Sống chờ ngày nước rút
(Dân trí) - Một cỗ áo quan nổi nênh trên cánh đồng ngập nước. Những ngôi nhà chỉ nhô mỗi nóc nhưng được giăng trắng sách vở đem phơi. Mọi sinh hoạt đảo lộn, đồng ruộng - đường sá - cầu cống không còn ranh giới… là những hình ảnh “nói được vạn lời” về những khó khăn mà người dân vùng lũ đang phải gánh chịu.
Vật lộn cùng con nước và cái đói, người dân chỉ lo sao cho khỏi “đứt bữa” là tốt lắm rồi. Cơn thịnh nộ của thiên nhiên đang đẩy cuộc sống của hàng ngàn người dân vào chỗ khốn cùng. Biết làm sao được, đành chờ nước rút vậy!
Mọi vật dụng thiết yếu được chuyển lên nóc nhà vì bên dưới đã ngập hết rồi.
Nước sạch cho sinh hoạt hàng ngày đối với các hộ dân trú trên mái nhà vẫn hết sức khó khăn, họ thường phải sử dụng chính nguồn nước ngập và lọc qua một bể lọc tự tạo để sử dụng.
Đời sống người dân trong vùng lũ đang cực kỳ khó khăn, đặc biệt là 2 xã Đức Long và Gia Tường của huyện Nho Quan và xã Lạc Khoái của Gia Viễn.
Một số sinh viên đang học xa nhà đã vội vã về ngay để lo giúp đỡ gia đình chạy lũ.
Bé Hà, 2 tuổi đang được bố bế lên nóc nhà tránh lũ. Cả nhà bé sống trên đó đã 4 ngày nay.
Quá yên tâm! Đây là cách làm để đảm bảo an toàn cho chiếc xe máy, một trong những thứ quí giá nhất của người dân Nho Quan, nếu nước lên to chiếc giường sẽ trở thành bè và nổi lên.
Khi lũ lớn xảy ra, các tuyến đường của Nho Quan biến thành sông và phương tiện đi lại là thuyền bè.
Nho Quan mênh mông biển nước…
Chiếc “tum” phát huy tác dụng.
Một cỗ áo quan đang trôi dạt trên cánh đồng Nho Quan ngập sâu trong nước.
Sách vở được phơi tạm lên mái nhà, nguy cơ thiếu sách vở sẽ khó tránh khỏi sau khi nước rút.
Toàn bộ 2 xã Đức Long và Gia Tường của Nho Quan đã bị cắt điện, khiến đời sống người dân càng thêm khó khăn.
Mọi thói quen sinh hoạt thường ngày bị đảo lộn vì lũ, người dân chỉ lo sao cho khỏi “đứt bữa” đã tốt lắm rồi.
Giao thông tê liệt, việc đi lại phải nhờ vào thói quen.
Hữu Nghị