Rùng mình, “bó tay” với súng tự chế
(Dân trí) - “Đồng bào Tây Nguyên trước chỉ có cung, nỏ, bẫy đá giờ thêm súng săn “made in Tây Bắc” tràn về. Công nghệ súng chế hiện đã có thể làm súng nóng ngắn giống khẩu K54” - Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng than khó việc quản lý vũ khí hiện nay.
Một đoạn xà beng cũng chế được thành súng ngắn
Đại diện cơ quan soạn thảo Dự án pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Trung tướng Phạm Quý Ngọ - Thứ trưởng Bộ Công an phân tích, vũ khí để lại từ 2 cuộc chiến tranh giành độc lập rất lớn. Ước tính, phải mất trên dưới 200 năm và khoảng 10 tỷ USD để giải quyết triệt để vấn đề vũ khí, vật liệu nổ sót lại này và những hậu quả khó định lượng bắt đầu từ việc quản lý lỏng lẻo, không có quy định cụ thể.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng nêu ví dụ khi còn làm Bí thư tỉnh ủy Sơn La đã từng chỉ đạo phát động toàn dân thu giữ được hàng vạn khẩu súng nhưng chỉ một thời gian sau lại có hàng vạn khẩu khác lưu hành trong dân. Bà Phóng cho biết đó là súng tự chế.
“Không hiểu người dân làm cách nào mà chỉ cần cưa một đoạn xà beng là có thể chế thành một nòng súng, bắn đạn đi rất xa, đạn hoa cải, độ tản lớn, tính sát thương rất cao” – bà Phóng nhún vai vẻ rùng mình kể thêm về độ thông dụng của súng tự chế.
Đồng bào Tây Nguyên trước chỉ có cung, nỏ, bẫy đá giờ thêm súng săn “made in Tây Bắc” tràn về. Công nghệ súng chế này ngày càng cải tiến, hiện đã có thể làm súng nóng ngắn giống khẩu K54 trang bị cho lực lượng vũ trang.
Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng cho rằng phạm vi điều chỉnh của pháp lệnh chỉ nên tập trung vào nội dung quản lý vũ khí cá nhân, để đảm bảo an ninh trật tự công cộng, an toàn quản lý hành chính.
Cơ quan thẩm tra dự án pháp lệnh - UB Quốc phòng an ninh, tỏ ý tán thành quan điểm này với biện giải, các loại vũ khí trang bị cá nhân này, nếu lọt vào tay tội phạm và những phần tử xấu để hoạt động phi pháp thì có thể gây nguy hại cho xã hội. Các loại súng được đề nghị đưa vào “tầm ngắm” như: súng trung liên, tiểu liên, các bin, súng ngắn, súng trường, súng tự chế có tính năng, tác dụng tương tự, súng săn, súng thể thao. Các loại đạn súng tương ứng, lựu đạn, súng bắn hơi cay, hơi ngạt, tia laze… vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ theo đó cũng thuộc diện cần pháp lệnh điều chỉnh.
Chủ nhiệm UB, ông Lê Quang Bình cho biết, qua giám sát, nhiều cơ quan, tổ chức được trang bị vũ khí nhưng việc quản lý còn lỏng lẻo và rất lúng túng trong sử dụng. Nhiều trường hợp nổ súng gây chết người, thương tích đã phải khởi tố hình sự. Do đó, UB Quốc phòng an ninh đề nghị, ngoài lực lượng vũ trang thì hải quan, kiểm lâm, an ninh hàng không, bảo vệ… chỉ nên trang bị vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ nhằm làm tê liệt khả năng kháng cự của đối tượng hoặc làm vô hiệu hóa hành vi vi phạm pháp luật gây nguy hiểm cho xã hội.
Những cơ quan, tổ chức có yêu cầu cao trong phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm nguy hiểm có thể trang bị súng ngắn, súng trường nhưng phải có quy định quản lý, sử dụng chặt chẽ. Không nên trang bị súng trung liên, tiểu liên vì đây là loại súng chiến đấu, tự động lên đạn, khả năng sát thương lớn, độ tản của đạn cao, có thể gây sát thương cho nhiều người.
“Kẽ hở” dễ bị lợi dụng về tình huống được nổ súng
Mặt khác, một số nội dung quy định về “đối tượng đang dùng vũ lực gây bạo loạn”, “đang phá trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, trốn trại giam”, hoặc quy định việc được phép “bắn hỏng phương tiện”… chưa chặt chẽ rõ ràng. Quy định việc nổ súng trong các trường hợp này rất khó áp dụng trong thực tế và dễ bị lợi dụng.
UB quốc phòng an ninh yêu cầu xây dựng lại quy định chặt chẽ hơn để phòng ngừa việc lạm dụng vũ khí gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của cá nhân. Quy định việc nổ súng trong thời bình, theo đó cần tuân thủ các quy định của Bộ luật hình sự về phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết.
Từng tình huống cụ thể có thể nổ súng được liệt kê: tình huống được nổ súng tiêu diệt mục tiêu ngay mà không cần phải xin ý kiến; tình huống phải có lệnh của cấp có thẩm quyền; tình huống chỉ được nổ súng khi không còn biện pháp nào khác...
Về vấn đề cá nhân sở hữu súng đạn, cơ quan thẩm tra chỉ ra, dự thảo pháp lệnh chưa thể hiện rõ quan điểm về việc sở hữu súng hơi, súng săn tự chế của đồng bào dân tộc miền núi, súng là chiến lợi phẩm, kỷ vật mà số quân nhân khi ra quân không giao nộp lại cho đơn vị, mang về làm kỷ niệm… Ông Bình cho rằng, việc cá nhân sở hữu những vũ khí này tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến an ninh trật tự và đề nghị thiết kế quy định mang tính tuyên ngôn “nghiêm cấm cá nhân sở hữu súng đạn”.
Nhìn nhận ở khía cạnh khác, Chủ nhiệm UB tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị nghiên cứu kỹ cả yếu tố lịch sử, văn hóa, truyền thống khi làm pháp lệnh. Lấy ví dụ tỉnh nhà Yên Bái, ông Hiển cho biết, vũ khí thô sơ như cung, nỏ, tên, dao găm, kiếm ở tỉnh vùng cao này rất phổ biến. “Dao găm, còn gọi là dao vía thậm chí là vật sát sườn khi đi rừng. Mà dao găm này chẳng khác kiếm bao nhiêu về độ dài, sắc bén” - ông Hiển băn khoăn, các loại vũ khí thông dụng này cũng cấm, không cho tàng trữ thì rất khó.
Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách kể câu chuyện thực tế khi Yên Bái phát động phong trào thu giữ vũ khí thô sơ, nhiều già làng mang khẩu súng săn tự chế đến giới thiệu đó là “đồ gia truyền”, gắn bó với người dân từ thời tiễu phỉ. Người dân vùng cao đặt câu hỏi chính quyền thu giữ nghĩa là không tin đồng bào nữa?
P.Thảo