1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sẽ hướng dẫn thêm về quy định “không đặt tên quá dài”

Thế Kha

(Dân trí) - Thông tư số 04/2020 của Bộ Tư pháp có hiệu lực từ ngày 16/7 quy định khi làm khai sinh “không đặt tên quá dài, khó sử dụng” nhưng bao nhiêu chữ, ký tự thì được coi là “quá dài” lại không nêu rõ.

Thông tư số 04/2020 của Bộ Tư pháp có hiệu lực từ ngày 16/7 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều, biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.

Trong đó, Điều 6 Thông tư 04/2020 quy định: Việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam. Khi làm thủ tục khai sinh “không đặt tên quá dài, khó sử dụng”.

Tuy nhiên thế nào là “quá dài” thì lại không có định lượng rõ ràng. Điều này dễ dẫn tới việc nhiều bậc phụ huynh vẫn “nằng nặc” đặt tên khai sinh cho con rất dài, nhưng cán bộ tư pháp ở cơ sở không thể “can ngăn”, thuyết phục vì không có quy định cụ thể là đặt tên phải giới hạn bao nhiêu ký tự, bao nhiêu chữ.

Sẽ hướng dẫn thêm về quy định “không đặt tên quá dài” - 1

Rất nhiều giấy tờ cá nhân của Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân phải viết tắt như thế này vì tên quá dài (Ảnh: GĐXH).

Điển hình là câu chuyện về những rắc rối, khó khăn khi thực hiện các giao dịch dân sự, đăng ký thẻ ATM mà chị Nguyễn Thị Kim Hoàng Linh Phương (tỉnh Đồng Nai) và 3 anh em Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhàn , Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Linh Phượng và Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân (huyện Nhà Bè, TPHCM) mà báo chí đã phản ánh thời gian qua.

Được biết, trước khi Thông tư 04/2020 ra đời, đã có ý kiến đề xuất quy định giới hạn đặt tên từ 20-25 ký tự. Tuy nhiên, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) lại cho rằng nếu thông tư quy định “cứng” về số chữ, ký tự tối đa khi đặt tên sẽ không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự và nghị định hướng dẫn của Chính phủ.

Sẽ hướng dẫn thêm về quy định “không đặt tên quá dài” - 2

Nhiều gia đình đặt tên con theo cảm hứng, tâm trạng của mình hoặc "nửa Tây, nửa Ta" (Ảnh: Pháp luật TPHCM).

Lãnh đạo Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực (Bộ Tư pháp) cho biết vừa qua đã nhận được khá nhiều thắc mắc xung quanh quy định "không đặt tên quá dài" được quy định trong Thông tư số 04/2020 .

Vì thế, cơ quan này đang tiếp tục nghiên cứu để có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện việc đăng ký nội dung khai sinh được tốt hơn. Trong đó sẽ hướng dẫn việc đặt tên đảm bảo ghi đủ thông tin trên CMND, bằng lái xe hay các giấy tờ tùy thân khác.

“Đúng là pháp luật phải rõ ràng, nhưng nhiều vấn đề không thể lượng hoá được. Việc đặt tên phải vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Cái gì không có lợi cho người dân thì phải tránh. Ai cũng hiểu, tên quá dài là không có lợi”- vị lãnh đạo này cho hay.