Bộ Tư pháp lý giải quy định cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
(Dân trí) - Ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực - lý giải quy định ghi tên người dự định cưới vào Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và lộ trình loại bỏ thủ tục hành chính này.
PV Dân trí trao đổi với ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực (Bộ Tư pháp) xung quanh Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân quy định tại Thông tư 04/2020/TT-BTP của Bộ Tư pháp (có hiệu lực thi hành từ ngày 16/7/2020) đang gây xôn xao dư luận.
- Thưa ông, quy định của Thông tư 04/2020/TT-BTP về việc ghi tên người dự định kết hôn vào Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Đây có phải quy định mới không?
- Tại khoản 3 Điều 12 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp quy định: “Trường hợp yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích kết hôn thì cơ quan đăng ký hộ tịch chỉ cấp 1 bản cho người yêu cầu. Trong Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi rõ họ tên, năm sinh, quốc tịch, giấy tờ tùy thân của người dự định kết hôn, nơi dự định đăng ký kết hôn”.
Thực chất, đây không phải quy định mới. Bởi vấn đề này đã được quy định và thực hiện ổn định hơn 10 năm nay mà không phát sinh khó khăn, vướng mắc gì, cũng không để lại hệ lụy gì cho người dân và xã hội.
Cụ thể, tại khoản 2 Điều 10 Thông tư số 08.a/2010/TT-BTP của Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng sổ, biểu mẫu hộ tịch đã quy định: “Trong trường hợp sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để làm thủ tục đăng ký kết hôn, thì phải ghi rõ kết hôn với ai, ở đâu”.
Tại khoản 5 Điều 25 Thông tư số 15/2015/TT-BTP của Bộ Tư pháp cũng quy định: “Trường hợp sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để làm thủ tục đăng ký kết hôn thì phải ghi rõ họ tên, năm sinh, giấy tờ tùy thân của người dự định kết hôn, nơi dự định làm thủ tục kết hôn”.
Do đó, quy định tại khoản 3 Điều 12 Thông tư số 04/2020 của Bộ Tư pháp sẽ có hiệu lực từ ngày 16/7/2020 chỉ là kế thừa quy định hợp lý của 2 Thông tư trước đó.
Qua hơn 10 năm thực hiện và mỗi năm có hàng triệu người yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân theo quy định tại Thông tư số 08.a/2010/TT-BTP và Thông tư số 15/2015/TT-BTP, Bộ Tư pháp chưa nhận được phản ánh nào của cơ quan đăng ký hộ tịch cũng như người dân liên quan đến vấn đề này.
- Ngoài việc đăng ký kết hôn, Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân còn được sử dụng cho những mục đích gì, thưa ông?
- Hiện nay, Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là loại giấy tờ được nhiều cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước yêu cầu phải nộp khi giải quyết các công việc cho người dân như: đăng ký kết hôn, giao dịch dân sự, ngân hàng, du học, du lịch, lao động....
Để thuận lợi cho việc sử dụng, Thông tư 04/2020 đã quy định rõ hơn và yêu cầu khai đúng, sử dụng đúng mục đích cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Mục đích là nhằm bảo vệ quyền lợi của người được cấp giấy, cũng như những người có liên quan, nhất là phụ nữ trong quan hệ hôn nhân với người nước ngoài.
- Tại sao phải ghi rõ họ tên, năm sinh, quốc tịch, nơi dự định kết hôn, giấy tờ tùy thân của người dự định kết hôn vào Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (dùng để kết hôn)? Điều đó có làm hạn chế quyền của người dân hay ảnh hưởng đến bí mật đời tư không, thưa ông?
- Việc pháp luật yêu cầu ghi thông tin của người dự định kết hôn vào Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (dùng để kết hôn), trước hết nhằm đề cao tính nghiêm túc, ý thức trách nhiệm của mỗi bên đối với hôn nhân vì mục tiêu “Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc” như Luật Hôn nhân và gia đình khẳng định.
Thứ hai là nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên, nhất là phụ nữ khi yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
Thứ ba là có cơ sở để kiểm tra, xác minh trong trường hợp người dân yêu cầu cấp lại giấy này mà không nộp lại được Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã cấp trước đó.
Việc ghi rõ thông tin của người dự định kết hôn trên Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân không làm hạn chế quyền của cá nhân, bởi giấy này chỉ xác nhận về tình trạng hôn nhân của cá nhân (là hiện tại người đó đã kết hôn hay chưa kết hôn với ai…), mà không có giá trị ràng buộc các bên phải kết hôn với nhau.
Giấy tờ hộ tịch nói chung, Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân nói riêng là giấy tờ xác nhận về thông tin nhân thân của cá nhân, nên cá nhân có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn bí mật thông tin của mình và của những người liên quan.
Cơ quan đăng ký hộ tịch và công chức tư pháp - hộ tịch cũng có trách nhiệm bảo vệ bí mật này theo quy định của Luật Hộ tịch và Bộ luật dân sự.
- Bộ Tư pháp có biện pháp gì để hiện đại hóa quá trình đăng ký hộ tịch nói chung, cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân nói riêng hay không?
- Hiện nay Bộ Tư pháp đã cơ bản hoàn thiện Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung và triển khai đồng bộ đến tất cả các cơ quan đăng ký hộ tịch trên cả nước.
Trong bối cảnh khi Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an mà xây dựng xong để vận hành đồng bộ, thống nhất trên cả nước, thì thông tin về tình trạng hôn nhân của công dân sẽ được cập nhật, quản lý chặt chẽ trên hệ thống.
Khi ấy, việc khai thác tình trạng hôn nhân (để giải quyết thủ tục hành chính) sẽ không chỉ do cơ quan đăng ký hộ tịch, mà còn do cơ quan thực hiện thủ tục hành chính tiến hành thông qua việc kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đó là lúc có thể tuyên bố loại bỏ Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân trong thành phần hồ sơ của các thủ tục hành chính.
- Xin cảm ơn ông!
Thế Kha (thực hiện)