1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sao lại gọi là cầu Nhật Tân?

Dự án Cầu Nhật Tân với thiết kế dây văng nhiều nhịp, được biết đến là một trong những cây cầu hiện đại bậc nhất trong khu vực đang được xây dựng tại địa phận phường Phú Thượng, quận Tây Hồ; điểm cuối giao với quốc lộ 3 (xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh) - Hà Nội.

Song, điều mà dư luận quan tâm nhiều năm qua là tại sao được gọi là dự án cầu Nhật Tân (phường chỉ nằm giáp ranh với phường Phú Thượng) mà không được gọi là cầu Phú Thượng, cầu Đông Anh hay một tên gọi khác?

 

Xét về vị trí xây dựng, cũng như việc chọn tên cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì cùng nằm trên địa giới phường, huyện tương ứng thì cầu Nhật Tân tọa lạc phía bờ Nam nằm trên địa bàn phường Phú Thượng (cũng là vùng trồng đào và thổi xôi nếp nổi tiếng) và bờ Bắc là địa phận huyện Đông Anh. Vậy lý do nào phường Nhật Tân “không liên quan” cho lắm với dự án lại được chọn lựa thành tên cầu.

 

Sao lại gọi là cầu Nhật Tân?

Cầu Nhật Tân có điểm đầu tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ; điểm cuối giao với quốc lộ 3 tại km 7+100, huyện Đông Anh.

 

Qua tìm hiểu thời gian gần đây, chính quyền và nhân dân phường Phú Thượng đã từng nhiều lần gửi kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền để trình bày về việc nên thay đổi tên dự án cho phù hợp với thực tế. Có ý kiến cho rằng, thời kỳ khảo sát dự án cách đây hơn 10 năm, vùng đất Nhật Tân được nhiều người biết đến là vùng trồng đào nổi tiếng, vì vậy địa danh này được gắn luôn cho dự án là phù hợp, dễ nhận biết?

 

Phóng viên Petrotimes đã tham khảo ý kiến người dân tại khu vực cụm 6,7 phường Phú Thường, gần nơi công trường đang thi công.

 

Ông Công Văn Toàn, một người dân ở đây giải thích tên dự án cầu Nhật Tân ông đã được nghe cách đây đã trên 15 năm. Ông Toàn cho biết thêm, trước khi thành lập quận Tây Hồ (1995) xã Phú Thượng thuộc địa giới huyện Từ Liêm, gồm 3 làng chính Thượng Thụy, Phú Gia Và Phú Xá (có tên nôm lần lượt là làng Bạc, làng Gạ và làng Sù) còn khá xa lạ với nhiều người.

 

Trong khi đó, Nhật Tân là địa danh được nhiều người biết đến đã lâu là nơi cung ứng đào Tết chủ yếu cho Hà Nội, có người còn nói vui, Nhật Tân còn nổi tiếng một thời có món đặc sản thịt chó. Một thời gian sau Nhật Tân và Phú Thượng trở thành 2 phường của quận Tây Hồ, nhiều dự án cũng bước đầu được triển khai trong đó có một dự án lớn xây dựng cầu do chính phủ Nhật hỗ trợ các cán bộ khảo sát nhắc đến việc xây dựng một cây cầu ở vùng Nhật Tân mà không ai nhắc tới Phú Thượng cả.

 

“Dần dần dự án được chính phủ Việt Nam phê duyệt với tên gọi là cầu Nhật Tân, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị nên thay đổi lại tên gọi dự án này nhưng chưa có cơ quan chức năng nào trả lời được. Chúng tôi đã nhường đất ở để nhà nước thuận lợi cho việc triển khai dự án, hy vọng khi cầu đi vào hoạt động sẽ mang tên gọi mới. Cầu Phú Thượng thì sao nhỉ, cũng tự hào lắm chứ!”, ông Toàn vui vẻ nói.

 

Ông Nguyễn Văn Bình Lâm, Phó Chủ tịch UBND Phường Phú Thượng cho biết, nhân dân phường Phú Thượng rất tự hào khi một dự án tầm cỡ khu vực được xây dựng trên địa bàn rất phù hợp kế hoạch phát triển Thủ đô nói chung và tổ chức giao thông qua sông Hồng nói riêng.

