1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Ngày thi thứ nhất đợt 2, tuyển sinh ĐH 2006:

Số thí sinh bị đình chỉ gấp 12 lần đợt 1

(Dân trí) - Số thí sinh bị đình chỉ thi trong ngày đầu tiên của đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH năm nay đã xác lập một “kỷ lục” mới, gấp 12 lần so với cả <a href="http://dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2006/7/127622.vip"> đợt thứ nhất.</a> 483 thí sinh đã phải giã từ giấc mơ ĐH 2006, trong đó có một số trường hợp bị kỷ luật vì những lý do rất đỗi… trời ơi.

Theo thống kê bước đầu, số thí sinh vi phạm quy chế trong ngày đầu đợt 2 là 477 thí sinh, trong đó khiển trách 25, cảnh cáo 14 và 438 thí sinh bị đình chỉ thi.

 

So với số thí sinh vi phạm quy chế thi của đợt 1 là 252 (nhưng chỉ đình chỉ 36 trường hợp) thì số thí sinh vi phạm quy chế thi của đợt 2 đã lên đến con số kỷ lục khi tăng gần 50% và số thí sinh bị đình chỉ thi tăng gấp... 12 lần.

 

Siết chặt Quy chế, lộ diện nhiều hình thức gian lận

 

Ngay trước khi chính thức diễn ra môn thi đầu tiên của đợt 2, Trưởng ban chỉ đạo tuyển sinh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long đã phải gửi công điện khẩn yêu cầu tất cả các Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh 6 lưu ý đặc biệt để thắt chặt kỷ luật phòng thi.

 

Tại hầu hết tại các Hội đồng thi, công điện khẩn này đã phát huy tác dụng đến mức cao nhất. Mặc dù số thí sinh vi phạm quy chế bị xử lý kỷ luật ở đợt 2 chỉ tương đương với cả 2 đợt năm 2005 nhưng số thí sinh chịu hình thức kỷ luật cao nhất là đình chỉ thi đã tăng vọt (năm 2005 có 499 trường hợp bị xử lý kỷ luật, trong đó có 422 bị đình chỉ thi).

 

Mạnh tay nhất trong các Hội đồng thi là các trường thuộc khối Công an với 125 trường hợp bị đình chỉ thi vì sử dụng tài liệu và chỉ có duy nhất 1 trường hợp “được” chịu mức xử lý là cảnh cáo. ĐH Thái Nguyên cũng tỏ ra khá “sát thủ” khi đình chỉ thi ngay lập tức 46 thí sinh mang tài liệu vào phòng thi.

 

Hầu như 100% các trường ĐH, HV tham gia tuyển sinh đợt 2 đều có thí sinh bị đình chỉ thi. Các trường ĐH phía Bắc tỏ ra cứng rắn hơn cả khi xử lý thí sinh vi phạm quy chế.

 

Kết thúc ngày thi đầu tiên, mặc dù số lượng thí sinh sử dụng điện thoại di động để gian lận không nhiều bằng cả đợt 1 (đợt 2 có 21 trường hợp, đợt 1 là 28) nhưng mức độ vi phạm nặng và tinh vi hơn rất nhiều. Trong khi ở đợt 1, các hiện tượng này được phát hiện khá sớm thì ở đợt 2, có rất nhiều thí sinh bị phát hiện và xử lý khi thời gian làm bài còn không nhiều.

 

Chỉ vào những phút cuối, giám thị của trường ĐH Kiến trúc TPHCM mới phát hiện ra 3 thí sinh mang theo điện thoại di động khi 3 thí sinh này… để máy lên bàn! Ngay tại các trường ĐH nổi tiếng nghiêm trong khâu coi thi như các trường thuộc khối Công an vẫn có 2 trường hợp sử dụng điện thoại di động.

