TPHCM:
Chính quyền đô thị cần phát huy trách nhiệm của thành phố với cả nước
(Dân trí) - Ngày 17/2, tại TPHCM đã diễn ra hội nghị cho ý kiến dự thảo Đề án thí điểm chính quyền đô thị TPHCM dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải.
Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, quá trình quản lý, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của thành phố còn bộc lộ nhiều bất cập. Ngoài nguyên nhân chủ quan do lãnh đạo, điều hành của thành phố, còn có nguyên nhân do cơ chế, chính sách chưa được ban hành đồng bộ, làm hạn chế tính năng động, sáng tạo, chưa phát huy hết tiềm năng.
Do đó, để giải quyết các vấn đề lớn của đô thị đặc biệt như TPHCM, phát huy cao nhất vai trò, vị trí của thành phố đối với vùng và cả nước, nhu cầu nghiên cứu, xây dựng chính quyền đô thị thích hợp được đặt ra nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố, đồng thời đóng góp kinh nghiệm thực tiễn cho quá trình đổi mới nền hành chính của nước ta.
Đề án chính quyền đô thị TPHCM là một hình thức của chính quyền địa phương tại một đô thị đặc biệt, được tổ chức phù hợp với đặc điểm phát triển không đều, theo tính chất, yêu cầu quản lý của từng địa bàn.
Mục tiêu xây dựng chính quyền đô thị là nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phù hợp với tính chất đô thị đặc biệt và điều kiện vận hành của cơ chế thị trường. Qua đó nâng cao tự chủ, tự chịu trách nhiệm của từng cấp chính quyền, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Việc thực hiện thí điểm chính quyền đô thị sẽ tái cấu trúc lại bộ máy quản lý theo ngành và theo lãnh thổ, nâng cao hơn nữa vai trò của HĐND và các tổ chức chính trị xã hội, thúc đẩy năng lực phục vụ nhân dân tốt hơn với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm của quản trị đô thị.
Với Đề án này, bộ máy Chính quyền đô thị TPHCM vẫn được tổ chức thành hai cấp hoàn chỉnh gồm cấp thành phố và 4 thành phố vệ tinh trực thuộc TPHCM, có nhiều đô thị bên trong một đô thị theo hướng tăng tính tự quản và tự chịu trách nhiệm.
Trong quá trình thực hiện đề án, TPHCM kiến nghị Trung ương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa cho thành phố trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền trên các lĩnh vực như ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức nhân sự, quản lý tài chính công, quy hoạch, kế hoạch và đầu tư, xử lý vi phạm hành chính, cơ chế uỷ quyền trong chính quyền đô thị thành phố.
Mặt khác, do TPHCM không tổ chức HĐND ở một số quận nên kiến nghị Trung ương cho phép tăng số lượng Đại biểu HĐND thành phố từ 95 lên 200 người, trong đó, khoảng 35% là đại biểu chuyên trách.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thực hiện thí điểm chính quyền đô thị là vấn đề rất mới ở nước ta nhưng quá trình chuẩn bị đề án của TPHCM hết sức công phu, trách nhiệm.
Phó Thủ tướng yêu cầu Đề án thí điểm chính quyền đô thị của TPHCM cần làm rõ hơn các cơ chế, chính sách trong việc phát huy trách nhiệm của thành phố với cả nước, xây dựng cơ chế thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ cho thành phố và hiệu quả, lợi ích đối với người dân thành phố trong quá trình thực hiện thí điểm.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sau hội nghị này, tập thể Ban cán sự Đảng Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì sẽ nghe trình bày, cho ý kiến về đề án, đồng thời sẽ báo cáo Bộ Chính trị xem xét tại phiên họp ngày 13/3 trước khi đề án được trình ra Quốc hội.
Công Quang