1. Dòng sự kiện:
  2. Cơn bão Yagi
  3. Người hùng cứu tài xế gặp nạn ở cầu Phú Mỹ

Thanh Hóa:

Rừng bị tàn phá: Ai cũng biết, chỉ bảo vệ rừng không biết?

(Dân trí) - Cảnh những cây gỗ quý bị đốn hạ không khó để phát hiện trong khu vực rừng phòng hộ nằm trên địa bàn bản Nà Đang, xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa. Vậy mà bảo vệ rừng dường như không hề hay biết?

Rừng phòng hộ bị “xẻ thịt”

Bản Nà Đang, một trong những bản khó khăn nhất cả về điều kiện kinh tế và địa hình, của xã Lâm Phú, huyện miền núi Lang Chánh. Từ thị trấn huyện Lang Chánh theo con đường liên huyện phải mất gần một giờ đồng hồ mới đến trung tâm xã Lâm Phú.

Đúng như phản ánh của người dân, con đường từ trung tâm xã vào bản Nà Đang phải đi mất hơn một giờ đồng hồ. Muốn vào bản Nà Đang chỉ có con đường độc đạo này và cách đường chính không xa, có một chốt trạm của lực lượng bảo vệ rừng, thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lò.


Dọc hai bên đường, càng đi sâu vào trong, những cánh rừng bạt ngàn hiện ra trước mắt, và con đường cũng ngày càng khó đi hơn. Hơn một tiếng đồng hồ quăng quật với con đường bùn đất, lầy lội, chúng tôi cũng đến được bản Nà Đang, từ đây không thể đi xe máy mà phải đi bộ vào rừng.

Chúng tôi được một người dân địa phương đồng ý dẫn đường, tiếp cận hiện trường khu vực khai thác rừng trái phép. Vừa đi sâu vào dưới chân núi của những cánh rừng, cảnh tượng một đống gỗ to, được đục đẽo, tập kết chắn hết lối đi. Người dẫn đường giải thích: “Số gỗ này chủ yếu là en và táu, bị khai thác trái phép, các đối tượng chưa kịp tẩu tán, sau khi người dân phát hiện, phản ánh thì kiểm lâm mới vào vận chuyển ra đây để đưa về”.

Đường vào rừng càng lúc càng dốc đứng, trơn trượt và khó đi, phải vất vả lắm chúng tôi mới tiếp cận được vị trí theo người dẫn đường là khoảnh 9, tiểu khu 374, rừng phòng hộ Sông Lò. Một cảnh tượng rừng bị tàn phá dần hiện ra với những điểm xẻ gỗ ngay giữa rừng, những cây gỗ đã bị đốn hạ, gốc còn tươi, “rỉ máu”. Chỉ một khoảnh nhỏ, chúng tôi đếm được hơn chục cây gỗ bị chặt phá, trong đó có khoảng 10 cây en, 2 cây táu và 2 cây dẻ. Mỗi cây có chu vi trung bình từ 120 - 140cm. Những cây gỗ này được lâm tặc dùng cưa xăng đốn hạ và đã đưa đi khỏi hiện trường.

Những cây gỗ có đường kính khoảng 50cm, dài hơn chục m đã bị đốn hạ còn nằm lại trong rừng.
Những cây gỗ có đường kính khoảng 50cm, dài hơn chục m đã bị đốn hạ còn nằm lại trong rừng.

Rời tiểu khu 374, chúng tôi tiếp tục đi bộ xuyên rừng, đến tiểu khu 377. Dọc theo lối đi, những tấm ván đã được xẻ ra còn nằm rải rác, càng đi sâu vào trong và ngược về hai phía đường mòn giữa đỉnh núi là cảnh những cây gỗ có đường kính trung bình khoảng 40cm bị chặt hạ. Có những cây đã được đưa ra khỏi rừng, có những cây còn nằm lại rừng.

Người dẫn đường giải thích, thời điểm mà lâm tặc triệt phá rừng là vào cuối năm 2013 và đầu năm 2014. Tuy nhiên, không có đối tượng nào bị phát hiện và bắt quả tang, chỉ đến khi người dân phát hiện, báo cáo thì cơ quan chức năng mới vào kiểm tra thì rừng đã bị tàn phá.

Nhiều cây cổ thụ bị đốn hạ chỉ còn trơ gốc, bên cạnh đó, còn hàng chục cây gỗ lớn nhỏ, có những cây đường kính 40 - 50cm, thân gỗ dài hàng chục mét nằm rải rác trong rừng. Chỉ đếm sơ qua đã có hàng chục cây gỗ bị chặt phá, phần lớn, số gỗ này đã được đưa ra khỏi rừng. Trên vết cắt của nhiều gốc cây, còn lưu lại dấu và thời điểm kiểm tra của các lực lượng như: Kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lò và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, còn hàng chục gốc cây đã bị đốn hạ chưa thấy lực lượng chức năng kiểm tra, đánh dâu.