 

Những tình huống bi hài của sỹ tử đợt 2

 

Vào phút cuối của giờ thi môn Văn sáng 9/7, một thí sinh của Học viện Báo chí Tuyên truyền đã bị đình chỉ thi vì tiếng báo tin nhắn “tít tít” một lời chúc làm bài thi tốt của người yêu gửi cho thí sinh! Theo thông tin ban đầu chúng tôi nhận được từ PA25 thì thí sinh đó không phải dùng điện thoại di động để gian lận, tuy nhiên, theo Quy chế đề ra, thí sinh này vẫn bị huỷ kết quả thi.

 

Ngay trong buổi chiều hôm đó, đoàn Thanh tra Bộ đã lập tức xuống thanh tra cơ sở này. Tại đây, Hội đồng phát hiện ra một thí sinh nộp đến 8 bộ hồ sơ khác nhau và có phòng thi chuẩn bị chỗ cho 40 thí sinh nhưng chỉ có 8 thí sinh đến thi.

 

Còn 3 thí sinh của trường ĐH Sư phạm TPHCM đã bị xử lý luật vì một sự cố hy hữu rất đáng… kêu trời! Một thí sinh bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo vì sau khi ra nhà vệ sinh về, không biết có phải do quá xúc động, thí sinh này đã viết chữ gì đó trên tay. Tuy giám thị không đọc được đó là chữ gì và thí sinh đó cũng không biết mình đã ghi gì nhưng thí sinh vẫn phải cay đắng giã từ 50% số điểm thi theo Quy chế!

 

Hai thí sinh khác của trường bị đình chỉ thi không phải do quay cóp, không phải do gian lận bằng điện thoại di động cũng không phải do vi phạm bất kỳ điều gì trong Quy chế tuyển sinh, đơn giản chỉ là một thí sinh phải đi cấp cứu vì đau ruột thừa sau khi đã làm bài thi được 45 phút và một thí sinh bị chấn thương sọ não do đang đi cầu thang thì ngất xỉu!

 

Vẫn còn những vấn đề bỏ ngỏ…

 

Theo ghi nhận của chúng tôi qua các buổi thi thì đề thi năm nay không khó, môn Văn tuy có dài nhưng phù hợp với chương trình và sức học của các em. Môn Toán ở các khối B, D thì các em cho là dễ hơn so với năm trước. Riêng về môn Sử thì tình trạng có vẻ sáng sủa hơn so với kì thi năm trước.

 

Hầu hết các thí sinh đều đánh giá cao về cách ra đề môn Sử (khối C) và môn Sinh (khối B). Các em đều cho rằng đề thi này sẽ phân loại được thí sinh một cách khá rõ rệt. Hầu hết thí sinh đều phấn khởi sau khi kết ngày thi đầu tiên, điều này cho thấy cơ cấu ra đề năm nay đã mang lại hiệu quả nhất định.

 

Tuy nhiên, vấn đề hồ sơ ảo tiếp tục là một bài toán nan giải cho các trường. Nhiều phòng thi trống trải một cách đáng buồn. Như tại ĐH Ngoại thương, các phòng thi chỉ có 15/38 thí sinh không còn là chuyện hy hữu, hay thậm chí như Học viện Quan hệ quốc tế có phòng thi mà 2 giám thị trông thi cho… 3 thí sinh.

 

Cũng trong đợt thi này đã có một số tình huống mà Bộ GD-ĐT chưa thể kịp thời xử lí. Ví dụ như việc một thí sinh ở hội đồng thi ĐH Ngoại thương bị lập biên bản khi sử dụng máy tính FM 570MS, máy tính này chỉ có các chức năng thông thường như các máy tính được phép mang vào phòng thi nhưng lại không có trong danh sách các nhãn hiệu quy định. Cho đến thời điểm này trường Ngoại thương vẫn chờ sự chỉ đạo của Bộ xem có nên xử lý kỷ luật với trường hợp thí sinh này.

 

Trong buổi thi cuối cùng diễn ra vào sáng nay, 10/7, các thí sinh dự thi trắc nghiệm môn Ngoại ngữ đối với các khối D, môn Hóa đối với khối B và môn Địa đối với khối C. Thời gian làm bài Ngoại ngữ là 90 phút và các môn còn lại là 180 phút. 

Mai Minh - Trần Huy