Bài thi ĐH, CĐ được chấm như thế nào?

Quy định chấm thi của Bộ GD-ĐT là chấm từ trên xuống hay nhìn kết quả trước nếu đúng thì mới chấm, còn không thì không chấm mặc dù trong phần bài làm đó có phần đúng phần sai? Nếu làm bài theo cách khác mà vẫn đúng thì có được chấm không?

Giả sử đáp số bài toán sai, nhưng các phần bài giải ở trên đúng theo cách giải và thang điểm của Bộ GD-ĐT quy định thì có được hưởng điểm của những phần đã giải đúng không? Vì có ý kiến cho rằng sai đáp số thì người chấm bài sẽ bỏ qua, không chấm điểm bài toán nữa?

 

Hoặc như những câu làm vẫn chưa ra kết quả, nhưng có hướng đi đúng thì có được giám khảo xem qua để chấm không? (Nhiều thí sinh thắc mắc)

 

- Theo “Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2006”, cán bộ chấm thi phải chấm bài thi đúng theo thang điểm và đáp án chính thức đã được Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh phê duyệt (đối với các trường tự ra đề thi) hoặc Trưởng ban Đề thi của Bộ GD-ĐT phê duyệt (đối với các trường dùng chung đề thi của Bộ GD-ĐT).

 

Khi chấm thi không quy tròn điểm từng bài thi. Việc quy tròn điểm do máy tính tự động thực hiện theo nguyên tắc: Nếu tổng điểm 3 môn thi có điểm lẻ từ 0,25 đến dưới 0,5 thì quy tròn thành 0,5; có điểm lẻ từ 0,75 đến dưới 1,0 thì quy tròn thành 1,0.

 

Những bài làm đúng, có cách giải sáng tạo, độc đáo khác với đáp án có thể được thưởng điểm. Mức điểm thưởng do cán bộ chấm thi đề xuất và do Trưởng môn chấm thi trình Trưởng ban chấm thi quyết định, nhưng không vượt quá 1 điểm.

 

Thang điểm chấm thi là thang điểm 10. Các ý nhỏ được chấm điểm lẻ đến 0,25 điểm.

 

Điểm thi được chấm theo đáp án và thang điểm cho sẵn của Bộ GD-ĐT, từ 0,25 điểm đến 1,0 điểm tùy theo quy định của từng câu, từng ý, từng đề thi. Do đó, thí sinh làm đúng phần nào sẽ có điểm phần đó theo đúng ba-rem điểm cho sẵn.

 

Theo nhiều giáo viên chấm thi ĐH, nếu thí sinh có cách giải khác với đáp án, nhưng có kết quả đúng thì vẫn được điểm. Đối với các bài toán, nếu thí sinh có nhiều cách giải và viết vào trong bài làm thì một trong số những phương án đó chính xác vẫn được tính điểm tối đa.

 

Giám khảo không thể chấm kiểu thích thì chấm, không thì bỏ. Các hội đồng chấm thi đều phải chấm theo quy trình: Mỗi bài thi được hai cán bộ chấm thi chấm hai vòng độc lập ở hai phòng riêng biệt và phải theo đúng đáp án, thang điểm mà Bộ GD-ĐT đã công bố.

 

Thí sinh cũng có thể tự chấm bài theo đáp án của Bộ GD-ĐT đã công bố. Nếu thấy quá chênh lệch so với điểm bài thi, thí sinh có thể nộp đơn phúc khảo kèm theo lệ phí cho trường trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày công bố điểm. Một khi đã xin phúc khảo, điểm số mà thí sinh nhận được là điểm sau khi đã chấm lại. Cũng có trường hợp điểm chấm phúc khảo thấp hơn điểm ban đầu.

 

Theo Tuổi Trẻ