Sở GTVT Hà Nội “bác” thông tin một “lốt” xe giá 600 triệu đồng
(Dân trí) - “Qua các ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp có thể khẳng định thông tin “xin” cơ quan quản lý nhà nước “lốt” xe vào Bến xe Mỹ Đình mất 500 - 600 triệu đồng là chưa có căn cứ” - công văn do ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội ký nêu rõ.
Chiều ngày 21/10, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã có công văn số 3178 báo cáo Bộ trưởng Bộ GTVT về việc kiểm tra, xác minh, thông tin và chấn chỉnh công tác quản lý vận tải hành khách liên tỉnh đường bộ trên địa bàn thành phố.
Công văn nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội, sau khi rà soát và kiểm tra thông tin, ngày 20/10, Sở GTVT đã tổ chức cuộc họp để kiểm tra, xác minh thông tin và bàn các giải pháp chấn chỉnh công tác quản lý hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh trên địa bàn Hà Nội. Thành phần họp có Vụ vận tải Bộ GTVT, Thanh tra Bộ GTVT, Thanh tra TP Hà Nội, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội và Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, cùng đại diện các bến xe Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình, Lương Yên, Nước Ngầm...
“Qua các ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự cuộc họp có thể khẳng định thông tin “xin” cơ quan quản lý nhà nước “lốt” xe vào Bến xe Mỹ Đình mất 500 - 600 triệu đồng là chưa có căn cứ”, công văn nêu rõ.
Để làm rõ thêm vấn đề trên, Sở GTVT Hà Nội đưa ra dẫn chứng cụ thể, từ đầu năm 2013, Bộ GTVT đã có kết luận số 224 về việc chấp hành các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô theo tuyến cố định liên tỉnh và hoạt động của bến ô tô khách trên địa bàn TP Hà Nội. Cuối năm 2013, Thanh tra TP Hà Nội cũng đã có văn bản số 3268 về việc kết luận thanh tra về việc cấp phép mở tuyến tại bến xe Mỹ Đình.
Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, thực tế có hiện tượng các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải đang khai thác các tuyến vận tải tại các bến xe có việc sáp nhập, chuyển nhượng cổ phần, chuyển quyền khai thác các xe khách và “lốt” xe giữa các doanh nghiệp và các cá nhân trong nội bộ từng đơn vị theo Luật Doanh nghiệp và Luật hợp tác xã.
“Trong quá trình sáp nhập và chuyển nhượng cổ phần có sự tự thoả thuận giá cả chuyển nhượng giữa các doanh nghiệp và giữa các cá nhân mà cơ quan quản lý tuyến không được quyền tham gia. Vì vậy, dư luận có thông tin để xin một “lốt” xe tại Bến xe Mỹ Đình mất 500 - 600 triệu đồng có thể là nguồn gốc của những thông tin nêu trên”, Sở GTVT Hà Nội lý giải.
Để tiếp tục chấn chỉnh hoạt động công tác quản lý vận tải hành khách liên tỉnh đường bộ trong thời gian tới, các đơn vị đã thống nhất các nội dung như Sở GTVT Hà Nội tiếp tục rà soát, chấn chỉnh nâng cao chất lượng hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh bảo đảm công khai minh bạch, đúng pháp luật, không để phát sinh tiêu cực, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Sở GTVT Hà Nội sẽ tăng cường thanh, kiểm tra phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời những vi phạm của đội ngũ cán bộ công chức trong sở và các đơn vị có liên quan trong công tác quản lý hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh. Thường xuyên phát hiện và tổng hợp những khó khăn, vướng mắc bất cập trong công tác quản lý nhà nước của sở nói chung và công tác quản lý vận tải hành khách liên tỉnh nói riêng, báo cáo UBND TP Hà Nội và Bộ GTVT xem xét điều chỉnh góp phần nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đối với các doanh nghiệp quản lý bến xe, yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng quản lý vận hành bến xe công khai minh bạch, và tăng cường công tác quản lý đối với các doanh nghiệp, chủ phương tiện, lái xe hoạt động trong bến.
Đối với các doanh nghiệp đang khai thác các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đường bộ, có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định trong việc quản lý, vận hành, khai thác các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh được chấp thuận. Phản ánh và báo cáo kịp thời những vấn đề bất cập phát sinh trong quá trình quản lý hoạt động của doanh nghiệp. Khi không có nhu cầu khai thác các “lốt” xe đã được chấp thuận phải có báo cáo kịp thời với cơ quan quản lý tuyến
Quang Phong