1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sở Xây dựng Hà Nội: "Kiểm tra đột xuất 7 vỉa hè phát hiện nhiều tồn tại"

Thành Trung

(Dân trí) - Trong năm 2022, Sở Xây dựng Hà Nội đã kiểm tra đột xuất 7 dự án chỉnh trang hè phố và phát hiện rất nhiều tồn tại, trong đó có nơi nghiệm thu vật liệu đá đầu vào chưa đảm bảo theo quy định.

Đá lát vỉa hè chưa đảm bảo

Chiều 16/12, thông tin tại cuộc tại buổi họp báo do UBND TP Hà Nội tổ chức, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh cho biết một số vấn đề thuộc thẩm quyền liên quan đến công tác lát vỉa hè bằng đá tự nhiên trên địa bàn thành phố.

Sở Xây dựng Hà Nội: Kiểm tra đột xuất 7 vỉa hè phát hiện nhiều tồn tại - 1

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Mạc Đình Minh cho biết trong năm 2022, sở này đã kiểm đột xuất 7 dự án chỉnh trang hè phố trên địa bàn. Qua công tác kiểm tra đã phát hiện nhiều tồn tại (Ảnh: Thành Trung).

Theo ông Minh, UBND TP đã có nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo, chấn chỉnh các quận, huyện, thị xã trong công tác cải tạo, chỉnh trang hè phố. Đặc biệt, theo ông Minh, trong năm 2022, Sở Xây dựng đã kiểm đột xuất 7 dự án chỉnh trang hè phố trên địa bàn và qua công tác kiểm tra phát hiện nhiều tồn tại.

Cụ thể, ở một số dự án có thi công tại một số vị trí chưa phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận. Công tác kiểm tra, giám sát, nghiệm thu vật liệu đá đầu vào tại một số tuyến phố chưa đảm bảo theo quy định.

Ngoài ra, khâu tổ chức mặt bằng thi công bị dàn trải, chưa khoa học, chưa đảm bảo vệ sinh môi trường gây mất mỹ quan đô thị, làm ảnh hưởng đến giao thông, sinh hoạt của người dân.

Đặc biệt, công tác quản lý, sử dụng, bảo trì hè sau đầu tư tại một số tuyến phố chưa đảm bảo (nhiều nơi vỉa hè còn bị chiếm dụng để đỗ ô tô, xe cơ giới hoặc phục vụ các hoạt động kinh doanh của người dân…).

Sở Xây dựng Hà Nội: Kiểm tra đột xuất 7 vỉa hè phát hiện nhiều tồn tại - 2

Quang cảnh buổi họp báo chiều 16/12 (Ảnh: Thành Trung).

Chỉ lát lại vỉa hè ở tuyến phố xuống cấp

Để khắc phục các tồn tại và nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án chỉnh trang hè, đường phố, ngày 16/12, Sở Xây dựng đã có văn bản đề nghị các địa phương thực hiện hàng loạt giải pháp.

Theo đó, Sở Xây dựng yêu cầu các địa phương khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá để và thực hiện các giải pháp đồng bộ để khắc phục tình trạng hỏng hóc, xuống cấp của vỉa hè.

Về công tác khảo sát thiết kế, yêu cầu chỉ triển khai làm mới vỉa hè các tuyến phố khi đã xuống cấp, chất lượng không đảm bảo và đã được đầu tư đồng bộ, ổn định hệ thống hạ tầng kỹ thuật (cây xanh, hạ ngầm đường điện, thông tin liên lạc, chiếu sáng…) theo chỉ đạo của UBND TP tại thông báo ban hành năm 2018.

Căn cứ tình hình hiện trạng và yêu cầu về đảm bảo trật tự văn minh đô thị của từng tuyến phố để lựa chọn chủng loại, vật tư, vật liệu lát hè phù hợp.

Đối với các dự án sử dụng vật liệu lát đá vỉa hè phải lựa chọn sử dụng nhóm đá có độ bền cao, kích thước phù hợp hoặc tăng chiều dày tấm đá lát; quản lý chất lượng ngay từ khâu khảo sát, thiết kế, lập hồ sơ mời thầu; tổ chức quản lý kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ các loại đá lát.

