1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sẽ điều tra lời khai của Dương Chí Dũng

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban Nội chính trung ương, khẳng định như vậy khi nói về việc điều tra lời khai chấn động của Dương Chí Dũng tại phiên xét xử vụ “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” mới đây đối với Dương Tự Trọng và đồng phạm

Phóng viên: Trong phiên xét xử Dương Tự Trọng và các đồng phạm can tội tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài, HĐXX quyết định khởi tố vụ án ngay tại tòa về hành vi “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” từ lời khai chấn động của Dương Chí Dũng. Xin ông cho biết cơ quan nào sẽ điều tra lời khai này?

 

Ông Phạm Anh Tuấn: Hiện tại, TAND TP Hà Nội giao cho VKSND TP Hà Nộivì VKSND TP Hà Nội là cơ quan duy trì thực hành công tố tại tòa theo quy định của pháp luật. Đương nhiên, sau khi được giao thì VKSND TP Hà Nội phải báo cáo VKSND Tối cao. Mà việc này lại do Cơ quan An ninh Điều tra - Bộ Công an đang điều tra cho nên chắc rằng tới đây sẽ phải thành lập tổ công tác liên ngành hỗn hợp tham gia điều tra.

 

Việc thành lập tổ công tác liên ngành hỗn hợp nhằm tránh trường hợp “chuyện trong nhà”. Mà đúng là cũng phải tránh thật,  xã hội cũng dị nghị nên cần thiết phải có tổ liên ngành tham gia. Nếu vụ án bình thường thì CQĐT dư sức, thừa quyền làm được. Nhưng thôi! Đúng là để đảm bảo khách quan thì cần có sự chỉ đạo của liên ngành. Tuy nhiên, cụ thể thế nào trong vài ngày tới sẽ có quyết định cuối cùng.

 

Vậy vai trò của Ban Nội chính trung ương trong tổ công tác liên ngành như thế nào? Tiến độ xử lý các đại án khác ra sao?

 

Việc tham gia chắc chắn là có, còn giữ vai trò nào thì như tôi nói là phải chờ ít hôm nữa.

 

Hiện Ban Nội chính trung ương đã trình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho quyết định cuối cùng về việc bổ sung những vụ án, vụ việc nào và dự kiến sẽ có danh sách trong thời gian tới đây.

 

Tinh thần các vụ án, vụ việc bổ sung tiếp tục tập trung vào lĩnh vực kinh tế, tín dụng, ngân hàng.

 

Sẽ điều tra lời khai của Dương Chí Dũng

Nhân chứng Dương Chí Dũng (đứng) đã khai nhiều nội dung gây chú ý tại phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng (Ảnh: Thế Kha)

 

Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2014 vừa qua, Trưởng Ban Nội chính trung ương - ông Nguyễn Bá Thanh - khẳng định sẽ khảo sát tình hình tham nhũng, vi phạm pháp luật và tội phạm liên quan đến hoạt động của một số tổ chức tài chính, tín dụng, ngân hàng?

 

Đúng. Năm 2014 có 4 nhiệm vụ lớn thì có việc Ban Nội chính trung ương tiếp tục tổ chức 4-5 đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, xét xử. Đồng thời, bổ sung một số vụ án lớn vào diện Ban Chỉ đạo và Ban Nội chính trung ương theo dõi, đôn đốc. Ban Nội chính trung ương sẽ phối hợp cùng Ban Cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông qua cơ quan thanh tra, giám sát để nắm một số hoạt động nhằm thắt chặt những lĩnh vực có thể phát sinh tiêu cực, sai phạm.

 

Việc Ban Nội chính trung ương giám sát lĩnh vực ngân hàng là do thời gian qua bộc lộ quá nhiều kẽ hở, sai phạm?

 

Không hoàn toàn như vậy nhưng thực tế qua kiểm tra, giám sát của 7 đoàn công tác trong năm 2013 và kết hợp với các vụ án mà Ban Chỉ đạo theo dõi có nhiều việc liên quan đến lĩnh vực tín dụng, ngân hàng. Có nghĩa là trong lĩnh vực này đã có những vấn đề cần phải rà soát, chấn chỉnh, ngăn chặn để không phát sinh thêm tiêu cực, sai phạm. Đụng đến sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực ngân hàng thì thiệt hại là rất lớn. Hệ quả này ngoài nguyên nhân do lỏng lẻo trong quản lý, cơ chế thì còn do sự hư hỏng của cán bộ, cộng thêm khó khăn của nền kinh tế tác động.

 

Lập tổ liên ngành là đúng

 

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Nguyễn Sỹ Cương, cho rằng việc thành lập tổ công tác liên ngành hỗn hợp điều tra lời khai của Dương Chí Dũng là cần thiết vì việc này không chỉ liên quan đến lãnh đạo ngành Công an mà là cả hệ thống chính trị. Không chỉ là vấn đề uy tín của ngành Công an mà cả uy tín của Đảng và nhà nước. Do vậy cần đảm bảo chính xác, khách quan để nếu lời khai của Dương Chí Dũng đúng sự thật thì phải xử lý nghiêm cán bộ sai phạm. Nếu lời khai không chính xác thì càng cần phải điều tra, làm rõ và công khai để người dân hiểu.

