1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Số chứng minh nhân dân mới chính là mã số định danh cá nhân”

(Dân trí) - “Có nhiều ý kiến cho rằng khi cấp CMND mới nên giữ lại số CMND cũ. Nhưng tôi xin giải thích rằng, nếu vậy sẽ không bao giờ thay đổi được mã số công dân. Về sau, số CMND mới này đồng thời cũng là mã số định danh cá nhân”.

Đại tá Vũ Xuân Dung - Cục trưởng Cục Cảnh sát Đăng ký quản lý cư trú và Dữ liệu quốc gia về dân cư (C72, Bộ Công an) cho biết như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên báo Dân trí.

Cấp CMND mới sẽ không bắt buộc

Thưa Cục trưởng, việc triển khai thí điểm cấp CMND mới tại một số quận huyện của TP Hà Nội và các tỉnh thời gian qua đã đạt được kết quả gì? Ông có ý kiến đánh giá như thế nào về đề án cấp CMND mới?

Sau một năm triển khai thí điểm cấp CMND tại 3 đơn vị quận huyện của TP Hà Nội và Phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính về TTXH (PC 64 của CA TP Hà Nội), Bộ CA đã có báo cáo kết quả với Thủ tướng Chính phủ. Sau khi triển khai thí điểm đã đánh giá được về công nghệ, cách thức triển khai, chúng tôi thấy rằng việc triển khai cấp CMND mới theo công nghệ mới đã đạt được đúng mục tiêu yêu cầu đề ra là đảm bảo được những yếu tố quan trọng phục vụ cho việc quản lý dân cư, mỗi công dân có một mã số riêng… và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho triển khai việc cấp CMND mới.

Đại tá Vũ Xuân Dung trả lời phỏng vấn phóng viên báo Dân trí.

Đại tá Vũ Xuân Dung trả lời phỏng vấn phóng viên báo Dân trí.

Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến đồng ý cho Bộ CA triển khai đề án cấp CMND mới trên phạm vi cả nước. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng trên cơ sở kế hoạch chung của Bộ CA cũng như kế hoạch về kinh phí mà Chính phủ cấp cho đề án này thì chúng tôi đã lên kế hoạch triển khai cấp CMND tại Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương - trước mắt là như vậy. Chúng tôi dự kiến, cuối năm 2014, đầu năm 2015 sẽ triển khai tiếp ở một số địa phương nữa trong đó có TPHCM, Cần Thơ, Tây Ninh.

Nếu như Chính phủ cấp thêm kinh phí, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai cấp CMND mẫu mới cho tuyến Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa.

Công tác chuẩn bị về con người, máy móc trang thiết bị phục vụ cho việc cấp CMND mẫu mới trên toàn địa bàn Thủ đô vào ngày 1/4 tới đã tiến hành tới đâu, thưa Cục trưởng?

Để chuẩn bị cho việc cấp CMND mới trên toàn địa bàn TP Hà Nội vào ngày thứ 3, 1/4, chúng tôi và CA TP Hà Nội đã tổ chức tập huấn cho toàn bộ các cán bộ chiến sĩ làm công tác cấp CMND của các quận huyện TP Hà Nội. Hà Nội có 29 quận huyện thì chúng tôi đã triển khai cấp CMND ở 3 quận huyện trước đó, còn lại 26 quận huyện; đồng thời chúng tôi đã tính đến việc tách huyện Từ Liêm.

Xin nói thêm, Hà Nội có đặc thù sáp nhập Hà Tây nên CA Hà Nội có đề xuất thêm một điểm cấp CMND nữa của cơ sở CATP Hà Nội tại Hà Đông. Về mặt thiết bị chúng tôi cũng đã chuẩn bị xong và từ tháng3 vừa rồi, chúng tôi phối hợp với CA TP Hà Nội thiết kế đường truyền dữ liệu từ các quận huyện về CA TP Hà Nội.