Các địa phương sẽ chịu trách nhiệm về việc phê duyệt kế hoạch đầu tư cải tạo chỉnh trang các tuyến phố...

Sở Xây dựng Hà Nội: Kiểm tra đột xuất 7 vỉa hè phát hiện nhiều tồn tại - 3

Sở Xây dựng đề nghị các địa phương khi đầu tư chỉnh trang hè phố phải đảm bảo kiểm tra, nghiệm thu từng viên đá trước khi lát (Ảnh: Nguyễn Trường).

Kiểm tra, nghiệm thu từng viên đá trước khi lát vỉa hè

Về công tác quản lý chất lượng và tiến độ thi công, các địa phương lưu ý việc lát hè bằng đá tự nhiên cần tuân thủ đầy đủ nhiều nội dung quan trọng.

Cụ thể, công tác thi công các lớp kết cấu phải đảm bảo về cường độ và chiều dày đối với từng loại kết cấu hè. Khâu đổ bê tông phải được lấy mẫu kiểm tra cường độ bê tông theo quy định và phải nghiệm thu trước khi chuyển bước thi công lát đá...

Các viên đá lát phải được kiểm tra, nghiệm thu đảm bảo yêu cầu trước khi lát. Khi kết thúc công tác lát đá phải được nghiệm thu đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật.

Tiến độ thi công các công trình cải tạo, chỉnh trang hè đường phải đảm bảo thi công xong dứt điểm cho từng phân đoạn, từng tuyến, điểm dừng kỹ thuật; thực hiện đồng bộ, gọn gàng, đảm bảo chất lượng, đảm bảo vệ sinh môi trường..

Sở Xây dựng Hà Nội: Kiểm tra đột xuất 7 vỉa hè phát hiện nhiều tồn tại - 4

Sở Xây dựng nghiêm cấm việc sử dụng mặt hè trái công năng và mục tiêu đầu tư khiến vỉa hè bị hư hỏng, xuống cấp (Ảnh: Nguyễn Trường).

Nghiêm cấm sử dụng vỉa hè trái công năng

Về công tác quản lý sử dụng, bảo hành bảo trì hè đường sau đầu tư, Sở Xây dựng yêu cầu các quận huyện phải tổ chức kiểm tra rà soát, thực hiện công tác duy tu, sửa chữa kịp thời, bảo trì hè hư hỏng, xuống cấp. Cần tăng cường kiểm tra giám sát việc quản lý, sử dụng mặt hè đảm bảo công năng sử dụng theo đúng mục tiêu đầu tư và thiết kế phê duyệt.

Sở Xây dựng nghiêm cấm việc sử dụng mặt hè trái công năng và mục tiêu đầu tư gây hư hỏng, xuống cấp vỉa hè.

Đối với Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng đề nghị cơ quan này phối hợp với UBND các quận huyện tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi dừng, đỗ phương tiện giao thông trên vỉa hè không đúng quy định.

Sở này cũng kiến nghị Sở Giao thông vận tải kiên quyết xử lý, giải tỏa các điểm, bãi trông giữ xe không phép, trái phép; thu hồi ngay giấy phép đối với các điểm trông giữ xe tái vi phạm nhiều lần hoặc gây ảnh hưởng đến chất lượng vỉa hè và gây bức xúc trong dư luận…

Trước đó, năm 2016, Hà Nội ban hành quy định mới về cải tạo hè phố. Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên, có kết cấu bền vững với tuổi thọ lên đến 70 năm.

Báo cáo mới đây của Sở Xây dựng Hà Nội thể hiện, sau 6 năm triển khai, đến nay các quận đã lát đá tự nhiên cho vỉa hè 255 tuyến phố. Các tuyến phố được lát đá "siêu bền" tập trung ở quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy và Tây Hồ.

Tuy nhiên, theo ghi nhận, dù được lát đá "siêu bền" nhưng vỉa hè nhiều tuyến phố trên địa bàn vẫn xuống cấp, hư hỏng sau một thời gian đưa vào sử dụng khiến dư luận bức xúc.