Hàng cây phong lá đỏ thay lá, ngả màu sang đen giữa phố Hà Nội
(Dân trí) - Hàng cây phong lá đỏ trên tuyến phố Trần Duy Hưng – Nguyễn Chí Thanh đang bước vào mùa cây thay lá, ngả màu đen…
Tuy nhiên, sau thời gian rụng lá, hàng cây có hiện tượng ngả màu đen, héo khô và ủ rũ.
Nhìn từ xa các gốc phong còi cọc, trơ trụi như những cành củi khô. Sự thiếu sức sống của hàng cây khiến nhiều người hiểu lầm, cây đã chết.
Tuy nhiên, chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, cây vẫn đang phát triển tốt và phải đến hết tháng 3, đầu tháng 4 cây mới bắt đầu nảy mầm.
Hiện tại, theo ghi nhận của PV Dân trí, hàng cây đã trút hết lớp lá già cỗi
Các cành cây khẳng khiu
Một vài cây vẫn còn lớp lá xanh thưa thớt
Trước đó, việc trồng phong lá đỏ trên các tuyến phố ở Hà Nội nhận tranh cãi trái chiều của các chuyên gia.
Trong khi nhiều người khẳng định, phong đỏ không hợp thổ nhưỡng khí hậu Việt Nam thì một số khác lại cho rằng, đây là loại phong đã được thuần hóa nên không khó khăn để phát triển khi trồng ở Hà Nội.
Việc trồng cây phong lá đỏ nằm trong chủ trương quy hoạch cây xanh đô thị của thành phố Hà Nội. Dự kiến, đến năm 2020, đường phố Hà Nội sẽ được phủ kín khoảng 1 triệu cây xanh.
Loài cây này có nguồn gốc từ Châu Á sau đó được di thực sang một số vùng có khí hậu ôn đới ở các châu lục khác. Tại Châu Á, Hàn Quốc, Nhật Bản… là những nước nổi tiếng với những con đường phong lá đỏ đẹp nên thơ, thu hút rất đông khách du lịch đến thưởng ngoạn.
Ở Việt Nam, cây phong lá đỏ chỉ xuất hiện ở một vài khu vực thuộc các tỉnh thành như Huế, Đà Lạt, Lào Cai, Yên Bái, Hải Dương, Vĩnh Phúc… Lá phong khá mảnh, hình dáng đẹp với mũi sắc nhọn rất đặc biệt.
Nhiều người kỳ vọng, tuyến phố Trần Duy Hưng – Nguyễn Chí Thanh sẽ trở thành một trong những con đường đẹp, lãng mạn nhất Hà Nội nhờ những hàng phong lá đỏ.
Toàn Vũ - Hà Trang