1. Dòng sự kiện:
  2. Đường mới xây bị sụt lún như động đất ở Tây Ninh
  3. Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV

Thành phố nhỏ nhất dự kiến "vươn lên" thành phố lớn nhất sau sáp nhập

Hoài Sơn

(Dân trí) - Theo đề án sắp xếp, tổ chức đơn vị hành chính các cấp, thành phố Đà Nẵng mới sẽ có diện tích tự nhiên lớn nhất trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4 phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Quyết định cũng đưa ra phương án sắp xếp cụ thể đối với các đơn vị hành chính cấp tỉnh. Trong đó, dự kiến sáp nhập tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng thành một thành phố trực thuộc Trung ương, có tên gọi thành phố Đà Nẵng.

Thành phố nhỏ nhất dự kiến vươn lên thành phố lớn nhất sau sáp nhập - 1

Một góc của thành phố Đà Nẵng hiện tại (Ảnh: Hoài Sơn).

Thành phố mới dự kiến có diện tích tự nhiên hơn 11.859km2, quy mô dân số thành phố Đà Nẵng sau sáp nhập hơn 2,77 triệu người. Trung tâm hành chính đặt tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng hiện nay.

Với diện tích mới này, dự kiến sau sáp nhập, Đà Nẵng sẽ có diện tích lớn nhất trong số 6 thành phố trực thuộc Trung ương.

Hiện tại thành phố Đà Nẵng có diện tích gần 1.285km2, nhỏ nhất trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Theo phương án sáp nhập, phần lớn diện tích tăng thêm của Đà Nẵng là gần 10.575km2 của tỉnh Quảng Nam.

Theo Chi cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, trước khi sáp nhập, trong quý I, GRDP của thành phố ước tăng 11,36% so với cùng kỳ năm 2024. Quy mô nền kinh tế thành phố quý I, theo giá hiện hành ước đạt hơn 38.935 tỷ đồng, mở rộng 5.213 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Trong khi đó, theo UBND tỉnh Quảng Nam, trong quý I, quy mô nền kinh tế GRDP (theo giá hiện hành) ước đạt 27.600 tỷ đồng, tăng 1.900 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Quy mô VA (giá trị tăng thêm) ước đạt 11.900 tỷ đồng, tăng 8,3%.

Với con số này, theo tính toán, GRDP của thành phố Đà Nẵng gấp hơn 1,4 lần so với tỉnh Quảng Nam.

Ngày 16/4, UBND thành phố Đà Nẵng cho biết sẽ tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố trong ngày 19-21/4.

Trước đó, Thành ủy Đà Nẵng đã thành lập Ban chỉ đạo sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng theo chỉ đạo của Trung ương. Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, làm Trưởng Ban chỉ đạo.

Ban chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính giữa Đà Nẵng - Quảng Nam, đồng thời tổ chức bộ máy hành chính, hệ thống tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Theo Nghị quyết số 60, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương thống nhất chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh cả nước còn 34 đơn vị, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.

Căn cứ danh sách kèm theo (số liệu hết năm 2023 của Cục Thống kê), diện tích của 6 thành phố sau sáp nhập dự kiến như sau (sắp xếp từ lớn nhất đến nhỏ nhất):

1. Thành phố Đà Nẵng dự kiến sẽ có diện tích lớn nhất trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương: khoảng 11.859km2.

2. Hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TPHCM, lấy tên TPHCM, diện tích dự kiến 6.772,6km2.

3. Hợp nhất thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang, lấy tên thành phố Cần Thơ, diện tích dự kiến 6.360,8km2.

4. Thành phố Huế không nằm trong diện sáp nhập, diện tích hơn 4.947km2.

5. Thành phố Hà Nội không sáp nhập, diện tích khoảng 3.359km2. 

6. Thành phố Hải Phòng sáp nhập với tỉnh Hải Dương, lấy tên là thành phố Hải Phòng, diện tích dự kiến 3.194,8km2.