1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Sáng nay bàn giao đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau 10 năm xây dựng

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Sáng nay (6/11), Bộ Giao thông vận tải và UBND TP Hà Nội chính thức ký kết bàn giao đường sắt Cát Linh - Hà Đông, kết thúc 10 năm thi công và 4 lần "lỡ hẹn" khai thác thương mại.

Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông là một trong 8 tuyến đường sắt đô thị theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải (GTVT) Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là công trình đường sắt đô thị thí điểm đầu tiên được Bộ GTVT phê duyệt năm 2008 và phê duyệt điều chỉnh vào năm 2016.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông do Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ GTVT làm chủ đầu tư, được khởi công từ tháng 10/2011. Tổng mức đầu tư dự án hơn 18.000 tỷ đồng, vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.  

Tổng thầu EPC thi công dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc, tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH GSXD Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.

Sáng nay bàn giao đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau 10 năm xây dựng - 1

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông được bàn giao sáng 6/11 (Ảnh: Đỗ Linh).

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài 13,05 km với 12 ga đi toàn bộ đi trên cao, điểm đầu là ga Cát Linh và điểm cuối là ga Yên Nghĩa, khu Depot tại Phú Lương - quận Hà Đông; Dự án đã mua sắm 13 đoàn tàu.

Dự kiến, 7h sáng nay, Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội cùng Tổng thầu Trung Quốc sẽ chính thức ký kết bàn giao đường sắt Cát Linh - Hà Đông, kết thúc 10 năm thi công dự án và 4 lần lỡ hẹn khai thác thương mại.

Theo ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội ký kết hợp đồng bàn giao và tiếp nhận dự án. Ngay trong ngày, dự án sẽ chính thức được khai thác thương mại chở khách.

"Tính ưu việt của đường sắt đô thị là phương tiện vận chuyển lớn, tốc độ cao. So với các phương tiện chở khách khác đi từ Cát Linh tới Hà Đông hết 45 phút thì đường sắt đô thị chỉ hơn 20 phút, điều này có ý nghĩa rất lớn cho giao thông đô thị Thủ đô. Đây là tuyến đường sắt xuyên tâm và vô cùng quan trọng, tương lai sẽ kết nối với Xuân Mai để tiếp tục phát triển dự án" - ông Tuấn nêu rõ.

Được biết, từ ngày 6/11, dự án hoạt động vận hành giai đoạn đầu, thời gian khai thác một năm. Sau đó, dự án sẽ được đánh giá và tiếp chuyển sang giai đoạn khai thác bền vững. Đây là giai đoạn lịch sử của Hà Nội, là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam được vận hành khai thác.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, dự án có 13 đoàn tàu nhưng trong 6 tháng đầu sẽ vận hành cơ bản 6 đoàn không ngừng nghỉ, thời gian giãn cách là 15 phút; trong 6 tháng tiếp theo vận hành 9 đoàn tàu với thời gian giãn cách là 6 phút. Hà Nội sẽ khai thác toàn bộ 13 đoàn tàu dựa trên căn cứ vào lưu lượng hành khách.

Bộ GTVT cho biết, dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường sắt đôi, khổ 1435 mm; tốc độ tối đa 80 km/h, tốc độ khai thác là 35 km/h; thời gian chạy tàu từ Cát Linh đến Hà Đông (hoặc ngược lại) là 23,63 phút.

Khi đưa vào khai thác thương mại sẽ hoạt động liên tục từ 5h-23h hàng ngày. Khung giờ cao điểm, các đoàn tàu chạy giãn cách với tần suất 6 phút có một đoàn tàu cập ga với sức chở tối đa 960 người/đoàn. Trong giờ bình thường tàu được khai thác 10 phút/chuyến. Lưu lượng vận chuyển tối đa đạt 1,02 triệu người/ngày.