Gỗ được xẻ ngay giữa rừng.
Gỗ được xẻ ngay giữa rừng.

Gỗ mới bị chặt hạ, còn tươi rói.
Gỗ mới bị chặt hạ, còn tươi rói.

Ông L.V.K, bản Nà Đang bức xúc: “Dân có phản ánh lên xã, công an xã vào rồi, họ cưa gỗ giữa ban ngày, chủ yếu là gỗ táu, sến, en. Vì gỗ bị cưa sát đường ô tô nên không thể nói kiểm lâm không biết?”.

Cán bộ bảo vệ rừng cấu kết với “lâm tặc”?

Theo phản ánh của người dân, tình trạng phá rừng phòng hộ ở bản Nà Đang, xã Lâm Phú, là có sự cấu kết của một số cán bộ Trạm bảo vệ rừng, thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lò với “lâm tặc” để khai thác, buôn bán lâm sản trái phép.

Khu vực bị tàn phá nằm trong rừng phòng hộ.
Khu vực bị tàn phá nằm trong rừng phòng hộ.

Cụ thể tháng 12/2013, khi người dân phát hiện tại khu vực dốc ông Viện, xã Lâm Phú có nhiều cây gỗ en bị chặt phá, người dân đã biết và báo với cán bộ chốt bảo vệ địa bàn tại xã Lâm Phú, nhưng vụ việc chưa xử lý, chỉ đến khi người dân báo về Hạt kiểm lâm huyện Lang Chánh thì mới thấy lực lượng chức năng vào cuộc. Tuy nhiên, biên bản kiểm tra của cơ quan chức năng đã không đúng số lượng và khối lượng những cây gỗ en được khai thác tại khu vực dốc ông Viện?

Cảnh tượng rừng bị tàn phá như một công trường.
Cảnh tượng rừng bị tàn phá như một công trường.

Thời gian rừng bị khai thác là trước, trong, và sau tết nguyên đán vừa qua tại các nơi như: dốc ông Viện, khu vực Mè giàng, khu vực Lán cháy, khu vực lô 10... Ngang nhiên hơn là có hàng chục cây gỗ được khai thác bằng cưa xăng, trong nhiều ngày gần đường ô tô đi và có chốt bảo vệ rừng mà không bị phát hiện?

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lò thừa nhận: “Có một số vụ nhỏ lẻ, chúng tôi có phối hợp với kiểm lâm và xã tổ chức kiểm tra, xử phạt một số đối tượng khai thác nhỏ lẻ, mỗi vụ hơn 2 tấc (hươn 0,2m3) chủ yếu là gỗ tạp nhóm 7, nhóm 8?”.

Trong khi, chính ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết, hàng tháng, lực lượng thường xuyên đi kiểm tra rừng, nhưng không phát hiện có khai thác. Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi vị trí rừng bị khai thác trái phép, ông Anh nói: “Cụ thể chưa thể nhớ lô, khoảnh nào? chỉ có anh em đi mới thuộc hết được. Đây là rừng phòng hộ, đảm bảo sinh thái và điều tiết nguồn nước, về nguyên tắc không được khai thác, chỉ được tận thu, tận dụng do gió bão, lốc gốc. Một số hộ khai thác trái phép đã bị phát hiện và bị xử phạt.

“Việc làm triệt để là bài toán mà chúng tôi đang tính, vì dân ở vùng lõi, không có đất sản xuất, trong khi địa bàn sâu xa, dốc, lực lượng ít. Một số đối tượng chủ tâm theo dõi hoạt động của anh em. Địa bàn rộng, dân vào khai thác là điều khó tránh khỏi, mặc dù anh em đã cố gắng, nhưng gần như các vụ việc anh em đều xử lý hết”, ông Anh cho biết thêm.

Liên quan đến việc người dân phản ánh, rừng bị lâm tặc tàn phá có sự “bảo kê” của cán bộ Ban quản lý, ông Anh cho biết: “Mới làm việc với trạm bảo vệ rừng Hón Sài, đang tiến hành xử lý vụ việc để cho dân khai thác trái phép, giao cho bộ phận chuyên môn sau khi hoàn thiện hồ sơ báo cáo lại”.

Có những cây gỗ đường kính khoảng 80cm.

Có những cây gỗ đường kính khoảng 80cm.
Có những cây gỗ đường kính khoảng 80cm.

Gỗ được tập kết ra gần bìa rừng.
Gỗ được tập kết ra gần bìa rừng.

Duy Tuyên