1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ trưởng Thăng:

Sẽ có đường sắt để sáng ăn phở ở Hà Nội, tối uống cà phê Sài Gòn

(Dân trí) - Chia sẻ đòi hỏi của đại biểu Quốc hội về việc “thay máu” cho đường sắt Bắc - Nam, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng trình kế hoạch nâng tốc độ chạy tàu lên 80-90km/h, tiến tới xây dựng đường sắt tốc độ cao (dưới 200km/h) để hành trình Hà Nội – TPHCM chỉ mất 10-12 giờ.

Chất vấn Bộ trưởng Đinh La Thăng tại Quốc hội chiều nay, 18/11, đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) nêu lại “giấc mơ đường sắt cao tốc” đặt ra một thời và thở dài cho rằng, không bàn đến đường sắt cao tốc, việc cần quyết tâm làm hiện giờ là xây dựng được đôi tuyến đường sắt Bắc Nam khổ 1,4m. Tuyến đường đơn khổ 1,1 m duy trì bao nhiêu chục năm qua, theo ông Lịch, đã quá cũ kỹ, xuống cấp, không thể “gắng gượng” thêm được. Ông Lịch đưa ra bài toán, làm sao để rút ngắn thời gian chạy tàu từ Hà Nội tới TPHCM chỉ khoảng trên dưới 10 giờ cho Bộ trưởng GTVT.
 
Bộ trưởng Thăng: Sẽ có đường sắt để sáng ăn phở ở Hà Nội, tối uống cà phê tại Sài Gòn
Đại biểu Trần Du Lịch: "Chưa cần bàn đến đường sắt cao tốc, chỉ cần đường sắt tốc độ cao" (ảnh: Minh Thanh).

Chia sẻ trăn trở này, đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) so sánh, đường sắt Việt Nam suốt bao nhiêu năm qua mãi ì ạch chạy với tốc độ trung bình chỉ 50-60km/h trong khi trên thế giới, tàu hỏa đã đạt mức trung bình 120-140km/h. Chiến lược phát triển hệ thống giao thông của Việt Nam thế nào, sao chưa chú trọng vào ngành đường sắt.

Dẫn lại thông tin Bộ trưởng Thăng nói về việc khi cao tốc Hà Nội – Lào Cai đưa vào khai thác, 50% hành khách đi tuyến này bằng tàu hỏa đã chuyển sang đường bộ, đại biểu cho rằng, vị tư lệnh ngành coi đó là một thành công nhưng với ông Hùng, đó lại là một cảnh báo đáng lo ngại về một ngày đường sắt Việt Nam sẽ không còn khách nào lựa chọn nữa.

“Tố” thêm về chất lượng của ngành vận tải này, ông Hùng dùng từ “vô cùng kém”, vé tàu giường nằm không rẻ nhưng đi cả đêm cũng khó có thể ngủ vì tàu chạy lắc lư, rập rình. Khổ nhất là việc phải sử dụng nhà vệ sinh trên tàu.

“Bộ trưởng có cách nào cải thiện không, nếu không tôi cũng sẽ từ bỏ, chọn đi đường bộ nếu có thể” – ông Hùng đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Đinh La Thăng đáp lời, kế hoạch hiện đại hóa đường sắt Bắc – Nam đã được xây dựng với phương án để nâng tốc độ khai thác từ 50-60km/h lên 80km/h – 90km/h. Đồng thời với việc khai thác tuyến đường sắt hiện có, ngành cũng sẽ xây dựng tuyến đường sắt khổ đôi ở những đoạn cần thiết với tốc độ nâng lên từ 160 tới dưới 200km/h.

“Khi đó, một người có thể sáng ăn phở ở Hà Nội, tối đã có thể uống cà phê ở TPHCM” – Bộ trưởng Thăng quả quyết và cho biết thêm, theo kế hoạch, việc đầu tư sẽ được phân kỳ theo hướng làm trước đoạn Hà Nội – Vinh khi điều kiện kinh tế, yêu cầu về đảm bảo an toàn nợ công cho phép. Khai thác đường sắt theo đó sẽ giúp giảm tải đáng kể cho hệ thống đường bộ.

Tiêu chí tuyển người của Bộ GTVT: Tinh thần chống tham nhũng quyết liệt

Chuyển sang  chuyện chặn tiêu cực Trương Thị Ánh (TPHCM) hỏi thẳng tư lệnh ngành: Công tác phòng chống tham nhũng, thất thoát với ngành đã đạt hiệu quả, thời gian tới phải làm gì? Bộ trưởng suy nghĩ gì về việc vốn đầu tư làm đường rất cao mà chất lượng chưa cao?

Bộ trưởng GTVT khẳng định, phòng chống tham nhũng là một vấn đề lớn, một nhiệm vụ trọng tâm đặt ra với ngành vì giao thông là luôn là lĩnh vực sử dụng vốn lớn (cả vốn ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay ODA). Cùng với Ban Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng, Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để triển khai.
 
