1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sau vinh danh là... đuổi việc

Câu chuyện thưởng lấy lệ cho người chống tiêu cực tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức đang gây xôn xao công luận. Một vụ việc tương tự diễn ra ở y tế Bình Phước (BP) - nữ dược sĩ chống tiêu cực, sau khi được vinh danh - đã bị cơ quan chủ quản đuổi việc…

Tố cáo tiêu cực, bị đánh... bầm giập!

 

Năm 2012, chị Trần Thị Kiều Oanh (sinh 1983) là dược sĩ công tác tại Phòng Giám định y khoa (GĐYK), thuộc Sở Y tế BP. Vào năm 2012, chị Oanh đã đứng ra tố cáo hiện tượng tiêu cực tại Phòng GĐYK. Cụ thể: BS Đoàn Đức Loát - Trưởng phòng GĐYK - cùng một số nhân viên tại đây đã có hành vi nhũng nhiễu, nhận tiền từ người bệnh, thu chi tài chính sai nguyên tắc...

 
Dược sĩ Trần Thị Kiều Oanh đi thăm và chăm sóc cho bệnh nhân.
Dược sĩ Trần Thị Kiều Oanh đi thăm và chăm sóc cho bệnh nhân.
 

Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Đảng ủy Sở Y tế BP vào cuộc xác minh, nhưng nhận thấy kết luận vụ việc không khách quan, có dấu hiệu bao che sai phạm, chị Oanh khiếu nại tiếp lên cơ quan chức năng. Ngày 30/5/2012, UBKT Đảng ủy khối cơ quan dân-chính-Đảng đã kết luận tố cáo của chị Oanh là đúng sự thật.

 

Theo đó, BS Loát và một số nhân viên Phòng GĐYK đã nhận tiền hối lộ của những đối tượng đến giám định tại Phòng GĐYK để được công nhận hồ sơ hưởng các chế độ như: Chất độc hóa học, thương-bệnh binh, nghỉ hưu trước tuổi, tai nạn lao động... Số tiền nhận được trong ngày đều được giao lại cho y sĩ Nguyễn Thị Bé. Sau đó, số tiền trên được chia cho ông Loát 1/3; phần còn lại chia đều cho các nhân viên. Riêng chị Oanh đã từ chối, không nhận; trái lại, chị Oanh trực tiếp đứng ra tố cáo việc làm sai phạm trên.

 

Ngoài ra, chị Oanh còn tố cáo hàng loạt sai khác tại Phòng GĐYK như: Ông Loát xin tiền từ các Cty caosu rồi bỏ túi riêng và chia chác cho một vài cá nhân, dùng tờ phiếu khám sức khỏe để kinh doanh, thu tiền trái quy định, ông Loát lấy tiền ngân sách hàng trăm triệu đồng chia cho 16 nhân viên “chung xuồng”...

 

UBKT Đảng ủy khối đã đề nghị kiểm điểm những người có trách nhiệm ở Sở Y tế kết luận sai cho người đi tố cáo.

 

Điều đáng nói, với hành trình tố cáo trên thì chị Oanh cũng phải đối đầu với vô vàn khó khăn, nguy hiểm cho tính mạng… Ngày 26/6/2012, chị Oanh bị y sĩ Nguyễn Xuân Đô dùng ghế sắt hành hung gây chấn thương đầu. Ngày 18/1/2013, tại Sở Y tế BP, chị Oanh bị bảo vệ hành hung, bị chấn thương vai phải và cảnh sát 113 phải đưa đi cấp cứu v.v…

 
Chị Oanh trong một lần bị đánh đập phải đi cấp cứu tại bệnh viện.
Chị Oanh trong một lần bị đánh đập phải đi cấp cứu tại bệnh viện.
 

Vinh danh xong là bị… sa thải?

 

Vụ việc chống tiêu cực của chị Oanh, sau đó đã được Đài Truyền hình Việt Nam (kênh VTV 9) về quay phim và tôn vinh chị Oanh 3 lần vào ngày 23/2, ngày 26/3 và ngày 12/7/2013. Tuy nhiên, thay vì những cá nhân sai phạm tại Phòng GĐYK phải bị xử lý, thì thật tréo ngoe, chính những người làm sai lại lợi dụng chức vụ, quyền hạn ra quyết định… đuổi việc người chống tiêu cực là chị Oanh. Tháng 10/2011, ông Loát  từng một lần ra thông báo buộc chị Oanh thôi việc trái luật, không đúng trình tự. Sau đó, Sở Y tế đã buộc ông Loát phải rút lại quyết định buộc thôi việc này.

 

Chưa hết, tháng 1/2012, ông Loát ra lệnh miệng, sa thải chị Oanh lần thứ hai. Chị Oanh lại khiếu nại, Phòng GĐYK lại phải khôi phục việc làm lần thứ hai cho chị Oanh. Thế nhưng, chị Oanh vẫn không được yên; vào ngày 9/4/2013, sau khi VTV 9 tôn vinh chị Oanh lần 1 và lần 2 trên truyền hình, lãnh đạo Phòng GĐYK đã họp bàn kế hoạch đuổi việc chị Oanh lần thứ ba.

 

Ngày 24/4/2013, lãnh đạo Phòng GĐYK triệu tập chị Oanh lên để thông báo kết quả bỏ phiếu, thống nhất sa thải chị Oanh… Chị Oanh đã kêu cứu lên Thủ tướng. Ngày 8/5/2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản chỉ đạo UBND tỉnh BP xử lý vụ đuổi việc chị Oanh và báo cáo vụ việc lên Thủ tướng. Sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Phòng GĐYK không dám thực hiện thủ tục sa thải chị Oanh.

 

Tuy nhiên, những ngày đầu tháng 8/2013 vừa qua, Phòng GĐYK lại liên tục yêu cầu chị Oanh họp để quyết tâm sa thải bằng được nữ dược sĩ. Trao đổi với chúng tôi, dược sĩ Trần Thị Kiều Oanh vừa kể lể, vừa khóc với tâm trạng bị khủng hoảng nặng nề: “Hơn ai hết, là những người dám đứng ra chống tiêu cực, phanh phui cái xấu, như 3 đồng nghiệp ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, bản thân tôi cũng đang phải đối mặt với biết bao khốn khổ về tinh thần, thể chất…

 

Sự vô cảm trong xã hội còn rất nhiều, tôi cũng không biết số phận của mình sắp tới ra sao, khi mà họ quyết tâm phải “diệt” bằng được tôi, vì tôi đã dám đối đầu, “phá bĩnh” họ; thậm chí, họ còn thách thức báo chí, công luận, rằng cứ “vinh danh đi, lên báo đi”, tôi sẽ phải trả giá”.

 

Theo Cao Hùng

Lao động