1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Từ khi thanh sắt rơi chết người, đại biểu cũng sợ đường sắt trên cao

(Dân trí)- Về dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, đại biểu Đỗ Văn Đương nói, từ hôm xảy ra tai nạn rơi thanh sắt làm chết người, ông cũng thấy sợ khi đi qua đây. Ông Đương lo xa: “Bộ trưởng có khẳng định tàu đi trên cao sẽ tuyệt đối an toàn?”.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) đặt câu hỏi về dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Thắc mắc đầu tiên của ông Đương là dự án này sử dụng công nghệ của nước nào? Sao tiến độ quá chậm, đội vốn quá cao?
 
Từ khi thanh sắt rơi chết người, đại biểu cũng sợ đường sắt trên cao

Đại biểu Đỗ Văn Đương băn khoăn về sự an toàn của công trình đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. (Ảnh: Việt Hưng)

 

Băn khoăn tiếp theo của đại biểu, từ hôm xảy ra vụ tai nạn rơi thanh sắt làm chết người đi đường trên công trường thi công tuyến đường này, bản thân ông Đương cũng thấy lo sợ khi phải đi lại qua đây. Liên hệ với vụ tai nạn đã xảy ra tại Trung Quốc khi chiếc tàu từ đường trên cao trật đường ray lao xuống, ông Đương cảnh báo, nếu có hiện tượng rơi tàu thì đó sẽ là thảm hoạ.

 

“Bộ trưởng có khẳng định được tàu đi trên cao như thế sẽ tuyệt đối an toàn? Và nếu để đảm bảo an toàn tuyệt đối, cần đầu tư thêm những gì, liệu vốn đầu tư khi đó còn đội lên đến thế nào nữa?” - ông Đương truy Bộ trưởng GTVT.

 

Đáp lại câu hỏi này, Bộ trưởng Đinh La Thăng xác nhận, thắc mắc của đại biểu cũng là sự quan tâm đặc biệt của dư luận thời gian qua, cũng là vấn đề quan tâm chú trọng của Bộ GTVT. Ông Thăng thông tin, đây là dự án sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc, do nhà thầu Trung Quốc thi công. Khi khai thác, tàu trên cao sẽ chạy với vận tốc 40-60km/h, sử dụng công nghệ hiện đại nhất của Trung Quốc.
 
Từ khi thanh sắt rơi chết người, đại biểu cũng sợ đường trên cao

Bộ trưởng Đinh La Thăng hứa vấn đề an toàn tại công trình đường sắt trên cao được đặt lên hàng đầu. (Ảnh: Việt Hưng)

 

Quá trình thi công, cơ quan chức năng đã đảm bảo biện pháp an toàn để tiến hành trong điều kiện thi công trên tuyến đường phố đông đúc người đi lại. Tuy nhiên, sự cố vẫn xảy ra. Khi đó, Bộ GTVT đã cho dừng toàn bộ dự án để rà soát đảm bảo an toàn.

 

“Để đảm bảo quá trình vận hành sau này, phải tổ chức nghiệm thu theo quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn là số một nên Bộ GTVT sẽ quản lý chặt trong quá trình thi công sau này, làm sao để công việc phải thực hiện theo đúng thiết kế, đảm bảo an toàn cho người dân” - ông Thăng hứa.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hài hước: “Như vậy đại biểu Đỗ Văn Đương có thể yên tâm đi lại ở tuyến đường này”.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) lại lo ngại về chủ trương nhà nước đầu tư các tuyến cao tốc rồi sau đó rút vốn, “bán” cho các doanh nghiệp đối tác nước ngoài khai thác. Nhấn mạnh đây là việc mới áp dụng ở Việt Nam, đại biểu lo đối tác nước ngoài có thể chiếm dụng thời gian dài khai thác, tăng phí…
 
Từ khi thanh sắt rơi chết người, đại biểu cũng sợ đường sắt trên cao

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà lo ngại tình trạng nhà nước “bán” các dự án cao tốc cho đối tác nước ngoài khai thác. (Ảnh: Việt Hưng)

 

Bộ trưởng Đinh La Thăng giải thích, đó là xu hướng không thể khác khi nhà nước đặt mục tiêu thực hiện đột phá hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh tái cơ cấu đầu tư công. Theo đó, nguồn lực đầu tư dành cho lĩnh vực ngày càng khó khăn, mà yêu cầu đặt ra lại cao. Vì vậy, Bộ GTVT đã đề xuất cơ chế huy động nguồn lực của nhiều nhà đầu tư nước ngoài như đại biểu đề cập.

