1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chính quyền đô thị ở TPHCM để chống kiểu quản lý “cắt khúc”

(Dân trí) - Hội thảo tổ chức chính quyền đô thị tại Việt Nam do Bộ Nội vụ, UBND TPHCM, báo Nhân dân phối hợp tổ chức ngày 13/9 ghi nhận nhiều ý kiến gợi ý cho mô hình thí điểm đã được Bộ Chính trị chấp nhận cho tổ chức tại Đà Nẵng, TPHCM…

Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nêu vấn đề, sau hơn 25 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam đã và đang diễn ra nhanh chóng dẫn đến có nhiều khác biệt về hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng giữa đô thị và nông thôn. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành, mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay về cơ bản giống nhau, đều tổ chức 3 cấp chính quyền (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) và vẫn dựa trên cách thức quản lý của chính quyền nông thôn.

Chính quyền ở địa bàn đô thị cũng tổ chức cấp hành chính và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn như chính quyền nông thôn cùng cấp, đồng thời có thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn quản lý trên địa bàn đô thị dẫn đến nhiều vấn đề cấp thiết của đô thị như quy hoạch, kiến trúc, xây dựng hạ tầng đô thị, xử lý ô nhiễm môi trường, chống ùn tắc giao thông, quản lý dân cư và trật tự an toàn xã hội chưa được giải quyết kịp thời và cũng chưa phù hợp với nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành và quản lý theo lãnh thổ, trong đó đô thị do kết cấu hạ tầng thống nhất đòi hỏi phải quản lý theo ngành là chủ yếu, khác với nông thôn quản lý theo lãnh thổ là chủ yếu.
 
Chính quyền đô thị ở TPHCM để chống kiểu quản lý “cắt khúc”
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân: "Mô hình chính quyền đô thị chỉ phát huy hiệu quả nếu được tăng cường và nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm". 
 
Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho biết Bộ Nội vụ đã trình Bộ Chính trị đề án thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và được chấp nhận cho thí điểm ở TPHCM và Đà Nẵng. Mô hình thí điểm không có chức danh thị trưởng thành phố.

Ông Thăng chỉ ra điểm vướng, chưa phù hợp với Việt Nam của mô hình thị trưởng do dân bầu. Khi đó, HĐND có quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm với thị trưởng và thị trưởng lại có quyền giải tán HĐND nếu kết quả bỏ phiếu không thể hiện sự bất tín nhiệm.

Mô hình chính quyền đô thị áp dụng sẽ không tổ chức HĐND quận, phường. Chính quyền thành phố trực thuộc TƯ, ở khu vực nội thành chỉ có HĐND cấp thành phố. Khu vực nội thành của thành phố trực thuộc tỉnh cũng chỉ tổ chức HĐND thành phố mà không có HĐND phường. Khi đó, UBND cấp huyện, quận, phường chỉ là cơ quan đại diện hành chính của cơ quan hành chính cấp trên đặc tại địa bàn.

Nhận định việc tổ chức lại chính quyền đô thị ở nước ta, đặc biệt là với đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 và 2 là vấn đề lớn, GS.TS Vũ Thư chỉ rõ bất cập hiện nay khi tổ chức chính quyền đô thị đang chung một kiểu với chính quyền nông thôn. Tổ chức bộ máy trong các đô thị Việt Nam cũng đang có khoảng cách xa với đặc điểm trong tổ chức chính quyền đô thị ở các nước.

Đề án chính quyền đô thị TPHCM tạm gọi là mô hình “thành phố trong thành phố”, theo GS Vũ Thư, tuy vẫn còn phải được bàn tính và có những ý kiến khác nhau, nhưng có thể khẳng định là đúng hướng cần cải cách. Trước hết, mô hình nhằm khắc phục tình trạng quản lý cắt khúc, thể hiện được tinh thần tại một đô thị, vấn đề chủ yếu là quản lý hành chính hiệu quả chứ không phải là có nhiều cấp chính quyền để mỗi cấp người dân nhất định phải có cơ quan đại diện (HĐND) một cách hình thức.

Chủ tịch UBND TPHCM làm rõ thêm những đặc trưng của chính quyền đô thị áp dụng tại thành phố lớn nhất cả nước này. Cụ thể, sau khi thực hiện thí điểm việc không tổ chức HDND quận, huyện, phường trên toàn thành phố từ năm 2009 đến nay, kết quả sơ kết cho thấy việc này phù hợp yêu cầu, nguyện vọng của đa số các tầng lớp nhân dân, đáp ứng được yêu cầu khách quan về đổi mới công tác tổ chức quản lý hành chính Nhà nước đối với một đô thị đặc biệt.

“Mô hình chính quyền đô thị chỉ phát huy hiệu quả khi cơ chế phân cấp và ủy quyền được đổi mới và thực hiện triệt để theo hướng tăng cường và nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi thẩm quyền, nhiệm vụ được giao. Do đó, TPHCM kiến nghị phân cấp cho thành phố thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tăng thẩm quyền tự chủ về ngân sách, tài chính công và tổ chức bộ máy, nhân sự” – ông Quân nêu quan điểm.

Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố xác định, đến thời điểm này, điều kiện đã chín muồi để triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo hướng tổ chức chính quyền địa phương với cơ quan đại diện của nhân dân có quyền hạn và trách nhiệm tương đương với quyền làm chủ của nhân dân, có cơ chế tự chủ và trách nhiệm cao hơn.

Trong khi chờ sửa đổi Hiến pháp 1992, ông Quân kiến nghị QH cho phép TPHCM thực hiện đề án thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị bằng 1 Nghị quyết cụ thể trong kỳ họp cuối năm nay để có thêm thêm cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị.

Về mặt nguyên lý, PGS.TS. Vũ Hồng Anh (Viện Nghiên cứu lập pháp) chỉ rõ, trong điều kiện hiện nay, khi mô hình tổ chức đơn vị hành chính ở đô thị còn chưa đạt được sự thống nhất, để bảo đảm cho những quy định của Hiến pháp 1992 sửa đổi không trở thành rào cản đối với việc cải cách tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, thì Dự thảo Hiến pháp sửa đổi chỉ nên quy định về đơn vị hành chính tỉnh và thành phố trực thuộc TƯ, còn đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ nên để mở cho luật quy định.

Ngoài ra, TS Vũ Hồng Anh lưu ý, cần bảo đảm thống nhất nguyên tắc chung chính quyền ở cấp nào cũng cần phải có đồng thời cơ quan đại diện và cơ quan hành chính. Trong đó, cơ quan đại diện phải được thành lập bằng con đường bầu cử; khuyến khích sự đa dạng hóa phương pháp thành lập cơ quan hành chính. Người đứng đầu cơ quan hành chính có thể do người dân trực tiếp bầu, do cơ quan đại diện thành lập hoặc do bổ nhiệm.

P.Thảo