Sai phạm về đấu thầu ở bệnh viện, máy móc không có tội tại sao bị bỏ không?

Hoài Thu

(Dân trí) - Dẫn chứng vụ án xảy ra tại một bệnh viện về sai phạm trong hoạt động liên doanh, liên kết và đấu thầu, đại biểu Quốc hội băn khoăn khi "máy móc không có tội" nhưng bị bỏ không cả năm trời.

Bất cập này được đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (Thái Bình) chỉ ra khi góp ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự, trong phiên thảo luận ở hội trường sáng 9/11.

Nhất trí với sự cần thiết ban hành nghị quyết, nữ đại biểu cho rằng thực tế có những vụ án lớn kéo dài hàng năm, cơ quan điều tra tạm giữ, kê biên, cấm giao dịch tài sản và đến khi giải quyết xong, có những tài sản không xử lý được, gây lãng phí.

Sai phạm về đấu thầu ở bệnh viện, máy móc không có tội tại sao bị bỏ không? - 1

Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (Ảnh: Hồng Phong).

"Thậm chí, lúc đó bị cáo muốn nộp tiền, nộp tài sản khắc phục hậu quả để làm tình tiết giảm nhẹ nhưng đến khi ra tòa, giá trị tài sản cũng không thể định giá, hoặc tài sản hỏng hóc, xuống cấp không dùng được", bà Thu nêu thực tế.

Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo nghị quyết chỉ quy định thí điểm xử lý vật chứng, tài sản thu giữ bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong một số vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Song theo bà Thu, quy định này chưa thể bao quát, vì trên thực tế, hầu hết các tội danh đều liên quan đến vật chứng, tiền, tài sản. Ví dụ một vụ án buôn lậu trang thiết bị y tế có giá trị lớn, thậm chí hàng trăm tỷ đồng, nhưng không có cơ chế xử lý đến khi ra tòa.

"Buôn lậu tài sản sẽ bị tịch thu, tại sao chúng ta không có cơ chế để xử lý ngay từ đầu?", bà Thu đặt vấn đề.

Nữ đại biểu nêu dẫn chứng điển hình vụ án xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai về sai phạm trong hoạt động liên doanh, liên kết và đấu thầu, còn "máy móc không có tội gì cả".

Thậm chí, hệ thống trang thiết bị hiện đại đó có giá trị điều trị rất tốt nhưng khi xảy ra vụ án, hệ thống máy bỏ không 1-2 năm, người bệnh không được điều trị bởi thiết bị hiện đại. Bà Thu cho rằng đây là một sự  lãng phí vô cùng lớn.

Từ dẫn chứng trong thực tế, nữ đại biểu đề nghị quy định theo hướng cho phép thí điểm ở các tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Với quy định cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng tài sản thông qua hình thức đấu giá công khai, bà Thu đề nghị xác định rõ hơn tiêu chí, điều kiện để được áp dụng biện pháp cho nộp tiền lấy lại tài sản và cho mua bán, chuyển nhượng tài sản.

Sai phạm về đấu thầu ở bệnh viện, máy móc không có tội tại sao bị bỏ không? - 2

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Việt Nga (Ảnh: Hồng Phong).

Cho rằng các quy định tại dự thảo nghị quyết là vấn đề mới, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đồng tình triển khai thí điểm, sau đó tiến hành tổng kết, đánh giá rồi mới sửa đổi luật.

Bà Nga cũng đề nghị sau khi hết thời gian thí điểm, nếu thấy hiệu quả, có thể mở rộng áp dụng thêm đối với các vụ án khác, không chỉ áp dụng riêng với vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Một trong các biện pháp được đề xuất thí điểm là trả lại tiền cho bị hại hoặc gửi tiền vào ngân hàng để chờ xử lý. Trong đó, có quy định tiền gửi vào tài khoản thương mại của cơ quan tiến hành tố tụng mở tại ngân hàng thương mại trong nước do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, theo bà Nga, quy định như vậy không phù hợp, tạo ra sự mất công bằng giữa các ngân hàng thương mại thông thường và ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước.

Dự thảo nghị quyết cũng quy định biện pháp giao vật chứng cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng. Tuy nhiên, nữ đại biểu tỉnh Hải Dương băn khoăn khi chưa đặt ra trường hợp tài sản, vật chứng bị hao hụt, thiệt hại, không còn nguyên giá trị ban đầu hoặc mất.

"Trong trường hợp đó, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được giao quản lý, khai thác, sử dụng đến đâu, xử lý như thế nào?", bà Nga nêu vấn đề và đề nghị xem xét, bổ sung nội dung này tại dự thảo nghị quyết.