Bộ trưởng Thăng: Sẽ có đường sắt để sáng ăn phở ở Hà Nội, tối uống cà phê tại Sài Gòn
Bộ trưởng Đinh La Thăng: "Thi Tổng Cục trưởng, tiêu chí bắt buộc là có tinh thần chống tham nhũng quyết liệt".

Bộ GTVT đã đưa ra nhiều giải pháp đột phá như xác định trách nhiệm từ người đứng đầu Bộ, tới Thứ trưởng, Cục trưởng, thủ tướng các cơ quan thuộc bộ; thực hiện công khai minh bạch mọi hoạt động cảu ngành, từ công tác cán bộ, đấu thầu, chọn nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, giám sát… Bộ đã ban hành một số quy định như Quy định về những điều các Ban Quản lý dự án không được làm, xếp loại nhà đầu tư và công khai danh sách các đơn vị vi phạm.

Ngoài ra, người vi phạm sẽ bị thay thế,  xử lý trực tiếp một cách nghiêm khắc và nếu phát hiện dấu hiệu hình sự sẽ đề nghị cơ quan pháp luật vào cuộc điều tra ngay.

Bộ trưởng Thăng cũng nhắc tới giải pháp sàng lọc cán bộ bằng hình thức thi tuyển các chức danh, từ Tổng Cục trưởng, Cục trưởng, Vụ trưởng… với một tiêu chí bắt buộc là phải có tinh thần chống tham nhũng quyết liệt, chống tham nhũng đến cùng, bên cạnh những đòi hỏi về chuyên môn.

Đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa – Vũng Tàu) vẫn nghi ngờ, cho rằng nhiều dự án, công trình “có mùi” tiêu cực. Dẫn chứng từ dự án quốc lộ 51, bà Công đặt câu hỏi, đoạn đường không dài mà cắt xẻ, có đến mấy chục nhà thầu tham gia, liệu có thỏa thuận, chia chác ở đây. Trong khi chất lượng con đường này, như Bộ trưởng GTVT thừa nhận có nhiều sai sót như thi công, thảm đường giữa trời mưa, nên công trình vừa đưa vào khai thác đã xuống cấp nhanh mà nhà đầu tư vẫn thực hiện thu phí.

“Họ thi công phản khoa học như thế mà cơ quan quản lý nhà nước không làm được gì? Kết quả là nhà nước vẫn phải chi tiền cho những con đường kém chất lượng?” – đại biểu hỏi vặn.

Một lần nữa nhắc lại chủ trương, quyết tâm chống tham nhũng, thất thoát trong đầu tư, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, việc siết quản lý chất lượng công trình đã triển khai 4 năm liên tục vừa qua. Kết quả, đa số dự án đưa vào khai thác thời gian qua (112 công trình đã hoàn thành trong số 148 công trình đã khởi công) đều đảm bảo và vượt tiến độ, chất lượng.

Tuy nhiên, cũng có những công trình mới đưa vào sử dụng đã có hư hỏng như quốc lộ 51, Bộ GTVT đã nhất quyết không cho thu phí, buộc nhà thầu phải sửa chữa.

Nói thêm về con đường đang gánh tai tiếng là vừa khánh thành đã lún nứt - cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Bộ trưởng Thăng phân trần, công trình mới chỉ được thông xe kỹ thuật, chưa đủ điều kiện khai thác hoàn toàn vì có 10 điểm đang chờ lún. Sự cố lún nứt vừa qua là hi hữu và bất khả kháng khi gặp địa hình sườn đá trượt, sụt. Ông Thăng thông tin, Bộ GTVT đang đốc thúc việc khắc phục, dự kiến tháng 2 tới sẽ giải quyết xong sự cố này.

Người đứng đầu ngành GTVT cũng khảng khái đề nghị các cơ quan chức năng, người dân và cả đại biểu Quốc hội cũng góp sức, tăng cường giám sát, góp ý với Bộ để thời gian tới, mọi công trình, dự án đưa vào sử dụng đều đảm bảo chất lượng.
 

Giá vé may bay Việt Nam rẻ hơn Thái Lan

Về vấn đề cước vận tải, Bộ trưởng Thăng phân tích, dù năm nay giá xăng dầu biến động, tăng nhiều lần nhưng Tổng công ty đường sắt VN từ đầu năm đến nay không tăng giá lần nào, trong dịp Tết sẽ bán giá giảm 11-17% so với năm ngoái.

Liên quan hàng không, Bộ trưởng đề cập việc tái cơ cấu, đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực mà tư nhân làm được, đẩy mạnh cổ phần hóa. Vietnam Airlines vừa qua đã cổ phần hóa thành công và cũng là DN từ 2011 đến nay xăng dầu tăng nhiều lần cũng không tăng giá. Trên một số chặng khai thác, giá vé máy bay, ví dụ tuyến TPHCM – Hà Nội, mức giá cao nhất là 2,8 triệu đồng, thấp nhất 1,4-1,5 triệu, rẻ hơn của Thái Lan với chặng bay tương đương Phukhet - Bangkok , mức giá cao nhất 230 USD, thấp nhất 140 USD.

P.Thảo