Đến nay, các thiết bị máy móc đường truyền phục vụ cho việc cấp CMND và quản lý dữ liệu tương đối ổn định. Vấn đề nữa là chúng tôi cũng đã rải các thiết bị và tổ chức lắp đặt tại các quận huyện. Trong 3 ngày 28-29-30/3, các quận huyện đã được lắp đặt các thiết bị hệ thống đường truyền dữ liệu sẽ chạy thử nghiệm để kiểm tra máy móc, đường truyền. Đến ngày thứ 2 tức ngày 31/3 sẽ kiểm định lại lần cuối cùng. Nếu ổn định thì ngày 1/4 sẽ phát động triển khai cấp CMND mẫu mới trên toàn địa bàn TP Hà Nội.

Thưa Cục trưởng, việc cấp CMND mới là bắt buộc hay theo nhu cầu của người dân?

Với những người mới đến tuổi được cấp CMND hoặc đã đến tuổi cấp CMND nhưng chưa được cấp lần nào thì sẽ cấp CMND theo công nghệ mới. Đối với những người đã được cấp CMND trước đây mà vẫn còn hiệu lực, CMND đó vẫn còn giá trị sử dụng cho đến khi hết thời hạn 15 năm.

Đối với những người đã có CMND cũ mà đang giao dịch, nếu có nhu cầu xin đổi sang CMND mới 12 số, cơ quan CA sẵn sàng phục vụ, hoàn toàn không bắt buộc công dân đã có CMND cũ phải đổi sang CMND mới. Đây là chủ trương chung của Chính phủ cũng như của Bộ CA: việc cấp CMND mới cho người dân không gây xáo trộn. Chủ trương đổi CMND mẫu mới là đổi dần dần. Hiện nay nghị định của Chính phủ cũng xác định 2 loại CMND cũ - mới vẫn có hiệu lực song song.

500 năm sau mới phải lấy lại mã số công dân

Trên thực tế, rất nhiều người dân khi sử dụng CMND mẫu mới 12 số khi đi làm các thủ tục giao dịch hành chính, do “vênh” số CMND cũ – mới nên gặp rất nhiều khó khăn. Xin hỏi Cục trưởng có ý kiến gì để tháo gỡ vấn đề này?

Thứ nhất, thực tế trước khi phát hành CMND mới, Bộ CA đã có 2 công văn gửi các bộ, ngành, UBND các địa phương, các tổ chức xã hội về việc cấp CMND mới 12 số và đề nghị các cơ quan tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, các đơn vị hoạt động cấp giấy chứng nhận về đất đai hoặc các cơ quan có giao dịch của công dân thì đề nghị các cơ quan này tạo điều kiện để cho công dân xuất trình CMND 12 số.

Cấp CMND theo mẫu mới, 500 năm sau mới phải lấy lại mã số công dân.

Cấp CMND theo mẫu mới, 500 năm sau mới phải lấy lại mã số công dân.

Thứ 2, những người đã có số CMND mới 12 số thì được đề nghị đính chính số CMND mới vào các giấy tờ giao dịch mà trước đó đã ghi số CMND cũ. Trong quá trình theo dõi chung, chúng tôi cũng thấy một số ngân hàng, phòng địa chính… gây khó khăn khi người dân giao dịch bằng CMND mới. Chúng tôi đã có công văn gửi trực tiếp tới lãnh đạo phụ trách ngành này yêu cầu tạo điều kiện cho công dân trong các giao dịch.

Chúng tôi cũng đã chỉ đạo đến công an các quận huyện hoặc những nơi tiếp dân, trong trường hợp các cơ quan chức năng yêu cầu xác nhận công dân đó từng có CMND cũ thì cơ quan chức năng phải có trách nhiệm nhanh chóng xác nhận.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc cấp CMND mới thì nên nhưng đề nghị giữ lại số CMND cũ, sẽ thuận tiện hơn cho người dân. Nhưng tôi xin giải thích rằng, nếu đổi CMND mẫu mới mà vẫn lấy số CMND cũ thì không bao giờ thay đổi được mã số công dân. Bởi cấu tạo của số CMND cũ không giải quyết được vấn đề mỗi công dân sẽ được cấp 1 số định danh. Dãy số CMND cũ chỉ có 9 số mà theo dự tính của các cơ quan chuyên môn, tới đây dân số Việt Nam sẽ tăng đến hàng trăm triệu công dân.

