Sang Nhật Bản học tập kinh nghiệm xây dựng Bộ luật Dân sự
(Dân trí) - Đoàn công tác gồm đại diện Bộ Tư pháp, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, sang Nhật Bản để nghiên cứu, học tập kinh nghiệm xây dựng Bộ luật Dân sự tại nước này.
Theo thông tin từ Bộ Tư pháp, hoạt động này nằm trong khuôn khổ hoạt động hợp tác giữa Cơ quan hợp tác quốc tế của Nhật Bản (JICA) và Bộ Tư pháp Việt Nam. Chuyến đi diễn ra từ ngày 1/3/2015 đến ngày 14/3/2015 do ông Đinh Trung Tụng - Thứ trưởng Bộ Tư pháp - dẫn đầu.
Bộ luật Dân sự hiện hành có hiệu lực từ năm 2006 với 777 điều.Tham gia đoàn gồm có ông Trần Đình Long - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại diện Thường trực Tổ biên tập dự án Bộ luật Dân sự, Văn phòng Quốc hội (Vụ Pháp luật, Vụ Tư pháp), Vụ Pháp luật của Văn phòng Chính phủ, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Khoa luật Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản Yoko Kamikawa, ông Đinh Trung Tụng cho biết mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam quyết tâm xây dựng Bộ luật Dân sự và hệ thống pháp luật đáp ứng tốt hơn việc tôn trọng, bảo vệ quyền con người, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Ông Tụng đề nghị Bộ Tư pháp Nhật Bản, JICA, các giáo sư và chuyên gia Nhật Bản tiếp tục có những hỗ trợ Việt Nam để thực hiện mục tiêu nêu trên trong giai đoạn 3 của dự án hỗ trợ tư pháp.
Dự kiến đoàn công tác liên ngành sẽ tiếp tục làm việc, trao đổi với các giáo sư Nhật Bản xung quanh những nội dung quan trọng về vị trí, vai trò của Bộ luật Dân sư, về cá nhân, pháp nhân, quyền sở hữu và các vật quyền khác, nghĩa vụ và hợp đồng.
Bộ luật Dân sự được lấy ý kiến rộng rãi tới hết ngày 5/4. Ba đầu mối tiếp nhận góp ý gồm: Chính phủ, UBND; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; TAND Tối cao và VKSND Tối cao.
Theo đại diện Bộ Tư pháp, 10 vấn đề trọng tâm của bộ luật sửa đổi bao gồm: quyền nhân thân; bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu; lãi suất trong hợp đồng vay tài sản; thời hiệu khởi kiện vụ việc dân sự, hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức; thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác; điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi...
So với bộ luật hiện hành (có hiệu lực từ ngày 1/1/2006 gồm 777 điều), dự thảo Bộ luật Dân sự lần này giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 170 điều, bãi bỏ gần 150 điều.
Bộ Tư pháp khẳng định người dân sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để đóng góp ý kiến. Các cơ quan có thẩm quyền sẽ tổng hợp đầy đủ, chính xác để ban soạn thảo nghiên cứu và hoàn thiện dự thảo.
Thế Kha