1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Sau cầu Long Kiểng còn hơn 10 dự án kết nối giao thông phía Nam TPHCM

Tâm Linh

(Dân trí) - Bên cạnh cầu Long Kiểng được chính thức thông xe ngày 8/9, Chủ tịch HĐND TPHCM yêu cầu thành phố tiếp tục tập trung đầu tư và triển khai hàng loạt dự án giao thông kết nối khu vực phía Nam.

Sáng 8/9, cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè) chính thức thông xe sau 23 năm  kể từ ngày được phê duyệt, giúp tăng kết nối giao thông cho phía Nam thành phố.

Trước lễ thông xe, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đã có mặt từ sớm, đến thăm hỏi các hộ dân đã nhường đất xây cầu. Tại đây, lãnh đạo thành phố đã trao quà cảm ơn đại diện hàng chục hộ dân và các đơn vị tham gia công trình.

Sau cầu Long Kiểng còn hơn 10 dự án kết nối giao thông phía Nam TPHCM - 1

Từ phải qua trái, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm và Giám đốc Ban Giao thông Lương Minh Phúc thực hiện nghi thức thông xe cầu Long Kiểng sáng 8/9 (Ảnh: Tâm Linh).

Bà Nguyễn Thị Lệ cho biết, nếu xét về quy mô xây lắp và giải phóng mặt bằng (GPMB) thì dự án cầu Long Kiểng không lớn.

Song, đây là dự án đặc biệt, vì thời gian thực hiện dự án bị kéo dài gần 23 năm (28/5/2001-8/9/2023). Trong đó, tận 20 năm chỉ dành cho công tác bồi thường GPMB, điều chỉnh dự án, cân đối vốn... cần sự huy động của cả hệ thống chính trị, sở ban ngành, chính quyền địa phương và rất nhiều người dân.

Đã có hơn 30 cuộc họp giữa lãnh đạo thành phố, HĐND, các sở ngành, chủ đầu tư với địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Riêng đồng chí Lệ đã 4 lần trực tiếp kiểm tra, giám sát, thăm hỏi người dân và động viên chủ đầu tư, các đơn vị thi công trong quá trình triển khai dự án.

"Xin hãy xem việc hoàn thành và thông xe cầu Long Kiểng hôm nay như một món quà kính dâng tặng người dân huyện Nhà Bè và thành phố, cũng là một lời tri ân đến quý bà con đã hy sinh một phần lợi ích riêng, rời nơi ở cũ, nhường mặt bằng để triển khai và hoàn thành cầu Long Kiểng hôm nay", Chủ tịch HĐND TP phát biểu.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông - chủ đầu tư dự án), bày tỏ sự phấn khởi khi cầu Long kiểng đã hoàn thành sớm hơn 3 tháng so với thời gian dự kiến, kể từ khi nhận bàn giao 100% mặt bằng.

Sau cầu Long Kiểng còn hơn 10 dự án kết nối giao thông phía Nam TPHCM - 2

Những người dân đầu tiên băng qua cầu Long Kiểng mới sáng 8/9 (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Để phát huy cao nhất hiệu quả của công trình, Chủ tịch HĐND TP đề nghị UBND TP, Sở Giao thông Vận tải, Ban Giao thông và các đơn vị liên quan phối hợp triển khai tốt công tác tổ chức giao thông, duy tu bảo dưỡng, quản lý khai thác cầu Long Kiểng và tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án trong khu vực, đặc biệt là 3 cây cầu còn lại trên tuyến đường Lê Văn Lương (Rạch Đỉa, Rạch Tôm, Rạch Dơi).

Ông Lương Minh Phúc cũng khẳng định, sau khi thông xe cầu Long Kiểng hôm nay, Ban Giao thông cam kết quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành trong thời gian sớm nhất để đưa vào khai thác, phục vụ người dân các công trình giao thông khác dọc trục giao thông kết nối huyện Nhà Bè.

Trong đó, cầu Rạch Đỉa đã được khởi công hồi tháng 8 vừa qua với tổng vốn hơn 500 tỷ đồng, đang được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành cuối năm 2024. Đồng thời, cùng trên đường Lê Văn Lương, thành phố cũng sẽ sớm bố trí vốn để xây cầu Rạch Tôm, Rạch Dơi thay thế cho các cây cầu sắt chật hẹp đã xuống cấp.

Để hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông khu vực cửa ngõ phía Nam, bên cạnh cầu Long Kiểng, Chủ tịch HĐND TP còn nhấn mạnh lưu ý đến các dự án là cầu Phước Long, hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, cầu đường Nguyễn Khoái, cầu đường Bình Tiên, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ, đường 15B, các nút giao kết nối quốc lộ 50, đường Nguyễn Văn Tạo và cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Sau cầu Long Kiểng còn hơn 10 dự án kết nối giao thông phía Nam TPHCM - 3

Vị trí cầu Long Kiểng trên tuyến đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè. (Đồ họa: Ngà Trịnh).

Cầu Long Kiểng mới có chiều dài 318m, rộng 15m gấp 5 lần cầu cũ; phần đường dẫn có tổng chiều dài 661m, chiều rộng 18-29m, cùng hệ thống thoát nước, cây xanh, chiếu sáng... với vốn đầu tư 589 tỷ đồng.

Công trình do Ban Giao thông làm chủ đầu tư và được thi công bởi 3 nhà thầu: Công ty CP Cầu 7 Thăng Long, Tổng công ty Cơ khí xây dựng Thăng Long, Công ty TNHH TMDV TC xây dựng cầu đường Hồng An.