Chính vì thế khi cấp CMND theo công nghệ mới, chúng tôi đã phải nghiên cứu mã số. Mã số này sẽ giải quyết được vấn đề không tràn số, đảm bảo được dân số của Việt Nam và từng tỉnh thành phố. Đảm bảo 500 năm sau mới phải lấy lại các mã số công dân. Về sau, số CMND mới này đồng thời cũng là mã số định danh cá nhân để thuận tiện cho công dân.

Tức là anh có mã số định danh và gắn luôn vào số CMND, như vậy 2 số này đồng nhất. Theo đó từ mã số định danh sau này, khi thiết lập cơ sở dữ liệu về dân cư, sẽ truy ra mã số công dân rất nhanh. Chỉ cần công dân xuất trình CMND là chúng tôi in luôn CMND đó ra là biết mã số công dân; như vậy sẽ tiện lợi để công dân không phải có nhiều loại số.

Thưa Cục trưởng, dự tính bao nhiêu năm sau, người dân trên toàn quốc sẽ dùng một loại CMND?

Có mấy vấn đề, thứ nhất là phụ thuộc vào kinh phí, bởi khi duyệt đề án cấp CMND mới, giai đoạn 1 Chính phủ mới cấp kinh phí cho 24 triệu CMND. Thực tế ở Việt Nam có trên 80 triệu công dân. Đặc biệt là luật về căn cước CMND, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đang có đề xuất cấp mã số công dân từ khi sinh ra; tức là sẽ phải cấp cho 90 triệu công dân.

Khi kết thúc giai đoạn 1, chúng tôi phải báo cáo với Chính phủ, sau đó sẽ chủ động xin ý kiến Chính phủ cấp tiếp CMND mẫu mới cho toàn bộ số công dân còn lại. Giả định rằng Chính phủ cấp kinh phí luôn một lần thì sau 15 năm, người dân trên toàn quốc sẽ có mẫu CMND thống nhất.

Nếu công dân nhận thấy việc dùng số CMND mới thuận tiện thì việc cấp CMND mới cho toàn bộ người dân là rất nhanh.

So với CMND cũ, CMND mới có ưu điểm gì thưa Cục trưởng?

Ưu điểm nổi trội nhất của loại CMND mới là không thể làm giả. Công nghệ sản xuất CMND cũ không chống được việc làm giả; cách sắp xếp số CMND cũ cũng thủ công nên mới có tình trạng một người có 2 số CMND hay nhiều người có cùng một số CMND. Công nghệ làm CMND cũ cũng không loại trừ được việc đánh tráo ảnh trong CMND. Việc đổi CMND mới ngăn chặn được tất cả những điều này và quan trọng hơn cả là tạo được một cơ sở dữ liệu quốc gia để quản lý dân cư.

Công nghệ lăn vân tay tự động của các thiết bị cấp CMND mới cũng sẽ loại trừ được tất cả các trường hợp tráo người làm CMND. Khi công dân đi làm CMND mới, công dân chỉ cần đặt tay vào máy thu vân tay, máy sẽ tự động vào cơ sở dữ liệu tìm xác định vân tay và tên tuổi người làm CMND. Nghĩa là khi anh xin cấp CMND mà thay tên đổi họ, máy sẽ hiển thị ra những dữ liệu thông tin trước đây. Khi đó anh phải giải trình vì sao thay tên đổi họ, tên có hợp pháp không? Nếu hợp pháp thì sẽ thay đổi dữ liệu còn vân tay sẽ vẫn giữ nguyên.

Xin cám ơn Cục trưởng!

Tuấn Hợp (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm