1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Sắp hết cảnh đi lại "miễn phí" trên cao tốc đầu tư công?

Ngọc Tân

(Dân trí) - Việc áp phí sử dụng đường cao tốc được Bộ GTVT lý giải do các chủ phương tiện đã hưởng nhiều lợi ích nhờ tiết kiệm được nhiên liệu và thời gian lưu thông.

Bộ GTVT vừa có Tờ trình gửi Chính phủ về việc đề xuất Quốc hội thông qua chủ trương thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư. 

Với tờ trình này, người dân sẽ tiến gần hơn một bước đến thời điểm phải trả phí khi lưu thông trên các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư (các cao tốc này hiện không thu phí).

Sắp hết thời đi cao tốc "miễn phí"

Thời gian qua, Bộ GTVT đã hoàn thiện và đưa vào khai thác một số tuyến cao tốc đầu tư bằng vốn Nhà nước. Đơn cử như các tuyến Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo, Cam Lộ - La Sơn...

Do chưa có chính sách thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, hệ thống trạm thu phí trên các cao tốc mới này đều chưa vận hành, người dân đi lại miễn phí.

Sắp hết cảnh đi lại miễn phí trên cao tốc đầu tư công? - 1

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước, đang tạm thời chưa thu phí (Ảnh: Phước Tuần).

Tuy nhiên, trải nghiệm "miễn phí" này sẽ kết thúc do Bộ GTVT đang kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Cơ chế thu sẽ thực hiện theo cơ chế phí (Bổ sung khoản phí mới là "Phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư" vào danh mục phí, lệ phí).

Theo Bộ GTVT, số tiền phí thu được sẽ nộp ngân sách Nhà nước và sử dụng theo quy định về ngân sách, trong đó ưu tiên sử dụng cho đầu tư, quản lý, bảo trì đường bộ, hỗ trợ các dự án đường bộ theo hình thức BOT trong trường hợp bị ảnh hưởng bởi phân lưu khi các tuyến cao tốc đưa vào khai thác.

Trường hợp cao tốc được đầu tư bằng cả ngân sách trung ương và địa phương, số tiền phí sẽ được nộp vào từng loại ngân sách theo tỷ lệ nguồn vốn đầu tư tương ứng.

Khi cơ chế thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư được ban hành, Bộ GTVT cũng dự kiến thu phí trở lại với tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương. Trước đó, tuyến này ngừng thu phí từ năm 2019 do hết thời hạn hợp đồng bán quyền thu phí. 

Căn cứ nào để áp phí với cao tốc đầu tư công?

Theo Bộ GTVT, việc áp dụng thu phí với các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư dựa vào 3 lý do: người dân tiết kiệm được nhiều chi phí khi sử dụng cao tốc; đem lại nguồn tiền để hiện thực mục tiêu 5.000km đường cao tốc; cân đối lưu thông giữa cao tốc và quốc lộ song hành.

Sắp hết cảnh đi lại miễn phí trên cao tốc đầu tư công? - 2

Ở góc độ lợi ích cho người dân, Bộ GTVT ước tính việc di chuyển trên đường cao tốc sẽ giúp giảm thời gian vận chuyển lên tới 60% và giảm chi phí khai thác so với lưu thông trên quốc lộ.

Theo tính toán trên 3 tuyến đường cao tốc đang vận hành là Cầu Giẽ - Ninh Bình, TPHCM - Trung Lương và TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, kết quả so sánh với quốc lộ song hành cho thấy phương tiện lưu thông trên cao tốc được lợi bình quân khoảng 5.265 đồng/km, trong đó 25% từ tiết kiệm chi phí vận hành phương tiện và 75% từ tiết kiệm thời gian hàng hóa và hành khách trên đường.

Loại phương tiện thu được lợi ích lớn nhất là xe khách từ 30 ghế trở lên với ước tính 12.348 đồng/km, phương tiện thu được lợi ích thấp nhất là xe tải dưới 2 tấn với 1.974 đồng/km. Xe con tiêu chuẩn (PCU) được lợi khoảng 2.868 đồng/km.

Sắp hết cảnh đi lại miễn phí trên cao tốc đầu tư công? - 3

Ước tính lợi ích mang lại khi lưu thông trên đường cao tốc so với quốc lộ song hành (đơn vị: đồng/km) (Nguồn: Bộ GTVT).

"Với lợi ích đó, một số tuyến cao tốc do doanh nghiệp đầu tư đang thu tiền dịch vụ theo cơ chế giá được dư luận và người dân đồng tình", báo cáo của Bộ GTVT nêu rõ.

Ở góc độ góp vốn đầu tư cao tốc, Bộ GTVT đánh giá để thực hiện mục tiêu 5.000km cao tốc, theo ước tính ban đầu đến năm 2030 cần khoảng 813.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 393.000 tỷ đồng để hoàn thành 2.043km và khởi công 925km.

Cụ thể, 916km cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 sẽ cần khoảng 61.000 tỷ đồng ngân sách. 1.127km cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 sẽ cần khoảng 211.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước ước tính khoảng 105.500 tỷ đồng. Khoảng 121.000 tỷ đồng để khởi công 925km giai đoạn 2021-2025 và hoàn thành giai đoạn 2026-2030 (trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước khoảng 73.000 tỷ đồng).

"Nhu cầu ngân sách Nhà nước cho đầu tư xây dựng cao tốc mới là rất lớn. Do đó, xây dựng chính sách để ngân sách Nhà nước có nguồn dành cho đầu tư phát triển cao tốc là cần thiết", Tờ trình của Bộ GTVT khẳng định. 

Lý do thứ 3 được Bộ GTVT đưa ra là để hạn chế quá tải cao tốc, cân đối lưu lượng giữa cao tốc và quốc lộ song hành.

"Trường hợp không thu phí, người điều khiển phương tiện sẽ có xu hướng tập trung di chuyển trên cao tốc. Điều này dẫn đến lưu lượng tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cao, làm giảm vận tốc trung bình lưu thông trên cao tốc", Bộ GTVT nêu trong tờ trình.

Theo đó, Bộ GTVT coi thu phí sử dụng cao tốc là công cụ, giải pháp để quản lý,  cân bằng lưu lượng xe, giúp tăng cường hiệu quả khai thác của đường cao tốc.

Thời gian qua, Quốc hội đã thống nhất chủ trương dành nguồn ngân sách Nhà nước để đầu tư một số dự án cao tốc.

Trong điều kiện nguồn ngân sách còn hạn chế, Quốc hội đã yêu cầu nghiên cứu thu hồi nguồn vốn đã đầu tư.

Bộ GTVT đánh giá việc nghiên cứu xây dựng và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư là cần thiết nhằm thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm