đường khoảng 400m từ cầu Phú Xuân đến cầu Trường Tiên có đến sáu “cửa hàng”.
 
Có thể tìm ở đây những cổ vật như rìu đá, mũi tên đồng, vòng đồng, chuỗi hạt, khuyên tai... của người tiền sơ sử, những mảnh xương động vật hóa thạch, hàng trăm loại tiền cổ của người Hán cũng như của người Việt qua các giai đoạn lịch sử, hay hàng nghìn đồng tiền cổ có xuất xứ từ Anh, Mỹ, Hà Lan, Pháp và tiền Đông Dương.
 
Những bộ sưu tập vật dụng sinh hoạt như: bình vôi, ống nhổ, chén, đĩa, bình hoa, bát nhang, lư hương, thau, mâm đồng ba chân hay cồng chiêng... xếp thành dãy dài trên tường của công viên. Thỉnh thoảng, nhiều nhà nghiên cứu hay dân chơi cổ vật cố đô tìm thấy trên những vỉa hè này hàng loạt những hiện vật thuộc văn hóa Sa Huỳnh và Chămpa cổ, được trục vớt từ đáy sông.
 
Người ta cũng có thể mua được ở đây những hũ gốm trần hoa văn phong cách các lò Tam Thọ, Thanh Hóa trong thời kỳ Bắc thuộc hay các loại gốm Lý, Trần, gốm Chu Đậu... đủ loại và đủ kiểu. Giá cả theo đó cũng... “trên trời dưới đất”. Người rành và quen mặt mua theo giá... “vỉa hè”; còn người giọng khác miền thì tiền cứ “trên cao trên xa”.
 
Anh Hùng - một người con của bác Thương cho biết thêm: “Hầu hết những hiện vật trục vớt đó đều được những người dân vạn đò sống dọc sông Hương lấy lên từ đáy sông. Vì ít được học hành nên không hiểu nhiều về giá trị lịch sử của các hiện vật. Có một thời các bình vôi người ta vứt đi, còn những chiếc nồi đồng thì người ta đem cân ve chai. Sau này, khi biết bác Phan thu mua, có ngày người ta chở về nhà bác 4 - 5 xe ba-gác”.
 
Giấc mơ “Bảo tàng sông Hương”
 
Tại căn nhà rộng gần 2.500 m2 của nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, hàng nghìn hiện vật được trục vớt từ các dòng sông của Huế được trưng bày như một bảo tàng sông Hương.
 
Trong “bảo tàng” cổ vật của ông Phan hiện có nhiều loại rất quý hiếm, có giá trị lịch sử và khoa học. Đa số cổ vật của ông là đồ gốm Sa Huỳnh có niên đại hơn 2.500 năm. Có những cổ vật bây giờ vẫn còn đặt ra cho ông rất nhiều câu hỏi.
 
Sông Hương - dòng sông cổ vật - 3

Ông Phan (phải) và các nhà nghiên cứu Huế vẫn còn nhiều trăn trở cần tìm
câu trả lời về những hiện vật lịch sử dưới đáy sông Hương.
 
Ngay tại hiên nhà ông, những mảng san hô to được trục vớt từ dòng Hương mang nhiều điều bí ẩn: “San hô chỉ sống ở biển, nhưng người ta lại trục vớt được từ sông Hương. Đến bây giờ vẫn chưa thể lý giải được” - ông Phan cho biết.
 
Hay như ông đầu rau bằng đất sét thô nung có nhiều tạp chất, bao quanh là hoa văn thừng chạy dọc; các số liệu khảo tả cho biết chiều cao 19cm, đường kính phần chân giò 9cm; riêng phần mặt hình trái su dài 8cm, rộng 6cm với ba lỗ xuyên thủng nằm theo chiều ngang. Bên trong hiện vật bám đầy vỏ hàu và xác hà…
 
“Ông đầu rau” còn có nhiều cách gọi khác như: “chân giò” (hình dạng tương tự phần chân giò của người), “ông núc”, “ông táo”…, cùng với “cà ràng”, “kiềng”, được giới khảo cổ học, nghiên cứu văn hóa nhận định là một loại bếp của người xưa.
 
“Đây là loại hiện vật rất quý hiếm, thường chỉ xuất hiện trong các di chỉ khảo cổ học thời tiền và sơ sử trên cả ba miền của Việt Nam, gồm cả di chỉ thời tiền Đại Việt ở miền Bắc (văn hóa Đông Sơn), thời tiền Champa ở miền Trung (văn hóa Sa Huỳnh) và tiền Óc Eo ở miền Nam (văn hóa Đồng Nai).
 
Nó cũng được xem là hiện vật gốm rất đặc trưng cho văn hóa giai đoạn này. Tuy nhiên, tại các di chỉ khảo cổ thuộc văn hóa Sa Huỳnh quanh Huế như Cồn Dài, Cồn Ràng... hầu như không thấy xuất hiện” - ông Phan tâm sự thêm.
 
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giả thiết chứ chưa có kết luận cuối cùng, bởi lẽ chưa có cách giải thích thuyết phục về công dụng của ba lỗ xuyên thủng trên phần mặt. Hiện vật được trục vớt dưới lòng sông Hương đoạn ngã ba Sình, gần sát với thành cổ Hóa Châu - vốn là một lỵ sở của người tiền trú Champa, đồng thời là một trung tâm của những lưu dân người Việt đất phương Nam dưới thời Lê.
 
“Năm 2008 là một năm mà Bảo tàng lịch sử Cách mạng Huế đón nhận rất nhiều hiện vật trục vớt từ dòng sông có giá trị rất lớn” - ông Văn Đình Thanh, nguyên giám đốc bảo tàng cho biết. Ngày 14/7, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cũng tiếp nhận một khẩu thần công cổ bằng đồng dài 77cm, nặng khoảng 25kg, đúc theo phong cách thời chúa Nguyễn còn nguyên vẹn được ông Phan Văn Ái - một cư dân vạn đò trục vớt dưới lòng sông Hương khu vực phường Đúc hiến tặng.
 
Hay như chiếc thuyền độc mộc có chiều dài 9,5m, rộng 1,4m, được làm từ thân cây gỗ lim rất thẳng. Thuyền hầu như còn nguyên vẹn, hình dáng đẹp, phù hợp với thủy động học. Hai đầu thuyền được gọt thon, mũi thuyền vuốt nhọn vươn cao. Đặc biệt, phần đuôi thuyền được gọt đẽo giống hình bánh lái. Theo nghiên cứu mẫu gỗ, chiếc thuyền này được làm từ loại gỗ quý phổ biến ở khu vực rừng núi phía tây tỉnh Thừa Thiên - Huế.
 
Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan cho biết: dòng sông Hương bảo lưu dưới đáy nhiều trầm tích địa chất và nhiều nền văn hóa. Việc tìm thấy san hô hóa thạch, ông đầu rau, thuyền độc mộc… sẽ giúp cho việc nghiên cứu sông Hương thêm nhiều hướng mở.
 
Hoàng Thùy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm