Số phận hàng phong lá đỏ đường Nguyễn Chí Thanh được định đoạt thế nào?
(Dân trí) - Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong tháng 4 này, hơn 200 cây phong lá đỏ trên đường Nguyễn Chí Thanh và Trần Duy Hưng sẽ được đánh chuyển trồng ở nơi khác.
Sáng 6/4, đại diện Sở Xây dựng cho biết, sau hơn 2 năm trồng thử nghiệm, trong số 262 cây phong lá đỏ trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh và Trần Duy Hưng có 45 cây phong đã bị chết, 217 cây còn sống.
Tuy nhiên, những cây còn sống cũng sinh trưởng, phát triển kém. Theo quan sát của phóng viên Dân trí sáng 6/4, gần như tất cả cây phong lá đỏ trên đường Nguyễn Chí Thanh và Trần Duy Hưng đều bị héo khô, sâu bệnh, ảnh hưởng mỹ quan đô thị.
Chính vì vậy, Sở Xây dựng đề xuất UBND Thành phố Hà Nội thay thế toàn bộ hàng phong lá đỏ trên đường Nguyễn Chí Thanh và Trần Duy Hưng bằng cây bàng lá nhỏ có đường kính cây từ 10 đến 15 cm, cao từ 6 đến 8 m.
"Chúng tôi sẽ đề nghị đơn vị đã tài trợ cho thành phố hàng cây phong này tự đánh chuyển đi trồng ở nơi khác. Còn nếu họ không thực hiện được mà có đề xuất thành phố hỗ trợ thì chúng tôi sẽ giao cho Công ty Công viên cây xanh Hà Nội thực hiện việc này", đại diện Sở Xây dựng cho hay.
Theo kế hoạch của Sở Xây dựng Hà Nội, việc trồng thay thế hệ thống cây xanh mới trên dải phân cách tuyến Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng sẽ được thực hiện trong tháng 4/2021 và hoàn thành trước dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Từ đầu năm 2018, một công ty đã tặng Thành phố Hà Nội hàng trăm cây phong lá đỏ để trồng thử nghiệm trên dải phân cách tuyến phố Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng.
Vào thời điểm đó, Thành phố Hà Nội kỳ vọng sẽ nhiệt đới hóa những cây phong lá đỏ vốn là giống cây ở vùng khí hậu lạnh để tạo thêm màu sắc phong phú cho đường phố Thủ đô.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội, cây phong lá đỏ chưa thích nghi được với điều kiện khí hậu của Hà Nội.