 

“Từ khi dự án được triển khai, chính quyền luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để dự án sớm đi vào động, chúng tôi không có ý định “lưu danh, ghi công” gì với công trình mà mong muốn các cấp có thẩm quyền đặt lại tên cầu để xứng đáng với tầm cỡ vốn có của công trình. Việc đặt tên cho một công trình lớn như vậy không thể tùy tiện đặt trong một phạm vi hẹp, điều đó phải được các nhà nghiên cứu cùng thảo luận để đưa ra một tên gọi mang nhiều ý nghĩa văn hóa, lịch sử của Thủ đô ngàn năm văn hiến”, ông Lâm cho biết.

 

Cũng có ý kiến cho rằng, Hà Nội đã có Cầu Thăng Long (mang tên Kinh đô thời Vua Lý Công Uẩn) nằm song song với cầu Nhật Tân... cơ quan chức năng nên chăng xem xét, đổi tên cầu Nhật Tân. Có thể lấy tên cầu Cổ Loa (mang tên Kinh đô thời Vua An Dương Vương), hoặc cầu Đông Đô (mang tên Kinh đô thời Vua Lê Lợi), để xứng đáng với tầm cỡ của một trong những cây cầu đặc biệt, hiện đại, tầm cỡ vươn tầm khu vực.

 

Nhắc đến chuyện đặt tên... cho cầu, nhiều người còn nhớ ngày 10/2/2012, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ra thông báo mời toàn thể cán bộ, nhân dân trong và ngoài địa bàn tỉnh góp ý đặt tên cho cầu đường bộ qua sông Hương. Cầu được xây dựng ở vị trí gần cầu đường sắt Bạch Hổ, khởi công từ tháng 12/2009, có tổng mức đầu tư 730,284 tỉ đồng, rộng 24,5m, gồm 2 mố và 11 trụ, chiều dài toàn cầu tính đến đuôi mố là 542,5m.

 

Theo kế hoạch, công trình phấn đấu thông xe kỹ thuật vào ngày 30/4; chính thức đưa vào sử dụng nhân dịp lễ Quốc khánh 2/9. UBND tỉnh yêu cầu, tên của chiếc cầu mới phải khái quát được giá trị lịch sử, giá trị thẩm mỹ, xứng tầm với công trình hiện đại và gắn bó với địa danh sông Hương của thành phố Huế.

 

Người dân Huế được đọc bản tin với nội dung trên đăng trên các báo, người dân hân hoan. Hân hoan vì mình được đặt tên cầu (nghe nó long trọng như nhà hàng xóm nhờ mình sang đặt tên cho con họ); hân hoan vì chính quyền bây giờ coi trọng ý kiến người dân (đúng là cầu làm từ tiền thuế của dân đóng).

 

Có lẽ đây là lần đầu tiên có loại thông báo này nhưng là một việc làm hay. Nên chăng, việc đặt tên cho cầu Nhật Tân cũng công khai đưa ra thảo luận như vậy để người dân "tâm phục khẩu phục".

 

Được khởi công từ tháng 3/2009, cầu Nhật Tân có tổng mức đầu tư dự định trên 6.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, đến tháng 10/2014, cây cầu này sẽ hoàn thiện và đi vào khai thác Dự án Cầu Nhật Tân là một trong các dự án ODA trọng yếu của Nhật Bản tại thành phố Hà Nội.

 

Dự án cầu Nhật Tân có tổng chiều dài 8,9 km. Phần cầu Nhật Tân dài 3,7 km trong đó có cầu chính vượt sông Hồng dài 1,5 km là cầu dây văng liên tục nhiều nhịp với 5 trụ tháp tượng trưng cho năm cửa ô của Thủ đô chào đón bạn bè quốc tế đến với Hà Nội.

 

Phần đường dẫn dài 5,4 km trong đó có các nút giao Phú Thượng nằm trên địa bàn quận Tây Hồ, nút giao Tả Hồng và nút giao Vĩnh Ngọc nằm trên địa bàn huyện Đông Anh. Trên tuyến đường dẫn có cầu sông Thiếp và cầu vượt nút giao Vĩnh Ngọc.

 

 

Theo Mạnh Kiên
 
Năng lượng mới