 

Phá vỡ vùng cấm

 

Để biến quyết tâm chống tham nhũng thành hiện thực, trước hết phải động viên sự tham gia của toàn xã hội vào công cuộc phòng chống tham nhũng. Phải làm sao để phòng chống tham nhũng trở thành một trào lưu xã hội, một sức mạnh đối lập với các thế lực tham nhũng thì mới có điều kiện đẩy lùi, xô ngã hoặc vô hiệu hóa các thế lực này.

 

Không chỉ các cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng và các cơ quan tư pháp mà tất cả thành viên xã hội, nghĩa là mỗi người dân, đều phải xác định tiễu trừ tham nhũng là việc của mình, gắn với lợi ích thiết thân của mình. Sự trong sạch của bộ máy nhà nước là điều kiện để phát huy hiệu lực hoạt động của nó và hiệu quả đó mang lại lợi ích cho tất cả mọi người: dịch vụ công được cung ứng nhanh gọn với chi phí rẻ; đầu tư công có hiệu quả với những công trình, tiện ích công cộng chất lượng cao...

 

Từ nhiều năm, cam kết phòng chống tham nhũng được liên tục được đưa ra trong những thông điệp chính thức nhân danh chính quyền nhưng rồi quốc nạn này vẫn hoành hành khiến lòng tin của người dân giảm sút. Để người dân hăng hái, tích cực tham gia phòng chống tham nhũng thì việc chỉ rõ lợi ích mà hoạt động phòng chống tham nhũng mang lại cho dân là chưa đủ. Cần phải làm cho dân tin tưởng vào quyết tâm phòng chống tham nhũng của nhà chức trách, từ đó tự nguyện vào vai người tiếp sức, hỗ trợ. Đây thậm chí là điều kiện quan trọng nhất.

 

Những vụ tham nhũng lớn bị phanh phui trong thời gian gần đây cho thấy các nỗ lực phòng chống tham nhũng đã mang lại hiệu quả nhất định. Tham nhũng luôn diễn ra ở những góc khuất, kín đáo; việc phát hiện không đơn giản.  Đặc biệt, tham nhũng ở những vị trí cao thường có giá lớn, được thực hiện rất tinh vi và được che chắn, bảo hộ chặt chẽ bằng thế lực, tránh sự phát hiện. Việc một số quan chức cấp cao, đại gia phải ra đứng trước vành móng ngựa để nghe cáo buộc các tội danh tham nhũng cho phép chúng ta ghi nhận thành quả đáng khích lệ của công tác bảo đảm thực thi pháp luật trong khu vực công quyền - một công tác đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng đây chỉ là phần nổi của tảng băng. Còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có những vụ xử lý tham nhũng mang tính răn đe cao.

 

Vụ Vinalines và những lời khai chấn động của nhân chứng Dương Chí Dũng tại phiên xử Dương Tự Trọng đã phát đi dấu hiệu đáng chú ý. Ít nhất điều đó cũng cho thấy khả năng tấn công tham nhũng ở những vị trí cao. Điều này đúng là không dễ chút nào. Ai cũng hiểu rằng một mặt, chức quyền càng cao thì tham nhũng dựa vào quyền chức càng có giá trị lớn. Mặt khác, những quan tham nắm nhiều quyền lực trong tay luôn có điều kiện trấn áp bằng sức mạnh của công quyền đối với những nỗ lực bóc trần trước công luận hành vi phạm pháp của mình. Bởi vậy mới có khái niệm “vùng cấm” trong phòng chống tham nhũng. Gọi là “cấm” không phải vì luật pháp không cho phép động tới vùng đó, đúng hơn là động tới những con người trong vùng đó, mà trước hết do khả năng tự bảo hộ, tự đề kháng của nó trước sự công kích từ bên ngoài. Sự tồn tại và phát triển của vùng cấm tỉ lệ nghịch với sự hoàn thiện nhà nước pháp quyền và xã hội thượng tôn pháp luật. Luật pháp càng được thực thi nghiêm chỉnh thì vùng cấm càng bị thu hẹp và giảm sút uy lực; ngược lại, luật pháp bị coi thường, đặc biệt là bởi quan chức, thì vùng cấm có điều kiện bành trướng và trở nên kiên cố.

 

Đó cũng là dấu hiệu cho thấy hiệu quả của công cuộc cải cách tư pháp. Cần tiếp tục lộ trình cải cách. Việc xét xử nghiêm minh một vụ án tham nhũng ở cấp cao chắc chắn sẽ có tính răn đe cao. Hình phạt nghiêm khắc dành cho bị cáo là lời cảnh báo đối với những người nắm quyền lực. Một khi nhận thấy nguy cơ đứng trước vành móng ngựa, quan chức sẽ tự cố gằng kềm chế bản thân trước cám dỗ. Nhờ đó, tham nhũng bị đẩy lùi.

 

PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện

(An Quý ghi)

 

 

Theo Thế Dũng
 
Người lao động