 

Theo đó, gần 3 năm qua, số vốn huy động bằng việc “bán”… đường này đã đạt gần 160.000 tỷ, bằng 1/3 tổng số vốn (gồm cả vốn cả ngân sách, vốn ODA…) đầu tư vào lĩnh vực.

Để tiếp tục tạo đột phá, Bộ trưởng  Thăng khẳng định Bộ đang nghiên cứu việc chuyển giao quyền khai thác cho các nhà đầu tư khác để quản lý và thu phí, về tổng thể việc này sẽ được thúc đẩy nhiều hơn nữa, trên cơ sở quy định pháp luật.

 

Ông Thăng đưa ra bài toán, với 524km đường cao tốc đang được đầu tư, khai thác, nếu “bán” để chuyển đổi thì sẽ có tiền làm tiếp 500km nữa. Như vậy, mục tiêu đến 2020 có 2.000km đường cao tốc sẽ khả thi.

 

Bộ trưởng GTVT cũng trấn an đại biểu về lo ngại nhà đầu tư nước ngoai khai thác đường với mức phí cao hơn vì các nhà nước ngoài nhận chuyển giao khai thác tuyến đường với toàn bộ tuổi đời dự án thì cũng phải kế thừa mọi điều kiện nhà đầu tư ban đầu đã ký. Khung giá thu phí, theo đó, do Bộ Tài chính ấn định, không thể tăng giá tuỳ tiện, không thể thu phí cao.

 

Đại biểu Bạch Thị Hương Thuỷ (Hoà Bình) “bồi” thêm một câu hỏi, việc thu phí trên những tuyến quốc lộ thực hiện phương thức đầu tư BOT có quá cao? Cụ thể với dự án nâng cấp mở rộng tuyến Quốc lộ 1A, việc đầu tư BOT trên toàn tuyến khi hoàn thành sẽ làm phát sinh nhiều trạm thu phí, có đúng luật, khoảng cách có hợp lý?

 

Bộ trưởng Đinh La Thăng đáp lời, mức thu phí các tuyến đường BOT cũng theo quy định của pháp luật, không phải muốn thu cao bao nhiêu cũng được.

 

So sánh với việc khai thác các tuyến quốc lộ hiện tại để xác định mức thu là cao hay thấp, ông Thăng dẫn chứng ở tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ban đầu, không ít ý kiến cho rằng mức phí thu trên tuyến này là cao (tối đa tới 3,4 triệu đồng/lượt) nhưng ông Thăng cho biết, khi trao đổi lại với Hiệp hội Vận tải, đơn vị này khẳng định, với tuyến đường này, thời gian di chuyển giảm xuống còn một nửa, chi phí với đơn vị vận tải giảm 30% (chi phí khấu hao, sửa chữa xe). Ngoài ra, tuyến cao tốc này cũng giúp việc đi lại an toàn hơn.

 

Vì vậy, trước khi có cao tốc, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai mua vé rất khó, nhưng hiện nay, khách đi tàu giảm một nửa. Bộ GTVT đã chỉ đạo tăng cường tàu chở hàng trên tuyến đường sắt để giảm tải cả đường bộ. Cước phí vận tải hàng hoá với doanh nghiệp cũng vì thế giảm đi.

 

“Ai đi Quốc lộ 70 trước đây say xe thì nay có thể vi vu, có thể vừa đi vừa nghe nhạc, làm thơ…  Có nhạc sĩ đi trên con đường cao tốc êm ru đã có thể sáng tác bài hát” - ông Thăng hóm hỉnh.

 

Đối với tuyến quốc lộ 1A, ông Thăng khẳng định, khoảng cách tối thiểu giữa các trạm thu phí là 70km, theo đúng quy định.

 

P. Thảo