1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sau TPHCM, Đà Nẵng được thí điểm chính quyền đô thị

(Dân trí) - Sáng 21/1, Đoàn công tác Trung ương do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng về đề án chính quyền đô thị tại Đà Nẵng.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết, theo lộ trình quy hoạch được phê duyệt, Đà Nẵng được đầu tư phát triển thành một trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung. Đến năm 2020, dân số khoảng 1,6 triệu người, trong đó dân số đô thị là 1,3 triệu người. Đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành thành phố cấp quốc gia, hiện đại, là đô thị trung tâm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng miền Trung – Tây Nguyên.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và phát triển hiện nay, TP Đà Nẵng đang gặp nhiều khó khăn và nảy sinh nhiều áp lực về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội… Đồng thời, những bất cập của mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương hiện nay đã bộc lộ nhiều hạn chế trong việc đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước tại đô thị trong thời kỳ mới.

Tại TP Đà Nẵng đã và đang có sẵn những tiền đề hết sức quan trọng cho việc hình thành mô hình chính quyền đô thị. Đó là tỷ lệ đô thị hóa cao 87,16% (92% vào năm 2020). Việc thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân quận (huyện), xã (phường) từ năm 2009 đến nay, hoạt động của chính quyền các cấp tại TP Đà Nẵng đang ổn định, thông suốt, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn TP hài lòng với cách thức phục vụ của chính quyền về chất lượng dịch vụ công. TP Đà Nẵng luôn thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu và có chỉ số tốt về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT, chỉ số quản trị hành chính công lập cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính so với toàn quốc. Nhiều mô hình mới, cách làm mới về quản lý đô thị trong điều kiện của TP Đà Nẵng được đánh giá tốt, có hiệu quả quản lý trên thực tế. Đây là tiền đề chứng tỏ bước đi đúng hướng và sẵn sàng cho việc hình thành phương pháp quản lý Nhà nước theo mô hình đô thị, hiện đại.

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc
 
Từ những vấn đề nêu trên, việc xây dựng thí điểm mô hình chính quyền đô thị là yêu cầu của thực tiễn, nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả, hoạt động, phát huy tính tự chủ, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị TP Đà Nẵng.

Theo nội dung đề án, mô hình chính quyền đô thị TP Đà Nẵng được xây dựng gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Từ khi trung ương cho phép TP Đà Nẵng được thí điểm gồm 2 bước. Bước 1: Mô hình chính quyền đô thị TP Đà Nẵng trong điều kiện tình hình hiện nay gồm mô hình 2 cấp chính quyền, 2 cấp hành chính: chính quyền thành phố (cấp chính quyền hoàn chỉnh, có HĐND TP và UBND TP), không có tổ chức đơn vị hành chính quận (huyện), đối với các phường chỉ có quan hành chính (UBND phường), đối với 11 xã có cấp chính quyền hoàn chỉnh (có HĐND và UBND xã). Bước 2: trên cơ sở những tiền đề về xây dựng chính quyền đô thị ở Đà Nẵng, tốc độ đô thị hóa cao, đặc biệt là 11 xã của TP đã và đang đáp ứng cơ bản các tiêu chuẩn của đô thị, TP Đà Nẵng đề xuất trung ương cho phép chuyển các xã thành phường (trên cơ sở thành lập 2 quận mới từ huyện Hòa Vang hiện nay) hoặc cho phép 11 xã này được thực hiện như cơ cấu tổ chức của phường hiện nay nhằm đảm bảo tính chất quản lý đô thị thuần nhất, tránh tình trạng chính quyền đô thị lại gồm nông thôn và tổ chức nhiệm vụ quản lý đô thị trên địa bàn nông thôn.
Như vậy, mô hình chính quyền đô thị TP Đà Nẵng là chính quyền một cấp (chỉ có HĐND TP và UBND TP), 2 cấp hành chính (UBND TP và UBND phường, không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện). Riêng UBND huyện Hoàng Sa vẫn tiếp tục tổ chức như hiện nay nhằm phối hợp chặt chẽ với việc cơ quan chuyên môn TP chuyên trách về công tác biển và hải đảo để tiếp tục duy trì công tác đấu tranh, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. 
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. 

Giai đoạn 2: Sau khi mô hình chính quyền đô thị trong giai đoạn 1 vận hành thông suốt, đề án có đề cập đến mô hình thị trưởng như là bước định hướng cho quá trình nghiên cứu tiếp theo của chính quyền đô thị trong tương lai.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tại Hiến pháp 2013 vừa được sửa đổi ban hành đã đồng ý nước ta có chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Bộ Chính trị đã đồng ý đưa TPHCM và Đà Nẵng là hai địa phương thí điểm về chính quyền đô thị. Đây là hai đơn vị hành chính của nước ta được áp dụng thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân các quận (huyện) về phường. Việc thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân quận (huyện), phường của hai TP Đà Nẵng và TPHCM cũng đã đạt được kết quả tốt đẹp.
Theo lịch công tác, ngày 13/3 tới, Bộ Chính trị sẽ nghe thông qua đề án chính quyền đô thị của TPCHM và Đà Nẵng. “Tôi được Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ phân công phân công chỉ đạo, triển khai, nghe trước hai đề án này. Vấn đề thí điểm chính quyền đô thị là vấn đề mới. Tôi cũng được phân công nhiều đề án nhưng đây là một đề án rất khó, mô hình mới, cách làm mới, suy nghĩ mới. Vì vậy, sự đóng góp ý kiến của các đồng chí phải mang màu sắc mới chứ không phải áp dụng máy móc những vấn đề pháp luật hiện hành”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Khánh Hồng