Sự cố đề thi môn tiếng Anh: Hướng giải quyết nào là phù hợp?

(Dân trí) - Trong kỳ thi ĐH vừa qua, nhiều thí sinh đã làm quá 10 câu so với yêu cầu của bài thi trắc nghiệm Ngoại ngữ. Bộ GD-ĐT đã đưa ra <a href="http://www5.dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2006/7/128851.vip">phương án giải quyết</a> sự cố này khi chấm bài là chấm đủ 80 câu, lấy điểm có lợi cho thí sinh. Nhưng phương án đó liệu có công bằng cho tất cả các thí sinh?

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long thì thí sinh sẽ được chấm tất cả rồi ưu tiên tính điểm theo phần trả lời 10 câu hỏi nào được điểm cao hơn. Trước khi thực hiện phương án này, có lẽ chúng ta nên xem xét một số điểm sau:

 

Thứ nhất, đề thi đã ghi rõ yêu cầu đối với thí sinh, khó có chuyện hiểu lầm, không hiểu đề. Thí sinh cũng đã từng làm hình thức thi này trong đề thi các môn khác nên cũng quen với phần thi này. (VD: Đề môn Toán, Văn, Hoá...)

           

Thứ hai, việc chấm như vậy sẽ lợi hơn cho những thí sinh làm cả hai phần và không công bằng đối với các thí sinh làm đúng yêu cầu của đề thi .Mặc khác, một điều chắc chắn số thí sinh làm cả hai phần thi sẽ chiếm tỷ lệ thấp hơn rất nhiều so với các thí sinh làm đúng yêu cầu đề thi.

           

Thứ ba, kỳ thi tuyển sinh đại học yêu cầu rất cao về tính kỷ luật, nghiêm túc. Việc các thí sinh làm không đúng yêu cầu của đề thi là phần lớn do thiếu cẩn thận, kém tự tin (nhiều thí sinh biết rõ yêu cầu của đề nhưng vẫn lo sợ làm hết cả hai phần). Vì thế, tại sao lại ưu tiên chấm có lợi cho những thí sinh này?

 

Năm 2006 là năm đầu tiên thực hiện thi trắc nghiệm khách quan đối với môn ngoại ngữ. Nhiều chương trình tập huấn và các văn bản hướng dẫn về thi trắc nghiệm đã được Bộ GD-ĐT tổ chức thực hiện nhưng cũng không tránh khỏi những khiếm khuyết, hạn chế.

 

Trong các buổi tập huấn, các văn bản, đề thi thử đều không hề đề cập tới việc có phần tự chọn trong đề thi, không hướng dẫn cho các giám thị, thiết kế phiếu trả lời trắc nghiệm không khoa học (in lần lượt 100 câu, không tách rời phần bắt buộc và phần tự chọn làm thí sinh dễ nhầm lẫn).

 

Tuy nhiên, không vì thế mà giải quyết lấy điểm theo hướng có lợi cho thí sinh bằng cách sẽ chấm hết cả 20 câu phần tự chọn và phần nào điểm cao hơn sẽ được lấy điểm. Thiết nghĩ, với những trường hợp này, Bộ nên chỉ đạo các trường chấm cả hai phần và lấy điểm phần thấp hơn. Những thí sinh thực sự nắm chắc kiến thức sẽ có điểm của hai phần không quá chênh lệch nhau.

 

Bộ GD- ĐT cũng không nhất thiết thay đổi chương trình chấm thi trắc nghiệm bằng máy và phần mềm máy tính tự động đã được mặc định đề chuẩn là 70 câu. Các trường chỉ cần lọc các bài thi làm hết 80 câu ở các phòng thi chấm riêng bằng tay (số lượng này ít). Phần còn lại vẫn chấm bình thường bằng máy.

 

Song Khuê