Quảng Nam:

Sau bão dữ, người dân lại lo chạy lũ vì nước sông Vu Gia dâng rất nhanh

Công Bính

(Dân trí) - Từ chiều đến tối nay 28/10, nước sông Vu Gia tại huyện Đại Lộc “lớn như thổi”, nhiều người dân vừa dọn tránh bão lại phải dọn chạy lũ.

Ông Nguyễn Công Hoan, nhà ở xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc thông tin: Từ chiều đến tối nay (28/10), nước sông Vu Gia đoạn qua huyện Đại Lộc nước sông dâng rất nhanh, mỗi giờ dâng cao hơn 10cm.

Sau bão dữ, người dân lại lo chạy lũ vì nước sông Vu Gia dâng rất nhanh - 1
Sau bão dữ, người dân lại lo chạy lũ vì nước sông Vu Gia dâng rất nhanh - 2

Nước lũ dâng trong đêm ở vùng rốn lũ Đại Lộc

“Không những nước lớn nhanh mà nó còn chảy rất xiết nữa. Dân vừa khổ khi cơn bão dữ mới quét qua, nay lại phải chạy lụt rồi, thương dân mình quá”, ông Hoan ta thán.

Đồng tình với ông Hoan, nhiều người dân ở vùng rốn lũ huyện Đại Lộc, khi  nghe PV  liên lạc qua điện thoại, cũng cho biết: Nước lũ trên sông Vu Gia đang lớn rất nhanh, từ chiều ngày 28/10, khi vừa dứt bão cơn bão dữ.

Sau bão dữ, người dân lại lo chạy lũ vì nước sông Vu Gia dâng rất nhanh - 3

Điện cúp, người dân phải chạy máy phát điện

Sau bão dữ, người dân lại lo chạy lũ vì nước sông Vu Gia dâng rất nhanh - 4

Nước ngoài đường ĐT609 qua huyện Đại Lộc ngập lút

Thông tin về lũ lớn về nhanh nhiều người dân sống ở vùng rốn lũ huyện Đại Lộc nhận được rất ít vì điện không có, wifi hay 4G hoặc sóng điện thoại chập chờn. Không có phương tiện liên lạc nên người dân không biết nguyên nhân lũ lớn là gì, trong khi mưa do bão trên địa bàn huyện không lớn.

Khi nhận được thông tin, người dân mới biết được là do thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ với khối lượng khổng lồ, có thể xả đến 11.400m3/s.  Sau đó, người dân ở vùng rốn lũ huyện Đại Lộc mới tất tả chạy lũ.

Sau bão dữ, người dân lại lo chạy lũ vì nước sông Vu Gia dâng rất nhanh - 5

Nước dâng cao và chảy xiết qua vùng Đại Lộc, Quảng Nam tối 28/10

“Bão vừa tan thì nước cũng bất ngờ lớn nhanh như có ai thổi. Rồi điện bị cúp nguyên ngày, sóng điện thoại thì chập chờn cho tới khi mất hẳn”, chị B. L. – một người dân sống ở thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc than thở.

“Tại sao ông thủy điện lại cứ hay đi xả lũ lúc ban đêm? Với khối lượng nước lớn như vậy mà nói chỉ là hình thức xả đón lũ? Xả đón lũ có cần phải xả nhiều như thế, trong khi các ông thủy điện khác lại không xả? Với lượng nước mưa như thế nào thì ông Đăk Mi 4 mới phải xả tới mức đó, ai tính giùm? Chuyện gì đang xảy ra?” - Chị B.L lo lắng.

Ghi nhận thực tế, đến khoảng 21h30 tối 28/10, nước lũ trên sông Vu Gia đã đạt mức báo động 3, nhiều tuyến đường lớn qua huyện Đại Lộc lại bị ngập sâu. Tuyến đường ĐT609 và ĐT609B chạy qua huyện bị ngập nửa mét, có đoạn ngập gần 1m.

Theo bản tin phát lúc 21h30 ngày 28/10 của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam, hiện mực nước trên sông Vu Gia - Thu Bồn, Tam Kỳ đang lên. Mực nước lúc 21h ngày 28/10/2020 như sau: Trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 9.26m, trên báo động III: 0.26m; trên sông Thu Bồn tại Giao Thủy là 6.95m, trên báo động I: 0.45m; Câu Lâu là 2.59m, dưới báo động II: 0.41m; tại Hội An là 1.53m, trên báo động II: 0.03m; trên sông Tam Kỳ tại Tam Kỳ là 1.05m, dưới báo động I: 0.65m.

Dự báo trong 6-12 giờ tới, lũ trên sông Vu Gia – Thu Bồn tiếp tục lên và đạt đỉnh sau đó xuống chậm; trên sông Tam Kỳ dao động ở mức dưới báo động I.

Mực nước lũ trên các sông có khả năng như sau: Trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa đạt đỉnh 9.80m, trên mức báo động III là 0.80m; trên sông Thu Bồn tại Giao Thủy lên 8.00 ở mức báo động II; tại Câu Lâu 3.90m, dưới báo động III là 0.10m; tại Hội An ở mức 1.90m, dưới mức báo động III là 0.10m; trên sông Tam Kỳ dao động ở mức dưới báo động I.

Cảnh báo nguy cơ rất cao gây ngập lụt sâu, diện rộng vùng trũng thấp và sạt lở tại các huyện Nam Giang, Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn, thành phố Hội An.