1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Đà Nẵng:

Chính quyền đô thị sẽ phục vụ người dân tốt hơn

(Dân trí) - “Tôi nghĩ việc hình thành mô hình chính quyền đô thị nhằm hai mục đích chính: Chính quyền địa phương phục vụ người dân đô thị tốt hơn, thuận tiện hơn và hiệu lực quản lý, điều hành xã hội tốt hơn, thống nhất và tập trung hơn”.

Đó là phát biểu của ông Bùi Văn Tiếng - Trưởng Ban tổ chức Thành ủy Đà Nẵng – tại hội thảo lấy ý kiến của các ban ngành địa phương về đề án tổ chức chính quyền đô thị TP Đà Nẵng ngày 12/9.

Theo ông Tiếng, với hai mục đích căn bản đó thì yêu cầu đầu tiên của mô hình chính quyền đô thị là giảm tầng nấc trung gian. Vì thế vấn đề đặt ra là nên chăng mô hình chính quyền đô thị chỉ có hai cấp: Cấp tỉnh và cấp cơ sở.

Chính quyền đô thị sẽ phục vụ người dân tốt hơn
UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội thảo lấy ý kiến các ban ngành xây dựng đề án chính quyền đô thị ngày 12/9

“Với tư cách một người đã có 5 năm đứng đầu hệ thống chính trị một quận, làm Bí thư quận ủy, hiểu rõ quyền lực của mình đến đâu, được phân quyền quyết định cái gì và không được phân quyền quyết định cái gì. Tôi thấy một mô hình chính quyền đô thị ở Đà Nẵng chỉ có hai cấp là khả thi”, ông Bùi Văn Tiếng phát biểu.

Tại hội thảo, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng – ông Đặng Công Ngữ đưa ra 7 khác biệt giữa đô thị và nông thôn là: Vị trí địa lý và điều kiện kinh tế xã hội, quản lý lãnh thổ, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, hạ tầng kỹ thuật, an ninh trật tự và quản lý hành chính.

Trong đó, quản lý hành chính của nông thôn thì ít phức tạp, chi phối bởi tính làng xã, hương ước, văn hóa tộc họ… Còn quản lý hành chính đô thị thì nội dung và phạm vi quản lý phức tạp; yêu cầu cao về chất lượng dịch vụ được cung cấp bởi nhà nước; yêu cầy xây dựng và áp dụng các chế định cao; phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền Trung ương và chính quyền đô thị, bộ máy quản lý đô thị chuyên nghiệp; ngoài ra sự tham gia của người dân vào quá trình quản lý đô thị ngày càng lớn…

Theo ông Đặng Công Ngữ, tính chất của chính quyền đô thị dù lớn hay nhỏ đều chỉ là một đơn vị hành chính, lãnh thổ thống nhất; tổ chức chính quyền đô thị phải đảm bảo tính thống nhất và liên thông trên địa bàn về quy hoạch đô thị, hạ tầng kỹ thuật, xã hội, đất đai, nhà ở, an ninh trật tự…

Bên cạnh đó, việc quản lý các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống nhân dân ở đô thị chỉ có thể thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ, nhanh nhạy khi có sự quản lý, điều hành bởi các chủ thể tạo ra được một sự liên kết phối hợp và tập trung, không lệ thuộc vào điều kiện sống, địa lý, lãnh thổ họ tộc…Đặc biệt, quản lý đô thị phải đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, sự phát triển kinh tế xã hội của đô thị.

Kinh nghiệm tổ chức chính quyền đô thị trên thế giới cho thấy, chính quyền đô thị tại các thành phố là cấp chính quyền hoàn chỉnh gồm cơ quan đại diện nhân dân và cơ quan hành chính tại thành phố. Cơ quan này quyết định phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, phê chuẩn ngân sách, có thể quyết định về tổ chức, nhân sự của bộ máy cơ quan hành chính…

Ngoài ra, chính quyền đô thị đều áp dụng chế độ thủ trưởng hành chính với các chức danh thống đốc, thị trưởng, quận trưởng, trưởng thị trấn tương ứng với từng cấp hành chính. Và mọi hoạt động của người đứng đầu cơ quan hành chính và bộ máy giúp việc đều đặt dưới sự giám sát của cơ quan đại diện nhân dân và cơ quan hành chính cấp trên.

Chính quyền đô thị sẽ phục vụ người dân tốt hơn
Theo đề án, chính quyền đô thị sẽ phục vụ người dân tốt hơn. Trong ảnh, người dân huyện Hòa Vang đến cơ quan công an làm CMND

Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cũng đưa ra những hạn chế về mặt quy định tổ chức và cơ chế hoạt động của chính quyền đô thị hiện hành; đó là đồng nhất giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Mô hình tổ chức bộ máy cơ quan chính quyền hầu như giống nhau ở tất cả các cấp chính quyền gồm HĐND và UBND; bộ máy quản lý nhà nước cồng kềnh, chưa phát huy hết chức năng, nhiệm vụ, hoạt động chưa đạt hiệu quả. Sự phối hợp giữa các ngành và địa phương chưa đồng bộ, thiếu cơ chế trách nhiệm, cơ chế phối hợp trên nhiều lĩnh vực.

Tại hội nghị, ông Đặng Công Ngữ đã đưa ra cơ sở để TP Đà Nẵng xây dựng đề án chính quyền đô thị là kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Khóa XI “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”. Công văn số 5463-CV/VPTW ngày 26/4/2013 của Văn phòng Trung ương về việc chuẩn bị một số nội dung báo cáo Trung ương (trong đó có nêu rõ về việc đồng ý tiến hành thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng). Công văn số 1453/VPCP-TCCV ngày 24/7/2013 của Văn phòng Chính phủ về việc thí điểm chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng.

Ông Đặng Công Ngữ - Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng - cũng đề ra mục tiêu là đổi mới tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của chính quyền đô thị hướng tới việc xây dựng bộ máy và cơ chế hoạt động của chính quyền phù hợp với đặc điểm, tính chất của đô thị nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng nâng cao, đa dạng của người dân góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

“Mô hình chính quyền đô thị hình thành bộ máy quản lý hành chính chuyên nghiệp, đội ngũ công chức mẫn cán với công vụ, hình thành bộ máy hành chính mang tính chất phục vụ cho lợi ích của người dân, doanh nghiệp”, ông Đặng Công Ngữ phát biểu.

Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm